Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TUYẾT MAI
Án tham nhũng, chức vụ, lừa đảo tăng
Theo báo cáo của Viện KSND TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2022, tình hình tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên một số loại tội phạm lại tăng như tội phạm về tham nhũng, chức vụ, lừa đảo, sử dụng mạng máy tính, viễn thông chiếm đoạt tài sản.
Nguyên nhân là do sau thời gian dài TP thực hiện giãn cách xã hội, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội qua mạng nhiều và các cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường phối hợp, phát hiện, khởi tố hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, đất đai.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - phó bí thư Thành ủy TP.HCM - ghi nhận Viện KSND TP đã nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử án hình sự, thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai, bỏ lọt tội phạm và kịp thời phối hợp với các cơ quan khối nội chính, tư pháp tham mưu cho Thành ủy xử lý đúng pháp luật, đảm bảo yêu cầu chính trị về các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn.
Ông Hiếu dự báo trong thời gian tới tình hình dịch bệnh vẫn còn kéo dài, tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động và khả năng xảy ra tình trạng lạm phát cao, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của TP cũng như của đất nước và ảnh hưởng tới tình hình an ninh chính trị trên địa bàn. Do đó, tình hình tội phạm công nghệ cao, khiếu nại, khiếu kiện sẽ còn diễn biến phức tạp.
Xử lý nghiêm nhưng phải nhân văn, thuyết phục
Tại hội nghị, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí chỉ đạo VKS hai cấp TP.HCM cần phải tăng cường phối hợp với các cấp các ngành để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Ông Trí cho biết thực tiễn hiện nay khi cán bộ bị khởi tố, bắt giam thì người ta chỉ nghĩ là do tiêu cực, tham nhũng, vụ lợi. Tuy nhiên không phải vụ cán bộ vi phạm pháp luật nào cũng là tham nhũng, mà có thể liên quan đến tội phạm chức vụ, kinh tế.
Hiện nay, có những trường hợp quản lý tài sản nhưng lãng phí hoặc thất thoát trên 100 triệu thì bị khởi tố hình sự.
"Ngày xưa khi kinh tế chưa phát triển, 100 triệu to lắm. Hoặc ở phường, xã thì 100 triệu là to, nhưng với các tập đoàn, tổng công ty, cơ quan nhà nước cấp quận thì không to, chỉ bàn ghế ngồi cũng đã mấy trăm triệu. Mà quy mô thiệt hại, thất thoát 100 triệu thôi thì đã hình sự mất rồi.
Thứ hai, bên dưới có khi báo cáo không trung thực, không chính xác, có khi cấp dưới làm bậy, nhưng mình kiểm soát không được thì phải chịu trách nhiệm. Đó có thể gọi là tai nạn nghề nghiệp, rủi ro nghề nghiệp.
Những trường hợp này phải phân hóa mạnh. Nếu không bàn bạc, không vụ lợi, chia chác thì phải báo cáo cấp ủy phân loại để bớt" - ông Trí nói.
Ông Trí dẫn chứng trong khi dịch COVID-19 bùng phát, cấp ủy, ủy ban nói bằng mọi giá phải cứu dân. Trong khi Công ty Việt Á có sẵn người, máy móc, thuốc men cho mượn. Trong hoàn cảnh phải tập trung cứu dân, không bàn bạc, chia chác mà bị xử lý hình sự thì không thuyết phục. Xử lý nghiêm nhưng phải nhân văn, thuyết phục.
Tuy nhiên, ông Trí khẳng định không khoan nhượng với kẻ cố ý, vụ lợi, chiếm đoạt, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
6 tháng đầu năm, VKS hai cấp TP.HCM đã ban hành 246 kiến nghị, thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 7.647 nguồn tin về tội phạm; đã hủy bỏ 5 quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin; ban hành 26 kiến nghị yêu cầu cơ quan CSĐT công an cùng cấp khắc phục vi phạm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
VKS hai cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc bắt, tạm giữ 2.401 người; không phê chuẩn 10 lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, 21 quyết định gia hạn tạm giữ, 26 lệnh bắt bị can để tạm giam, 41 lệnh tạm giam; hủy bỏ 6 quyết định tạm giữ của cơ quan điều tra; yêu cầu cơ quan điều tra bắt tạm giam 1 bị can…
Qua đó, góp phần hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm, bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam có căn cứ, hạn chế việc lạm dụng bắt, giam, chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên và vi phạm tố tụng và các trường hợp khởi tố, điều tra sai giảm dần.
Viện KSND TP.HCM tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương, TP.HCM đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, các vụ án thuộc diện Ban nội chính Thành ủy theo dõi, đôn đốc.
TTO - Theo ông Đỗ Văn Chiến, cử tri, nhân dân mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, bị can bỏ trốn.