Xuất khẩu lo mất giá
Đến chiều tối 14/7, mua 1 EURO chỉ đắt hơn mua 1 USD vỏn vẹn 500 đồng. Còn nếu doanh nghiệp hay người dân muốn bán EURO cho các ngân hàng thì tiền thu về còn thấp hơn bán USD. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may đi châu Âu, việc đồng EURO lao dốc tới 12% so với hồi đầu năm nay đang khiến hàng hóa xuất khẩu ảnh hưởng khá nhiều.
Theo báo Công thương, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean phân tích: Ảnh hưởng trước mắt với các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may chính là giá trị sụt giảm. Theo đó, tất cả các khách hàng tại châu Âu đều thanh toán bằng đồng EURO
và doanh nghiệp Việt nhận tiền về nước đều phải đổi qua đô la Mỹ (USD). Nay đồng EURO giảm gần bằng với đồng đô la Mỹ sẽ đồng nghĩa với việc giá trị xuất khẩu của mỗi lô hàng giảm theo. Trong khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp vốn đang thấp bởi các chi phí đầu vào như xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào, giá nhân công… đều tăng, nay thêm giá EURO lao dốc sẽ càng kéo lợi giảm thấp hơn.
Bên cạnh đó, việc đồng euro mất giá chứng tỏ thị trường châu Âu đang bất ổn, sức mua của người tiêu dùng giảm. Bằng chứng là thời gian qua chúng tôi không có nhiều đơn hàng mới. Tuy vậy, hiện doanh nghiệp vẫn đang vận hành đều đặn nên số lượng hàng tồn kho theo đó sẽ nhiều lên, gây bất lợi cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã sụt giảm gần 20% đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu trong mấy tháng nay. Điều nay cho thấy cầu của thị trường yếu đi và doanh nghiệp vốn đang trong giai đoạn phục hồi lại tiếp tục rơi vào thế khó”, ông Việt chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice (một doanh nghiệp xuất khẩu gạo qua các nước châu Âu) cũng khẳng định rằng, việc đồng EURO giảm giá xuống bằng đồng USD sẽ gây bất lợi cho các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng. Thậm chí, việc này đánh giá nền kinh tế châu Âu đang có dấu hiệu đi xuống và có thể rơi vào suy thoái vào cuối năm 2022.
“Nhìn chung, đồng EURO hạ giá sẽ ảnh hưởng đến thanh quyết toán các hợp đồng xuất khẩu bởi một số hợp đồng đã ký của đối tác nước ngoài trả bằng đồng euro và không có lợi cho chúng tôi”, ông Có nói.
Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng chịu tác động tiêu cực từ việc đồng EURO lao dốc.
Theo chia sẻ của ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 trên báo VOV, trong các hoạt động giao thương với thị trường châu Âu, doanh nghiệp này chủ yếu giao dịch bằng đồng USD, chỉ một số rất ít đơn hàng nhập khẩu nguyên phụ liệu, vật tư mới dùng đồng EURO. “Do vậy gần như biến động mất giá của đồng EURO không gây ra ảnh hưởng, khó khăn gì cho doanh nghiệp”, ông Việt cho biết.
Nhờ thỏa thuận giao dịch bằng đồng USD, nhiều doanh nghiệp nhận thấy sẽ không chịu tác động lớn từ việc mất giá của đồng EURO. Tuy nhiên, với biến động trái chiều giữa chỉ số USD và EURO như hiện nay, giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải có hướng tăng tương ứng, làm giảm tính cạnh tranh tại nhiều thị trường, đặc biệt là tại EU.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp trong ngành xuất - nhập khẩu sang thị trường châu Âu nhưng chủ yếu giao dịch bằng đồng USD. Do vậy, việc đồng EURO mất giá không ảnh hưởng quá nhiều tới các doanh nghiệp trong Hiệp hội.
Thực tế theo kết quả sản xuất kinh doanh của Lefaso, xuất khẩu giày dép, túi xách; trong đó có giày thể thao - mặt hàng thế mạnh thời gian qua tăng trưởng rất đáng kể khi vào EU, dù tỷ giá đồng EURO giảm. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 13 tỷ USD và tăng trưởng 13%; tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường EU chiếm khoảng chiếm 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Nhập khẩu có hưởng lợi?
Chia sẻ trên báo Công thương, TS Sử Ngọc Khương (Chuyên gia kinh tế, Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu tin học và Khoa học Ứng dụng Tp.HCM) nêu quan điểm: Đúng là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng vào thị trường châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng lớn trước biến động hiện nay song nhìn rộng hơn sẽ không hẳn như vậy. Cụ thể, với những doanh nghiệp đang nhập khẩu nguyên liệu thường thanh toán bằng đồng USD. Khi giá USD và euro gần như tương đương nhau đồng nghĩa giá trị sản phẩm nhập khẩu cũng sẽ giảm theo.
“Và trong 6 tháng đầu năm, cán cân xuất nhập khẩu của việt Nam gần như bằng nhau, chứ không phải xuất siêu nên kinh tế Việt Nam cũng không ảnh hưởng nhiều khi euro mất giá, ông Sử Ngọc Khương nói.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Điều hành của Viet Products Corp cho hay, chúng tôi nhập khẩu gỗ nguyên liệu thường thanh toán bằng đồng USD nên khi giá hai ngoại tệ này tương đương nhau đồng nghĩa giá trị sản phẩm nhập khẩu cũng giảm. Từ đó tăng khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu tại một số thị trường nhất định.
Được biết, công ty ông Sang hiện đang nhập khẩu một số nguyên liệu gỗ tại châu Âu và thành phẩm xuất khẩu gỗ đi Mỹ cùng một số thị trường khác.
Tương tự, một doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí điện tử tại Tp.HCM cho biết, mặc dù euro giảm giá sẽ tác động đến doanh nghiệp nhưng do có nhiều doanh nghiệp lấy USD làm đồng tiền thanh toán quốc tế ngay từ khi ký kết hợp đồng mua bán nên sự biến động của euro không ảnh hưởng tới đa số. “Trước đây khi ký kết với đối tác nước ngoài, nhiều nơi yêu cầu sử dụng đồng euro nhưng gần đây họ đã cho phép lựa chọn một trong hai phương án là đồng euro hay USD. Do đó chúng tôi đã chọn đồng USD và không chịu ảnh hưởng”, ông Sang cho biết thêm.
Bộ Công Thương nói gì về tác động của đồng euro mất giá
Chia sẻ trên TTXVN chiều 14/7, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Trong ngắn hạn, việc đồng euro mất giá có thể ảnh hưởng nhất định đến một số doanh nghiệp có hợp đồng thanh toán bằng đồng EURO.
Hơn nữa, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, cùng một lượng euro thu về số tiền quy đổi ra nội tệ ít hơn nên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ngoài ra, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ EU chi phí sẽ rẻ hơn nên việc nhập khẩu và sẽ có lợi hơn.
Về lâu dài, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hoá nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Sức mua yếu làm người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các thị trường, trong đó, có Việt Nam.
Theo ông Trần Thanh Hải, những khó khăn, thách thức này đã được Chính phủ, Bộ Công Thương nhận định từ đầu năm khi đánh giá về cơ hội và thách thức đối với xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp; trong đó, đặc biệt là thúc đẩy tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do đang tiếp tục được giảm thuế theo lộ trình cam kết.
Mặt khác, Bộ Công Thương còn thực hiện kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, ứng dụng môi trường Internet; phát triển dịch vụ logistics, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.
Tuệ Minh (tổng hợp)