Báo cáo "Các Xu hướng M&A Toàn cầu: Cập nhật giữa năm 2022" của PwC mới công bố hôm 15/7 tiết hộ hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) đã diễn ra chậm lại sau khi đạt mức kỷ lục vào năm 2021 do những biến động kinh tế.
Tuy nhiên, PwC cũng cho biết hoạt động giao dịch vừa quay trở lại mức tăng trưởng năm 2019 và dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp trong 6 tháng tới.
PwC dẫn số liệu, các nhà giao dịch đã trải qua hoạt động M&A đã đạt mức cao kỷ lục trên toàn cầu năm 2021, với hơn 60.000 giao dịch giá trị hơn 5.000 tỷ USD. Nửa đầu năm 2022, hoạt động M&A vẫn tiếp tục khởi sắc dù đã xuất hiện nhiều trở ngại kinh tế, bao gồm lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng nhanh, cổ phiếu suy giảm và khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga - Ukraine.
PwC chỉ ra nhiều yếu tố góp phần tạo nên sự tăng trưởng kỷ lục của thị trường M&A vào cuối năm 2021 và nửa đầu năm 2022. Đơn cử, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, tối ưu hóa danh mục đầu tư, Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) và trên hết là nhu cầu công nghệ để số hóa mô hình kinh doanh - những yếu tố tiếp tục có ảnh hưởng đến thị trường giao dịch vào nửa cuối năm 2022.
"Tuy nhiên, cách tiếp cận trong phương thức thực hiện các giao dịch này sẽ cần phải thay đổi để thích ứng với một môi trường kinh tế không ổn định", báo cáo nêu.
Theo PwC, với mức lạm phát ở nhiều quốc gia đạt mức cao nhất trong 40 năm, các nhà giao dịch thương vụ cần thẩm định doanh nghiệp bằng cách tiếp cận mới - dự báo các kịch bản lạm phát khác nhau và xem xét các tác động đối với thị phần, độ co giãn của giá cả, mối quan hệ với khách hàng và nhà cung cấp, lương thưởng và duy trì nguồn nhân lực.
Hoạt động M&A đã diễn ra chậm lại trong nửa đầu năm 2022, nhưng PwC đánh giá đây chỉ đơn thuần trở lại mức trước đại dịch, với trung bình có khoảng 25.000 thương vụ mỗi nửa năm.
Theo đó, quá trình thiết lập lại hoạt động M&A đang được thực hiện trên tất cả các khu vực lớn. Châu Á - Thái Bình Dương trải qua sự suy giảm nhiều nhất, với khối lượng và giá trị giao dịch đều thấp hơn 30% so với mức đỉnh năm 2021, chủ yếu do những trở ngại kinh tế vĩ mô và các hạn chế phòng dịch được áp dụng trên một số thành phố lớn ở Trung Quốc.
Giá trị thương vụ trong nửa đầu năm 2022 xấp xỉ 2.000 tỷ USD, gần gấp đôi so với số liệu ghi nhận trong nửa đầu năm 2020 - giai đoạn kinh tế có nhiều bất ổn. Tổng số giao dịch quy mô lớn (megadeals) trên toàn cầu (giá trị hơn 5 tỷ USD) đã giảm một phần ba. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2022 vẫn có sự góp mặt của các thương vụ lớn - trên thực tế, có 4 giao dịch giá trị hơn 50 tỷ USD, so với chỉ một giao dịch trong cả năm 2021.
Ông Tiong Hooi Ong, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn giao dịch, PwC Việt Nam cho biết: "Bất chấp những trở ngại về kinh tế vĩ mô, năm 2022 sẽ là một năm sôi động đối với các giao dịch M&A tại Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng của các quyết định chiến lược nhằm tối ưu hóa danh mục đầu tư, khi các nhà giao dịch thoái vốn nhằm tập trung nguồn lực vào việc nâng cao năng lực doanh nghiệp và chuyển đổi các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thông qua M&A".
Theo ông, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam vẫn mạnh mẽ với mức tăng trưởng GDP năm 2022 được dự báo là 6,5%, cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng trưởng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là 4,4%.
Ngoài ra, với các quy định và chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư, nửa cuối năm 2022 là cơ hội để các nhà kinh doanh đánh giá lại chiến lược và hành động.