Ngày 14-7, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm trên địa bàn TP.HCM từ năm 2000 đến nay. Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng chủ trương này của TP không chỉ tạo ra giá trị trên phạm vi TP.HCM, mà từ đó lan tỏa cách làm, mô hình cho các địa phương khác.
Có người dân hiến hơn 1.300 m2 đất
Tại hội nghị, chủ tịch UBND TP.HCM thông tin qua hơn 20 năm đã có 168.000 người dân tham gia hiến đất mở hẻm, làm đường, trị giá trên 10.000 tỉ đồng, trên 5.000 công trình đã được triển khai thực hiện. Ngoài ra, bà con còn đóng góp tiền mặt trên 450 tỉ đồng cho các công tác trên.
Người dân TP.HCM hiến đất mở hẻm với diện tích bằng một quận
Từ năm 2000 đến nay, người dân TP đã hiến hơn 5,3 triệu m2 đất (5,3 km2) để mở rộng hẻm, đường. Con số 5,3 km2 lớn hơn cả diện tích một quận, như quận 3 (4,92 km2), quận 5 (4,27 km2), quận 11 (5,14 km2), quận Phú Nhuận (4,88 km2)…
Cụ thể, như trường hợp ông Bùi Văn Đèo (sinh năm 1954, tổ trưởng tổ dân phố 10, ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) đã cùng gia đình hiến trên 1.350 m2 đất cho các công trình nông thôn mới. Ông Đèo và gia đình đã hiến 300 m2 đất để làm tuyến kênh tiêu Thai Thai, 500 m2 đất cho công trình đường Cánh Đồng Dược, 300 m2 đất cho tuyến đường Võ Thị Bàng và 250 m2 đất cho công trình đường Cánh Đồng Mua.
“Biết đất là quý, giá trị mỗi ngày một tăng, nếu đem bán thì tôi có một khoản tiền không nhỏ để phát triển kinh tế gia đình nhưng điều quan trọng là mình phải đóng góp được gì cho quê hương nên khi tôi đưa ra ý kiến của mình để thuyết phục thì nhận được ngay sự đồng thuận của gia đình” - ông Đèo chia sẻ thêm.
Một hẻm nhỏ ở quận 7 được người dân hiến đất mở rộng. Ảnh: HUỲNH THƠ |
Tương tự, ông Dương Quốc Trung (nhà 359/6 Lê Văn Sỹ, quận 3) cho biết nhà ông chỉ dài 7 m nhưng đã góp 1,4 m thụt vào với diện tích khoảng 10 m2 để mở rộng hẻm. Cả xóm ông Trung đều hiến đất ít nhiều. Theo ông Trung, trước đây hẻm này nhỏ hẹp, sau khi chính quyền vận động, nhiều nhà hào hứng tham gia, phong trào hiến đất mở hẻm được ủng hộ. Đến nay con hẻm 359 đã rộng rãi, khang trang sau ba năm được người dân hiến đất mở đường.
Bà Trần Thị Hường, Trưởng ban Dân vận Quận ủy quận 3, cho biết quận này có khoảng 600 tuyến hẻm rộng dưới 3 m cần được mở rộng. “Sau 20 năm triển khai phong trào vận động nhân dân hiến đất mở hẻm, quận 3 đã có 3.713 hộ dân tham gia hiến đất mở rộng 95 tuyến hẻm, góp phần cải thiện diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng đời sống của người dân” - bà Hường thông tin.
TP xin trân trọng ghi nhận và cám ơn
“Nhìn lại chủ trương, ta thấy đạt được kết quả như hôm nay, giá trị tinh thần nó lớn hơn. Nó vừa góp phần củng cố cho truyền thống, giá trị văn hóa của TP.HCM vừa có đóng góp cho Nhà nước” - Chủ tịch ubnd tp.hcm phan văn Mãi đánh giá.
Ông Mãi cũng trân trọng biểu dương nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cán bộ cơ sở, tổ, ấp, khu phố khi đã liên tục tuyên truyền, vận động tạo được sự đồng thuận của người dân. “TP rất trân trọng ghi nhận, cám ơn và xin được biểu dương sự đóng góp to lớn này. Tôi rất xúc động khi có đại biểu phát biểu đất ở đây là tấc đất tấc vàng, đất “kim cương” nhưng vì cái chung, người dân sẵn sàng hy sinh, vận động gia đình vì để có được sự đồng tình của những người trong gia đình cũng không phải đơn giản” - ông Mãi nói.
Theo ông Mãi, thời gian tới, TP sẽ tiếp tục công việc tuyên truyền, vận động để bà con tiếp tục đóng góp để mở hẻm, làm đường, chỉnh trang đô thị để xây dựng nông thôn mới. Chính quyền cũng xác định từ nay đến năm 2025, 2030 có những công trình mở hẻm, làm đường nào thông báo đến bà con để bà con biết, cùng làm, cùng đóng góp thực hiện.
“Năm 2025, khi cả nước kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì ở từng địa bàn, xã, phường, quận, huyện, đặc biệt là các phường quận trung tâm, chúng ta phấn đấu không còn hẻm chật hẹp, mất an toàn, không còn những khu dân cư ổ chuột… để cải thiện đời sống của người dân” - ông Mãi nói.
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, cho rằng qua 20 năm thực hiện phong trào này, với những kết quả đạt được đã khẳng định phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” là một trong những giải pháp tối ưu, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đồng thời, công tác này cũng góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương chỉnh trang đô thị, xây dựng khu phố văn minh, sạch đẹp, cải thiện môi trường sống của người dân trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp.
“Thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai thực hiện vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường, hẻm với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”” - bà Mai nói.•
“Nhà nước và nhân dân cùng làm”
Theo báo cáo của Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, trước năm 2000, TP.HCM tồn tại nhiều con đường, hẻm nhỏ không đạt quy chuẩn về giao thông, mỹ quan đô thị và phòng cháy chữa cháy… Khi đó, TP tăng nhanh về quy mô dân số, phát triển kinh tế cao, thu nhập của người dân được cải thiện, mức sống của người dân ngày càng được nâng lên, kéo theo nhu cầu về nhà ở, chất lượng cuộc sống và việc cải thiện tình trạng giao thông, phòng cháy chữa cháy… là một trong những vấn đề cần được quan tâm giải quyết.
Trước tình hình đó, Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM đề ra chủ trương vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm và phát động thực hiện rộng rãi trong nhân dân, theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Quán triệt yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân hưởng ứng tham gia.