Với 1 Bitcoin của 6 tháng trước, giá của đồng tiền này khoảng 60.000 USD (khoảng 1,3 tỷ đồng), tức tương đương 1 chiếc VinFast Lux A bản cao cấp. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, sau 6 tháng, giá của 1 Bitcoin chỉ ngang với giá 1 chiếc Fadil bản tiêu chuẩn khoảng 19.000 USD.
Bitcoin vừa mới trải qua một quý tồi tệ nhất suốt 1 thập kỷ qua. Tuy nhiên, mỗi Bitcoin vẫn còn có giá khá cao, chưa đến mức "về mo" như nhiều đồng tiền ảo khác.
Thời gian qua, giá trị của hàng loạt đồng tiền số trên thế giới lao dốc không phanh. (Ảnh: istock)
Với giới đầu tư tiền số, thời điểm hiện tại là một cú sốc lớn với hàng loạt biến cố khác nhau. Không chỉ Bitcoin tụt xuống mức giá thấp nhất trong 2 năm qua, mà giá trị của hàng loạt đồng tiền số, các token trên thế giới lao dốc không phanh và tạo ra một cuộc khủng hoảng thực sự.
Đó là lý do trên thế giới, nhiều công ty công nghệ phải sa thải bớt nhân sự, cắt giảm chi phí. Cuộc khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn khi ngày 14/7, Celsius - một công ty cho vay tiền số lớn nhất thế giới, đã nộp đơn xin phá sản. Alex Mashinsky - Đồng sáng lập kiêm CEO của Celsius, phải thừa nhận: "Đây là quyết định đúng đắn cho cộng đồng và cho công ty chúng tôi".
Sẽ không còn những dòng tiền dễ
Khủng hoảng của tiền số không chỉ là cuộc khủng hoảng của riêng tiền số, nó đã tạo ra một cú domino tới khắp các lĩnh vực công nghệ.
Thống kê 6 tháng đầu năm tại thị trường Mỹ, có tới 35.000 nhân sự công nghệ bị sa thải. Tại Đông Nam Á, làn sóng này cũng đã bắt đầu. StashAway, công ty quản lý tài sản kỹ thuật số cắt giảm 14%. Tại sàn tiền số Crypto.com, tỷ lệ cắt giảm là hơn 5%. Lý do là "cạn vốn" khi các nhà đầu tư siết chặt hầu bao. Họ thận trọng hơn với các dự án công nghệ, nhất là blockchain.
"Một số startup bắt đầu cạn vốn, kiệt quệ dần. Họ phải tìm đủ các cách khác nhau để có thể tồn tại, trụ vững được ở thời điểm này", ông Đào Hoàng Thanh, CEO của LaunchZone, cho biết.
Cách đây 1 năm, cơn sốt NFT, GameFi đã giúp thị trường blockchain thu hút được một dòng vốn đầu tư khổng lồ, nhưng hiện nay là tình trạng ảm đạm với 2 chữ "thận trọng".
"Phần lớn các nhà đầu tư rất e ngại khi đầu tư vào các Startup như chúng tôi. Chỉ một số nhà đầu tư lớn hoặc nhà đầu tư chấp nhận đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp mới chấp nhận xuống vốn trong giai đoạn này", ông Phạm Anh Tuấn, CEO của BraveZone, chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp, nhiều quỹ đầu tư đều phải đang định nghĩa lại về blockchain và mong muốn tách bạch công nghệ này khỏi những định kiến gắn với tiền số. Vào tháng trước, khi CZ - CEO sàn Binance sang Việt Nam, ông này cũng đã từ chối phát biểu về Crypto.
Trong nguy có cơ
"Tái ông thất mã" là cụm từ thú vị để mô tả về tình trạng của các công ty công nghệ trong hơn 2 năm qua. Đại dịch COVID-19 là cơn bão càn quét, đẩy nhiều doanh nghiệp tới bờ vực lại là cơ hội lớn cho công nghệ số.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng thời điểm "down trend" này vừa là cuộc sàng lọc tự nhiên, vừa là cơ hội để đi săn đầu người khi giá nhân sự đang có xu hướng chững lại.
Trái với cơn bão giá nhân sự blockchain, metaverse cách đây không lâu, theo các chuyên gia, down trend tiền số cũng đã giúp giá nhân sự hạ nhiệt đáng kể.
"Chúng ta phải bình dân hóa khái niệm blockchain, nó không phải cái gì quá cao siêu. Khi đó, nhân lực làm trong ngành blockchain sẽ nhiều hơn, giá sẽ bình ổn", ông Mai Duy Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm VINASA, đánh giá.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng thời điểm "down trend" này vừa là cuộc sàng lọc tự nhiên, vừa là cơ hội để đi săn đầu người khi giá nhân sự đang có xu hướng chững lại. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)
"Về lương trong lĩnh vực blockchain, vì down trend nên có sự điều chỉnh nhất định. Chúng tôi nghĩ đấy là một cơ hội. Thời kỳ này, chúng tôi có thể đi săn người tài, với cơ hội nhiều hơn", ông Nguyễn Quang Trung, CTO của DGG Network, cho hay.
Không còn những dòng tiền dễ cũng có nghĩa là thị trường sẽ chặt chẽ và trở về đúng giá trị thực. Kỳ nghỉ đông kéo dài của tiền số cũng chính là thời điểm để các dự án blockchain đi vào đúng quỹ đạo, tập trung cho ứng dụng giải quyết các bài toán kinh tế của mình.
"Tôi thấy số lượng dự án đang giảm đi khá nhiều. Phần lớn các dự án đã chạy từ trước thì giờ họ tập trung vào việc làm sản phẩm và chuyển sang trạng thái chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi hơn là gia tăng số lượng và đi kêu gọi vốn", ông Nguyễn Minh Đức, CEO của Công ty Cổ phần An toàn thông tin Cyradar, cho biết.
Theo các chuyên gia, khủng hoảng dù có ảnh hưởng, nhưng chủ yếu tác động tới các dự án tiền số, các nền tảng ứng dụng khác của blockchain hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội này, củng cố đội ngũ và hoàn thiện sản phẩm để chờ thời điểm phục hồi sau khoảng 12 - 18 tháng tới.
Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết sẽ tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng và tham mưu hoàn thiện các hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc ứng dụng phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ blockchain.
Ước tính thị trường thiết bị liên quan đến blockchain tại Việt Nam sẽ đạt giá trị gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021.
VTV.vn - Một trong những công ty cho vay tiền mã hóa lớn nhất thế giới - Celsius, vừa thông báo nộp đơn xin phá sản, một tháng sau khi đóng băng việc rút tiền khỏi nền tảng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.23160333251702202-am-taht-gno-iat-os-neit-gnaoh-gnuhk/et-hnik/nv.vtv