Ngày 14/7, CTCK VNDirect đã tổ chức tọa đàm trực tuyến "Chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm 2022 và tầm nhìn năm 2023". Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính đã cùng thảo luận về tình hình vĩ mô thế giới và tác động của lạm phát lên thị trường chứng khoán.
"Lạm phát Mỹ đã đạt đỉnh"
Cục Thống kê Lao động Mỹ vừa công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 9,1% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này cao hơn tháng trước (8,6%) và bỏ xa dự báo của các nhà kinh tế học trong khảo sát của Refinitiv (8,8%). Lạm phát tháng 6 cũng là cao nhất kể từ tháng 12/1981. Vài tháng qua, số liệu này liên tiếp lập đỉnh.
Các chuyên gia tại tọa đàm đồng quan điểm lạm phát tại Mỹ có thể đã đạt đỉnh. Ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment nhận định đây đã là mức đỉnh, hoặc tối đa thêm một tháng nữa là đạt đỉnh.
Ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư, Công ty Quản lý quỹ IPA, nhận định con số 9,1% mới công bố hơi bất ngờ so với dự báo 8,8 của Refinitiv. Ông nói: "Theo tôi, giá hàng hoá có dấu hiệu giảm và lạm phát có thể đã tạo đỉnh tạo đỉnh".
Dù nhận định lạm phát tạo đỉnh, song thời điểm lạm phát xuống thấp lại là vấn đề chưa thể đoán định.
Ông Lã Giang Trung dẫn số liệu, khi lạm phát tạo đỉnh thì thị trường chứng khoán sẽ tạo đáy sau 2 tháng hoặc 6 tháng. "Theo quan điểm của tôi, thị trường tạo đáy 2 tháng bởi lạm phát ở mức thấp, chính sách tiền tệ quay đầu được. Rõ ràng lạm phát sẽ đạt đỉnh quanh đây nhưng chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ còn kéo dài mất thời gian lâu hơn tạo đáy", ông nói.
Ông Trung đánh giá, trên 90% nền kinh tế sẽ suy thoái nhưng suy thoái nhẹ hay mạnh hay dẫn đến khủng hoảng nằm ở việc FED sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong bao lâu.
"Việc nới lỏng tiền tệ thời gian qua dẫn đến nợ vay cao. Thắt chặt thì nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, một năm có thể xoay sở nhưng 2 năm thì sao? Khi lạm phát ở mức cao, tôi cho rằng thắt chặt sẽ lâu và suy thoái sẽ không nhẹ. Còn liệu thắt chặt chính sách tiền tệ có dẫn đến khủng hoảng kinh tế hay không thì phải đợi thêm”, ông nói.
Ông Cao Minh Hoàng cho rằng lạm phát sẽ giảm nhưng mức giảm sẽ không thể thấp ngay lập tức. Quan điểm của ông vẫn thận trọng và cho rằng chỉ số lạm phát sẽ không thể quay về ngay mức 4-5%
"Theo tôi, giá hàng hóa có dấu hiệu giảm và có thể đã tạo đỉnh. Chúng ta đang ở ngưỡng suy thoái, cầu yếu, giá hàng hóa tăng thời điểm vừa rồi chủ yếu do đứt gãy nguồn cung. Cầu yếu mà nguồn cung được khơi thông, giá hàng hóa sẽ quay về mức bình thường", ông nói. Ông nhận định muộn nhất giờ này năm sau, lạm phát sẽ xuống thấp.
Tuy nhiên, nhìn về 6 tháng cuối năm, ông giữ quan điểm thận trọng. Một tháng nữa công bố, lạm phát chưa thể quay về ngay mốc 4-5% mà sẽ giảm chậm.
Giá dầu tham chiếu cho lạm phát
Ông Hoàng Việt Anh, Giám đốc khách hàng lớn, Công ty Chứng khoán VNDirect, đánh giá đầu năm 2023 đánh giá có thể cuối quý III, đầu quý IV sẽ thấy đỉnh của lạm phát. "Chúng ta nhìn theo giá dầu để tham chiếu lạm phát. Với mức nền giá dầu cao từng tạo, đầu năm 2023 lạm phát sẽ ko còn cao nữa", ông nói.
Đồng quan điểm, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, lạm phát Mỹ có thể đã tạo đỉnh. Bởi lạm phát 50% đến từ giá năng lượng của Mỹ chủ yếu là xăng dầu, tuy nhiên, tuần vừa qua giá xăng dầu thế giới xu hướng điều chỉnh khá mạnh.
Tại Mỹ, tháng 7 giá xăng dầu giảm 6-7% so với tháng 6, xu hướng thời gian tới vẫn giảm. Yếu tố đó khiến lạm phát tháng 7 tại Mỹ có thể thấp hơn so với tháng 6. Giá hàng hóa thế giới cũng có xu hướng điều chỉnh rõ nét đến từ việc FED mạnh tay thắt chặt tiền tệ, tâm lý đầu cơ giá hàng hóa giảm xuống.
"FED quyết liệt vậy thì kỳ vọng về lạm phát có xu hướng giảm xuống, lạm phát Mỹ có thể đạo đỉnh nhưng nhìn về mức giảm thì từ nay đến cuối năm khó giảm mạnh ngay lập tức vì có dự báo đến cuối năm nay khoảng 6,6% vẫn ở mức cao so với mức trung bình nhiều năm trở lại đây và chưa thể giảm mạnh ngay. Do đó, FED vẫn khả năng cao tăng 200 điểm lãi suất điều hành", ông nhận định.
Ông Hinh kỳ vọng lạm phát 2023 hạ nhiệt nhanh hơn so với năm nay do nền năm nay tương đối cao, trừ khi giá dầu tăng mạnh.
"Chứng khoán chưa đủ rẻ"
Về tình hình vĩ mô trong nước, theo Đinh Quang Hinh, GDP Việt Nam có vẻ đã phục hồi chậm lại, nhất là về tiêu dùng bán lẻ.
Số liệu chỉ ra tiêu dùng bán lẻ tháng 6 đã chậm hơn tháng 5, điều này cho thấy giá cả ảnh hưởng tiêu dùng người dân. Nửa cuối năm với kịch bản kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, sẽ gây rủi ro xuất khẩu Việt Nam cũng như sản lượng công nghiệp. "Mức tăng trưởng nếu so với cùng kỳ thì tốt nhưng so các tháng với nhau thì mức phục hồi đã chậm lại", ông nói.
Theo dự báo của khối phân tích VNDirect, khả năng CPI quý III tới sẽ vượt 4% và kéo dài đến giữa năm sau. "CPI vượt 4% sẽ ảnh hưởng đến chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước, có thể Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành vào cuối năm nay. Những điều này sẽ ảnh hưởng tới diễn biến thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm", ông nói.
Về điểm số, ông Nhận định, VN-Index có thể chưa xác nhận đáy. Tuy nhiên, bóc tách nhiều cổ phiếu thì thấy đã có những mã giảm từ đỉnh tới 60-70%.
Xét về mặt định giá, theo ông Lã Giang Trung, về mặt bằng chung thị trường chưa đủ rẻ, trong giai đoạn thị trường giảm cần phải dùng chỉ số P/B cho cả thị trường.
"P/B vẫn cao chưa thấp, tổng thể thị trường chưa đủ hấp dẫn. Cần giảm quanh quanh 1.000 thì mới đủ hấp dẫn cho giai đoạn lãi suất tăng mạnh. Có một số cổ phiếu P/B thấp sau đó bật lên nhưng chưa chắc duy trì được, song vẫn có nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận đầu tư dài hạn, điều này còn tùy khẩu vị rủi ro mỗi nhà đầu tư", ông Trung nói
Còn ông Cao Minh Hoàng nhận định chứng khoán rất khó thủng mốc 1.000 điểm. Với kịch bản kinh tế suy thoái nhẹ, ông cho rằng VN-Index có thể ổn định ở mốc 1.000 điểm để đầu tư dài hạn.