Chủ trương này là cần thiết, chỉ có điều băn khoăn ở chỗ 20.000 tỉ đồng nghe thì to nhưng lại quá nhỏ so với tổng lực lượng lao động của quốc gia.
Hiện nay tổng số lao động làm công hưởng lương trong các loại hình doanh nghiệp ở nước ta khoảng 24,5 triệu người, trong đó công nhân, lao động trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%, chiếm khoảng 14% số dân và 27% lực lượng lao động xã hội.
Như thế số tiền 20.000 tỉ đồng so với nhu cầu của người lao động quả thật chỉ như muối bỏ biển, chưa kể bất kỳ chính sách nào cũng có độ trễ.
Đó là chưa nói ai là người được vay trong số 20.000 tỉ đồng này? Làm thế nào xác định được người nào sắp bị rơi vào bẫy tín dụng đen?
Những thủ tục nhiêu khê, rối rắm, những khâu đánh giá xét duyệt nhiều khi làm nản lòng người lao động và thời gian chờ đợi lâu đến mức có thể họ phải đành nhắm mắt đưa chân vào "hố đen" của bọn bất lương.
Làm thế nào để có số tiền dồi dào hơn để nhiều người được hưởng từ nguồn vay này, làm thế nào để người dân lao động tiếp cận nhanh hơn khi gặp sự cố, làm thế nào để kéo lãi suất thấp hơn nữa và thời gian vay dài hơn nữa, như thế mới giúp người dân tránh xa được tín dụng đen.
Cuối cùng cần hiểu rằng tất cả các loại quỹ cho vay dù lớn đến đâu cũng chỉ trợ giúp khó khăn nhất thời và không thể phủ hết số lượng công nhân được hưởng, rất khó đạt được mục đích là ngăn chặn tín dụng đen.
Bởi lẽ tín dụng đen là một thế lực vô cùng tinh vi, xảo quyệt, tuy chúng hoạt động riêng rẽ nhưng lại phủ kín khắp đất nước, khắp hang cùng ngõ hẻm, cột điện nào cũng có số điện thoại của chúng.
Dập tắt nạn tín dụng đen thì chỉ có thể bằng cùng lúc hai phương cách, một là xây dựng hệ thống an sinh xã hội đủ mạnh, nhất là đối với những người thuộc nhóm dễ tổn thương (người già cô đơn, người tật nguyền, trẻ mồ côi, người thất nghiệp toàn phần) và hệ thống an sinh này được coi như đệm hơi để người nghèo không bị rơi thẳng xuống mặt đất.
Thứ hai, quan trọng hơn là sử dụng công cụ của luật pháp để loại trừ tín dụng đen ra khỏi đời sống xã hội.
Hiện nay tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự được quy định tại điều 201 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 với mức thấp nhất là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, và cao nhất là phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Khi tín dụng đen hoành hành ở An Giang, đại tá Đinh Văn Nơi ngay lập tức đã cho thành lập tổ công tác đặc biệt đấu tranh với loại tội phạm này.
Tổ công tác sử dụng nhiều phương thức, trong đó có dựa vào dân để phát hiện vụ việc, xử lý nhanh chóng, đưa ra xét xử lưu động, cứu nhiều nạn nhân khỏi bàn tay nhớp nhúa của bọn bất lương. Tình trạng tín dụng đen ở An Giang nhờ đó đã giảm hẳn.
Người dân nhiều nơi cũng đang mong chờ các cấp chính quyền ra tay quyết liệt để loại trừ tín dụng đen vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội, thay vào đó là một hệ thống an sinh đảm bảo sao cho mọi người, dù nghèo cũng thấy bình yên.
TTO - Ngăn chặn tín dụng 'đen' là một trong những nội dung nổi bật tại Hội nghị Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 11, ngày 13-7.
Xem thêm: mth.47540408051702202-gnohk-coud-ned-gnud-nit-nagn/nv.ertiout