Những ngày qua, thời tiết tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành mưa, nắng thất thường, thường xuyên oi bức. Hơn 1 tháng qua, chị Lê Hân (26 tuổi, tại Cầu Giấy, Hà Nội) luôn cảm giác đau họng và ngạt mũi mỗi khi thức dậy. Điều này khiến cuộc sống của chị bị ảnh hưởng khá nhiều. Chị Hân mua thuốc về uống nhưng không đỡ, tình trạng ngày càng nặng hơn, chị đi khám mới biết nguyên nhân là do nằm điều hòa nhiều khiến họng khô và có có nguy cơ viêm amidan nếu không điều trị dứt điểm tình trạng này.
Tuy nhiên, với thời tiết này, nếu không dùng điều hòa thì chị thấy bức bối và khó chịu.
Tương tự, gia đình chị Ngọ Kim Oanh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bật điều hòa 24/7 vì nhà có con nhỏ mới 10 tháng tuổi. Hơn 3 tháng qua, nắng nóng đỉnh điểm, chị Oanh thường xuyên sử dụng điều hòa vì sợ con nóng và nổi rôm. Tuy nhiên, nửa tháng gần đây, con chị bị sốt, ho nhiều. Chị đưa con đi khám thì được bác sĩ kết luận là viêm họng nặng.
Trao đổi với PV, PGS Nguyễn Thị Hoài An, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa An Việt, Hà Nội cho biết vào mùa hè, số bệnh nhân đến khám vì các bệnh lý tai mũi họng, đặc biệt là tình trạng đau, viêm họng do nằm điều hòa không đúng cách có xu hướng tăng lên.
Bác sĩ An phân tích việc sử dụng điều hòa là cần thiết trong mùa hè, nhưng không phải ai cũng biết sử dụng điều hoà đúng cách để đảm bảo vừa mát, vừa không nhiễm bệnh.
"Trong môi trường điều hòa, nếu một người bị nhiễm trùng như cảm cúm, vi khuẩn viêm mũi họng thì sẽ rất dễ lây cho người khác. Khi mở điều hòa, lượng oxy sụt giảm bằng một phần ba so với phòng mở cửa, đồng thời các phòng đều khép kín khiến không khí trong phòng khó lưu thông, làm cho vi khuẩn bám trên bề mặt da hoặc niêm mạc đường hô hấp của những người sống chung phòng, tăng nguy cơ mắc bệnh", PGS An cho hay.
Ngoài ra, nhiều người có thói quen thở bằng miệng khi ngủ làm cho niêm mạc miệng khô. Điều này khiến cơ thể càng dễ nhiễm virus và vi khuẩn hơn, từ đó gây ra tình trạng đau họng khi ngủ dậy.
Chính vì thế, PGS An lưu ý, khi dùng điều hòa, người dân cần biết cách kiểm soát nhiệt độ phòng, có thể để nhiệt độ phòng từ 26 đến 28 độ C. Nhà có trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chỉ cần duy trì nhiệt độ 28 độ C. Ngưỡng nhiệt độ này được coi là phù hợp với hệ thống biểu mô của niêm mạc đường hô hấp. Mọi người có thể kết hợp bật điều hòa với quạt gió thoảng nhẹ, tránh luồng gió thổi thẳng vào mặt.
Ngoài việc sử dụng điều hòa sao cho đúng, bác sĩ An cũng cho biết nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Mọi người có thể súc họng nước muối trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy để làm sạch họng, làm dịu cổ họng, không nên để điều hòa hết đêm mà nên hẹn giờ tắt điều hòa.
Để giảm tình trạng khô họng, người dân có thể sử dụng thêm một chậu nước trong phòng để giảm tình trạng không khí khô hanh trong môi trường phòng điều hoà.
BS An cho biết khi bị đau họng, thông thường bệnh sẽ khỏi sau vài ngày. Nếu quá 1 tuần không khỏi, người bệnh nên đến khám tại các chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị sớm, tránh để tình trạng đau họng chuyển sang mãn tính.
Dùng điều hòa không đúng cách rất dễ gây ra các bệnh về hô hấp. Ảnh minh họa.
Một số lưu ý khác khi sử dụng điều hòa:
- Dùng thêm máy tạo độ ẩm để giảm bớt không khí lạnh, khô trong phòng.
- Không sử dụng điều hòa quá 4 giờ liên tục (sử dụng chế độ ngủ của điều hòa hoặc hẹn giờ tắt).
- Trong 30 phút đầu có thể để chế độ làm lạnh nhanh. Nhưng sau 30 phút, khi căn phòng đã đủ mát, người dân nên nâng nhiệt độ lên tối thiểu 27 - 28 độ C.
- Vệ sinh máy điều hòa định kỳ để hạn chế sự tấn công của virus, vi khuẩn gây bệnh về đường hô hấp.
https://soha.vn/dau-hong-ca-thang-khong-khoi-di-kham-bac-si-chi-ra-nguyen-nhan-khong-ngo-toi-2022071212093006.htmTheo Lê Liên
Trí Thức Trẻ