Đặc biệt, cao điểm hè lượng khách đi lại bằng đường hàng không tăng vượt ngoài dự báo, các sân bay tấp nập khách đi/đến. Các hãng hàng không Việt Nam bày tỏ lạc quan với dòng khách nội địa và tin tưởng đường bay quốc tế sẽ sớm phục hồi, dù giá xăng đang tăng kỷ lục.
Rõ ràng, khách đi máy bay nhộn nhịp đã mang lại sự phục hồi nhanh cho hàng không, du lịch nhưng trái lại, hình ảnh nhiều gia đình, đoàn khách mệt mỏi, đẫm mồ hôi xếp hàng tại các quầy thủ tục, rồi rồng rắn chờ đến lượt kiểm tra an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài vẫn xuất hiện cùng nhiều lời than phiền tràn lan trên mạng xã hội. Đó là lời phản hồi dịch vụ hàng không vẫn chưa như khách hàng kỳ vọng.
Rất thiệt thòi với những hành khách ở các tỉnh lân cận mất hàng giờ di chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất, rồi phải chờ thêm hàng giờ vì lý do máy bay về trễ. Số liệu Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố (từ ngày 19-5 đến 18-6), các hãng bay Việt Nam có hơn 5.600 chuyến bay bị chậm, 65 chuyến bị hủy. Trong đó, có 4.126 chuyến bay chậm do máy bay về muộn. Trong khi đó, các hãng hàng không ít khi đưa ra bình luận về trình trạng khách vạ vật vì máy bay về trễ.
Hãng bay Vietnam Airlines với đội bay 100 chiếc thẳng thắn nhìn nhận đặc thù của hàng không: Một chuyến bay chậm sẽ kéo dây chuyền một loạt chuyến bay khác ảnh hưởng. Hãng bay này phản hồi đang xây dựng các phương án rút ngắn thời gian máy bay hạ cánh trả khách cho tới khi chuẩn bị sẵn sàng để đón chuyến tiếp theo (ground time); đảm bảo đủ số lượng máy bay dự bị tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất…
Trong bối cảnh giá xăng đẩy lên cao, giá vé máy bay theo đó cũng đội lên kịch khung, khách vẫn chấp nhận bỏ tiền túi để chi phí cho chuyến đi nhưng trái lại, chất lượng dịch vụ từ các hãng bay lẫn nhà khai thác cảng hàng không vẫn chưa tương xứng với đồng tiền khách bỏ ra. Chưa kể, chờ đợi tại sân bay người dân tiêu tốn thời gian, lỡ nhịp công việc, sắp xếp việc gia đình và chi phí ăn uống đắt đỏ tại các sân bay. Các nhà khai thác sân bay lên tiếng hạ tầng tại một số sân bay đã vượt công suất thiết kế nhưng không lẽ khách hàng sẵn sàng bỏ tiền mà lại vẫn bài ca đến cao điểm lại kẹt cả bầu trời lẫn mặt đất.
Nhìn lại không ít chuyến bay bị hủy, bị chậm chuyến khách nhận được lời xin lỗi mà chưa có sự bồi thường thỏa đáng của người vận chuyển. Để chấn chỉnh sự ngó lơ này, nhà chức trách hàng không đã yêu cầu cảng vụ hàng không giám sát, kịp thời yêu cầu các hãng hàng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người vận chuyển và đảm bảo quyền lợi khách hàng các trường hợp chậm chuyến, hủy chuyến.
Góc độ quản lý, Bộ GTVT cũng nhận xét các hãng bay ứng xử chưa hợp lý khi thực hiện các nghĩa vụ về bồi thường, gây bức xúc cho khách hàng. Từ đó bộ này đề xuất chế tài kiểm tra, giám sát đối với các hãng hàng không có tỉ lệ chậm chuyến, hủy chuyến cao, các hãng hàng không được đánh giá có chất lượng dịch vụ kém gây ra các phản ứng tiêu cực đối với khách hàng.