Thiếu hụt lao động tại Bình Dương
Tại Bình Dương, tỉnh này hiện đang thiếu hụt khoảng 70.000 lao động. Các doanh nghiệp đang nỗ lực thu hút nguồn lao động bằng cách tăng phúc lợi, tăng thu nhập thực tế, kết nối địa bàn trên cả nước để đảm bảo đủ nhân lực cho sản xuất nhưng chuyện thiếu nhân lực vẫn là nỗi niềm chung của không ít công ty.
Mỗi ngày, công ty Công ty TNHH Vision International nhận khoảng 50 - 100 hồ sơ xin việc, vẫn chưa thể đủ so với kế hoạch. Tuy nhiên, theo đại diện công ty, tình hình như hiện nay đã là tương đối khả quan.
"Tháng đầu tiên sau dịch, công ty thiếu khoảng 1.000 lao động mỗi tháng. Hiện chúng tôi cần tuyển khoảng 500 - 600 lao động mỗi tháng", ông Tống Chí Cường - Giám đốc Nhân sự, Công ty TNHH Vision International cho hay.
Tình trạng thiếu hụt lao động vẫn diễn ra ở các vùng kinh tế trọng điểm. Ảnh minh họa.
Tại thị trường Bình Dương, gỗ và may mặc là những nhóm ngành cần nhiều lao động nhất, tiếp theo là điện tử.
Ông Densil Tissera - Giám đốc Sản xuất, Tập đoàn Win Hanverky tại Việt Nam cho hay: "Nhà máy có đủ đơn đặt hàng để làm nhưng chúng tôi đang thiếu 1.000 công nhân. Trong ngành may mặc, nguồn lực chính vẫn là người lao động. Hiện tại chúng tôi bắt đầu đầu tư vào tự động hóa, số hóa nhiều hơn, nhằm bù đắp sự thiếu hụt nhân lực".
Số liệu từ Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông đã giảm, từ chỗ cần giới thiệu khoảng 15.000 người thì hiện nay các doanh nghiệp cần trung tâm giới thiệu khoảng hơn 8.000 lao động phổ thông mỗi tháng. Nhu cầu về lao động có tay nghề vẫn giữ nguyên, khoảng hơn 1.000 lao động mỗi tháng.
Ngành dệt may, da giày sụt giảm lao động
Hai ngành sử dụng nhiều lao động nhất hiện nay là dệt may, da giày. Hai ngành này luôn trong tình trạng thiếu nhân công. Sau 2 năm dịch bệnh, tình trạng còn tệ hơn nhiều khi số lao động bỏ việc hoặc chuyển sang ngành khác ngày càng tăng trong khi tuyển mới rất khó khăn. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp thuộc 2 lĩnh vực này.
Công ty May Star, Hà Nội có hơn 6.000 lao động. Bộ phận tuyển dụng gồm 3 người phải làm việc liên tục vì thường xuyên có người nghỉ việc. Trong khi đó những người mới vào hầu hết là trên 30 tuổi và từ công ty khác chuyển sang, không có lao động trẻ.
Mặc dù các chế độ cho người lao động còn cao hơn so với mặt bằng chung của ngành nhưng công ty vẫn khó tuyển người.
Hai ngành sử dụng nhiều lao động nhất hiện nay là dệt may, da giày. Ảnh minh họa.
Công ty Giày Đông Anh, Hà Nội cho biết, chỉ cần được tuyển vào công ty lao động sẽ đi làm ngay và được đóng luôn bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, công ty tuyển được vẫn rất ít người.
Để khắc phục tình trạng thiếu lao động, công ty cố gắng giữ chân lao động bằng cách tăng lương nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế vì xung quanh các công ty khác đều tăng phúc lợi.
Các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày hiện nay đều khó tuyển lao động trong khi đang thiếu 20% nhân lực. Có những doanh nghiệp đầu năm lên kế hoạch tuyển thêm 1.000 lao động nhưng chưa tuyển đủ thì đã mất hàng trăm lao động "nhảy việc"
Thời điểm này đang là cao điểm sản xuất trong năm nhưng với tình trạng thiếu lao động các nhà máy sẽ không dám nhận về các đơn hàng lớn. Giải pháp cho tình trạng này là phải áp dụng tự động hoá nhanh, chuyển nhà máy về các địa bàn xa hơn để dễ tuyển nhân lực.
Tuyển dụng quanh năm để không thiếu lao động
Thu nhập của lao động tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương là khoảng 9 triệu đồng/người/tháng, tiếp theo là Hà Nội, Đồng Nai và Bắc Ninh bình quân khoảng 8,5 triệu đồng/tháng.
Lý giải cho mức lương này, các chuyên gia cho rằng do các doanh nghiệp đang nỗ lực thu hút lao động để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặc dù thu nhập tăng nhưng việc tuyển dụng lao động sản các khu công nghiệp cũng không hề dễ dàng. Các doanh nghiệp phải tính phương án tuyển dụng quanh năm để ổn định nguồn nhân lực.
Chỉ với vài câu hỏi lặp đi lặp lại với người lao động, việc tuyển dụng trực tiếp tại các doanh nghiệp rất nhanh và hiệu quả. Với doanh nghiệp chỉ cần giấy khám sức khỏe và căn cước công dân, còn với lao động là thu nhập tối đa hàng tháng.
Tình trạng sa thải tại các công ty hiện hầu như không xuất hiện. Thay vào đó, các doanh nghiệp đang cố giữ số lao động hiện có và tuyển thêm. Nhiều doanh nghiệp đang mở rộng sản xuất đều gặp khó khăn nhân lực và xác định phải tuyển dụng quanh năm để không thiếu lao động.
"Các công ty đều đang triển khai tuyển dụng lao động phổ thông đặc biệt là các công ty lớn trong khu công nghiệp, điều đó dẫn tới thị trường lao động khan hiếm và vô cùng cạnh tranh. Chúng tôi phải cắt hẳn bộ phận chuyên để tuyển dụng quanh năm nhằm ổn định số người hiện có và tuyển thêm dần cho dây chuyền mới", ông Ou Yang Xing Peng - Tổng giám đốc công ty YNVN, Bắc Ninh cho hay.
Một vấn đề của thị trường lao động hiện nay là các doanh nghiệp đang đồng loạt thực hiện tuyển dụng và cạnh tranh, thu hút lao động với nhiều ưu đãi ngoài lương tối thiểu. Dù một số đơn hàng giảm sút do lạm phát quốc tế nhưng số lượng tuyển vẫn không giảm, đặc biệt lao động phổ thông lại là "hàng hiếm".
Dự báo thị trường lao động 6 tháng cuối năm vẫn sẽ tiếp tục khởi sắc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phải kiểm soát lạm phát, hạ nhiệt giá xăng dầu lâu dài để ổn định an sinh xã hội, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt những người chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Đây là giải pháp quan trọng để thị trường lao động trong thời gian tới tăng trưởng bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.16261109151702202-meid-gnort-et-hnik-gnuv-cac-iat-gnod-oal-tahk/et-hnik/nv.vtv