Phát biểu trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20, bà Janet Yellen hôm 14/7 cho biết các nước cần nỗ lực kiềm chế 2 hậu quả kinh tế chính từ xung đột Nga – Ukraine. Đó là giá nhiên liệu cao và mất an ninh lương thực. Hai việc này đang kéo tụt kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Trong đó, giá năng lượng cao đóng vai trò lớn khiến lạm phát tháng 6 của Mỹ lên đỉnh 40 năm tại 9,1%. "Áp giá trần dầu Nga là một trong những công cụ mạnh nhất của chúng ta để giảm thiệt hại mà người dân Mỹ và cả thế giới cảm nhận được tại các trạm xăng và cửa hàng tạp hóa. Việc giới hạn giá bán dầu Nga cũng sẽ ngăn nước này cấp tiền cho chiến dịch quân sự ở Ukraine".
Bà cho biết Mỹ sẽ tiếp tục thảo luận với các nước khác để xem "chúng ta có thể làm gì cùng nhau để giúp các quốc gia chịu tác động từ cuộc chiến này".
Sau khi Washington cấm nhập dầu Nga và các nước châu Âu giảm dần tiêu thụ sản phẩm này, giá dầu thế giới đã tăng vọt. Hiện tại, mỗi thùng dầu có giá gần 100 USD. Nhưng các nhà kinh tế học cảnh báo nếu áp thêm lệnh cấm, giá có thể chạm 175 USD một thùng.
Nga hiện chưa lên tiếng về đề xuất áp trần giá. Một số nước khác, như Ấn Độ, thì không cân nhắc vấn đề này. Hôm qua, Trung Quốc cho biết việc áp trần giá rất phức tạp và có thể làm trầm trọng thêm khủng hoảng Ukraine. Ấn Độ và Trung Quốc là hai trong các nước hiện mua nhiều dầu Nga nhất.
Dù vậy, bà Yellen vẫn tỏ ra lạc quan. "Tôi hy vọng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ coi việc áp trần giá dầu là phục vụ cho lợi ích của họ. Vì nó sẽ hạ giá dầu Nga mà họ đang mua vào", bà nói, "Còn nếu không, tôi cho rằng nhiều nước nhập dầu Nga sẽ chịu ảnh hưởng khi lệnh cấm bảo hiểm và cung cấp dịch vụ tài chính của EU cho tàu chở dầu Nga có hiệu lực".
Hà Thu (theo CNBC)