“Đóa hoa” nở muộn mang tên tình yêu
Yêu, không yêu, yêu, không yêu, yêu… - tình cảnh bối rối như trong trò “bói hoa”, bứt cánh hoa để quyết định tình cảm của tuổi teen, có ai ngờ lại rơi vào một cặp đôi trưởng thành, gặp nhau khi đã U40.
Anh Suzuki Fumiaki (47 tuổi) và chị Hoàng Viết Tuyên (41 tuổi) đã có một cuộc tình kỳ lạ, bắt đầu từ việc… chối bỏ tình cảm, cả hai người đều không định từ bỏ cuộc sống độc thân.
Anh Fumiaki là chuyên gia kỹ thuật của một công ty may mặc chuyên đồ thể thao của Nhật; còn Tuyên là phiên dịch viên.
Fumiaki sang cơ sở Việt Nam đặt tại Bình Thuận của công ty làm việc và gặp Tuyên tại đây. Anh đã ấn tượng với cô, trong chiếc váy rất nữ tính khiến cô nổi bật trong một môi trường toàn quần áo công nhân.
Tuyên được điều động làm phiên dịch riêng cho Fumiaki. Làm việc chung, anh càng có thấy cô hay hay, ấn tượng tốt tăng dần. Người đàn ông 40 tuổi vẫn chưa từng kết hôn ấy thấy rung động mãnh liệt.
Còn về phần Tuyên, cô nhận thấy Fumiaki là một người khắt khe và nghiêm túc với công việc. Anh đòi hỏi mọi việc phải chính xác đến tuyệt đối đến mức khó thở, hay la lối đến mức cô thầm nói xấu: “Ai lấy ông này chắc ung thư tai mất”. Nhưng anh cũng là người có trái tim ấm áp.
Cảm tình trong lòng Fumiaki lớn đến mức, những đồng nghiệp làm việc xung quanh họ nhận ra. Fumiaki bị trêu, “chất vấn” về tình cảm với Tuyên, nhưng anh lắc đầu quầy quậy, dứt khoát: “Tôi không muốn yêu phụ nữ đơn thân. Cô có hai con sao tôi nuôi nổi”. Vì chưa từng yêu ai, chưa từng có mối quan hệ sâu sắc nào với một người phụ nữ nào trước đó, anh rất ngần ngại.
Tuyên cũng thế, chị đang yên ổn với cuộc sống đơn thân. Chị kể, khi gặp anh Fumiaki, chị mới vừa vượt qua giai đoạn sóng gió trong tình cảm. Có với chồng cũ hai em bé, nhưng cuộc sống của chị gần như vắng bóng đàn ông. Chị và chồng cũ ly hôn chồng khi con đầu hai tuổi, con thứ hai ba tháng, chia tay xong chị cũng một mình tự nuôi con và thấy ổn với cuộc sống độc lập.
Nhưng tình yêu trong lòng cứ dâng lên như sóng, đâu thể cứ ém xuống là xong. Trước cửa nhà máy, anh Fumiaki ngỏ lời: “Tôi thích cô lắm, mà lấy nhau, làm sao tôi nuôi được hai đứa con của cô đây?”. Tuyên chẳng biết đáp lại anh thế nào. Cuối tuần, anh cứ thế đến nhà chơi, dọn dẹp nhà giúp chị, chơi với lũ trẻ, và dần nhận ra, không chỉ là một phiên dịch viên có năng lực, Tuyên còn là một phụ nữ tràn đầy nữ tính và một người mẹ tốt.
Tuyên thực ra cũng “xiêu đổ” vì anh kỹ sư người Nhật, rung động khi anh cứ tấn công, nhưng vẫn ngại ngùng. Thời điểm ấy, chị cũng có chút mặc cảm vì nghĩ mình không có nhan sắc, lại có hai con. Chị hỏi vặn: “Tôi già, xấu, lại có hai con, làm sao chúng ta có thể thành một đôi?”; còn anh chỉ tủm tỉm nói: “Điều đó chỉ chứng minh một điều, em đã rất vất vả để có được hai thiên thần.”. Thế là họ yêu nhau, mãnh liệt như chưa từng có những ngần ngại, rào cản nào.
Chồng yêu chiều hết mực, cưới rồi vẫn ngủ riêng
Yêu nhau 3 năm, họ trải qua không ít sóng gió. Tuyên vừa yêu, vừa không xác định sẽ gắn bó dài lâu với Fumiaki. Đã có thời điểm, hai người gần như chia tay nhau. Thời điểm ấy, Fumiaki rời Bình Thuận, chuyển công tác đến Bình Định nửa năm. Sau đó, anh quyết định sẽ về lại Nhật Bản.
Trước ngày anh rời Việt Nam, họ gặp nhau lần cuối. Kết quả của cuộc hẹn hò ấy là em bé thứ ba của gia đình.
Như một sự gắn kết kỳ lạ của định mệnh, họ không thể bị chia tách, ngược lại, trở thành gia đình của nhau. Fumiaki đưa tất cả sang Nhật năm 2019. Năm ấy, bé lớn của Tuyên 7 tuổi, bé nhỏ 5 tuổi.
Trước khi cả gia đình sang Nhật, Fumiaki hỏi vợ có người quen biết hay họ hàng gì đang sống ở Nhật không. Tuyên nghĩ ra có một nữ đồng nghiệp làm cùng công ty của Fumiaki sống tại Tokyo.
Thế là Fumiaki quyết định chọn Tokyo - thành phố đắt đỏ bậc nhất nước Nhật - để cả gia đình sống, với mục đích vợ có người bầu bạn, đỡ bỡ ngỡ trong những ngày xa cách Việt Nam.
Cho đến khi ôm con sang Nhật, Tuyên mới ra mắt mẹ chồng. Chị rất hồi hộp, vẫn chưa hoàn toàn tự tin vì ngại chồng là trai tân, mình thì đã đề huề con cái. Ai ngờ, chính mẹ chồng đã “phá băng” nỗi lo lắng của Tuyên. Bà dặn: “Con không được có tư tưởng hai bé đầu là con riêng, không được để chồng có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào với bọn trẻ, không được để chúng tổn thương.
Khi quen con trai mẹ, con không hề giấu giếm chuyện mình đã có hai đứa con. Nó yêu con thì phải chấp nhận toàn bộ hoàn cảnh, con người của con. Con phải nhớ đối xử công bằng với bản thân, không được phép tự coi thường hay để chồng coi thường.”.
Fumiaki làm như thế thật. Anh yêu thương hai đứa trẻ như thể chúng cũng là máu mủ của mình. Để đảm bảo việc chăm sóc gia đình, anh yêu cầu công ty cam kết không thuyên chuyển chi nhánh, từ bỏ luôn việc đi công tác.
Tuyên nhớ, khi mới sang, các con cũng sốc văn hóa vì hoàn toàn không biết tiếng Nhật. Bé lớn khi đó đang học lớp 2, được nhà trường yêu cầu học nối tiếp luôn chương trình. Cô bé bị bối rối, khó hòa nhập, trường gọi hai vợ chồng lên họp phụ huynh suốt. Chị phải mang con nhỏ lên trường học cùng bé lớn cả ngày, làm phiên dịch cho con; sau khi trường có trợ giảng người Việt thì chị mới được về.
Sau thời điểm đó ít lâu, dịch Covid-19 bùng phát. Nhân tiện phải làm việc tại nhà, Fumiaki đã dành vài tháng “lăn lộn” với bé, ngày nào hai ba con cũng cùng học với nhau. Sau vài tháng, con bé ổn dần và thích nghi rất tốt.
Tuyên kể: “Con gái dạo này lên ký, mình kêu con mập vậy xấu, bắt con ăn kiêng và tập thể dục. Chồng mình nghe thấy thì la rằng mình làm như vậy ảnh hưởng đến sự tự tin của con, con lớn lên sẽ nhìn nhận về đẹp - xấu không đúng, khổ sở về ngoại hình.
Anh kêu con lại nói: ‘Con rất xinh, còn ai thấy con mập, không xinh là do họ không biết nhìn nhận về cái đẹp. Con cứ ăn những gì con thích, niềm vui hạnh phúc khi ăn uống cũng làm cho mình đẹp và đáng yêu hơn.
Con chỉ cần tập thể dục , chơi thể thao nhiều để khỏe là được. Con thấy con đẹp, ba mẹ thấy con đẹp là được, đừng quan tâm những người không biết nhìn nhận vẻ đẹp của con. Mà ở trường đứa nào dám chọc con mập, nói ba, ba sẽ lên gặp nó.’ Mỗi ngày anh đều khen các con rất đẹp, và la khi mình chê con.”.
Hạnh phúc khi sống ở Nhật
Về phần mình, Tuyên đang trải nghiệm nhiều điều thú vị nơi xứ người. Chị cho biết, ở Nhật thì vất vả hơn nhiều nhưng chị có thời gian bên con nhiều hơn. Vất vả nhưng phải tự chăm sóc mọi thứ của các con, thành ra cũng hiểu con cần gì hơn. Các buổi tối và cuối tuần không phải làm việc, chị dành hết cho 3 em bé.
Thậm chí, từ xưa đã quen việc ngủ cùng các con, Tuyên thương lượng với chồng để hai người ngủ riêng phòng. Chị không muốn hai con lớn có cảm giác mẹ lấy chồng mới thì chia tách với mình. Chồng chị cũng hoàn toàn đồng ý mà không có chút phàn nàn. Anh cũng chủ động làm việc nhà, việc nặng, chăm sóc các con.
Mất hơn 1 năm sang Nhật, Tuyên mới có thể tìm được việc, là quản lý đơn hàng của một công ty may mặc trẻ em. “Ở Nhật, người ta ưu tiên việc phụ nữ chăm sóc gia đình, chăm sóc các con hơn là làm việc ngoài xã hội. Hồi trước mình xin vào siêu thị gần nhà làm, họ thấy có con nhỏ thì từ chối luôn, khuyên mình nên ở nhà để chăm con cho tốt. Công ty hiện tại của mình thuộc hạng A, Họ có cam kết hỗ trợ cho những người mẹ nuôi con nhỏ đi làm.”.
Chị cũng tự thấy mình may mắn, hay được giúp đỡ khi sống tại Nhật. “Người Nhật rất tốt luôn. Vì mình là người nước ngoài, họ đối xử với mình theo kiểu khách đến nhà, hết sức lịch sự. Mình nhớ hoài, hồi mới sang được 2 ngày thì bị lạc. Chồng mình xách túi đi trước, mình dắt con theo sau. Anh quen nếp đi quá nhanh, mình không thể đi kịp, chưa kể hai đứa con thì nhỏ
Lạc đường nhưng mình không thể hỏi cảnh sát vì không nhớ địa chỉ nhà, số điện thoại chồng cũng không nhớ, không có giấy tờ tùy thân hay ví tiền bên người. Mình đánh bạo nhờ một người bên đường giúp đỡ.
Cậu ấy bảo mình có nhớ chi tiết gì đó để tìm đường về không, mình nghĩ mãi mới ra tên tòa nhà. Tra cứu thì trong thành phố có 43 tòa nhà tên như thế. Cậu ấy đã dắt mình đi tìm những tòa nhà ở gần khu vực đó, cho đến khi gặp chồng cũng đang cuống lên đi tìm mấy mẹ con mới thôi.
Có lần khác, mình dắt lũ trẻ đi công viên chơi thì con trai bị ngã, chảy máu đầu. Đúng đợt Covid-19, gọi xe cấp cứu hoài không được, một ông trong công viên đã bế con mình ra tận đường lớn, vẫy giúp xe chở đi viện rồi cùng đi luôn.
Mình không mang bảo hiểm của con nên viện phí rất đắt, vậy mà ông ấy trả luôn giúp, còn đợi băng bó xong cho em bé rồi đưa mấy mẹ con ra taxi. Ông còn cho cả tiền taxi, dặn taxi chở thẳng mình về nhà. Mình không biết thông tin gì, ngoài tên của người đàn ông xa lạ tốt bụng đó.”.
Cùng với sự yêu thương, bảo bọc của gia đình chồng, những người tốt ở Nhật khiến Tuyên cảm thấy ấm áp, vơi bớt nỗi cô đơn xa xứ.
(Ảnh: NVCC)
https://soha.vn/moi-tinh-ky-su-nhat-me-viet-2-con-cuoi-nhung-khong-ngu-cung-vuot-dinh-kien-de-ben-nhau-20220712170604129.htmTheo Thiên Yết
Trí Thức Trẻ
Xem thêm: nhc.40030410141702202-uahn-neb-ed-neik-hnid-touv-noc-2-teiv-em-tahn-us-yk-hnit-iom/nv.zibefac