Nhóm bạn trẻ đến từ Hà Nội mê mẩn với vẻ đẹp “như phim trường” của làng hương Thủy Xuân - Ảnh: NHẬT LINH
Thoát khỏi tư duy "cơm vua, lộc trời", người thợ làm hương Thủy Xuân nay đã biết tận dụng lợi thế du lịch để sinh tồn với thời cuộc.
Mấy dì ai cũng nhiệt tình, dễ mến và hay cười cả. Dù bạn có mượn quạt, mượn nón để chụp hình mà không mua đồ thì mấy dì cũng không tỏ thái độ gì với các bạn cả.
Phan Thị Diệu Hương
Khu phố sắc màu
Giữa trưa, từng đoàn du khách nối nhau rời phố Huế hướng lên phía đồi Vọng Cảnh để tìm cho mình khoảng xanh thơ mộng. Từ đàn Nam Giao ngược lên đường Lê Ngô Cát, các tòa nhà cao tầng dần nhường chỗ cho những rừng thông cao ngút ngàn trồng dọc bên đường.
Chạy đến cuối con đường, làng hương Thủy Xuân (phường Thủy Xuân, TP Huế) ẩn mình dưới chân đồi Vọng Cảnh dần hiện ra trước mắt du khách đẹp như phim trường đầy màu sắc. Trong những trang web du lịch trong và ngoài nước, làng hương Thủy Xuân được giới thiệu như một "thế giới của sắc màu".
Từ đầu làng đến tít tận lăng Tự Đức (dài khoảng 1km) những bó hương xòe ra trông như những đóa hoa cẩm tú cầu đủ gam màu xanh, đỏ, vàng bắt mắt. Đó là cách làng Thủy Xuân níu chân biết bao du khách.
Làng hương lúc nào cũng nhộn nhịp nhưng lại không phải chỉ đến mua hương. Du khách đến đây vì những bức ảnh lan truyền trên mạng. Hôm chúng tôi đến, giữa trưa nhưng khung cảnh ở làng hương thật nhộn nhịp.
Nhiều bạn trẻ bất chấp cái nắng chói chang, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi vẫn chọn khoác lên mình bộ áo dài cổ phục để chụp hình cho hợp với cảnh làng cổ kính và rực rỡ sắc màu.
Làng hương Thủy Xuân trước đây khá trầm mặc, cuộc chuyển mình đến từ dịp tình cờ một vài du khách ghé làm hương cách đây chục năm.
Du khách thích thú với cách làm hương một, thì thích chụp ảnh với những chân hương rực rỡ sắc màu đến mười. Người Thủy Xuân nhận ra đây là cách kiếm tiền tốt nhất và lần lượt "mặt tiền" của làng thay vì quán bán hương lại thành nơi trang trí chân hương cho thật đẹp đón khách.
Phía bên trong là hàng lưu niệm và dịch vụ cho thuê quần áo. Đây lại là cách kiếm tiền chính của người dân, chứ không phải chỉ những cây hương.
Du khách Nguyễn Bảo Trang (TP.HCM) chia sẻ: "Mình là một người thích đến những làng nghề trong mỗi chuyến đi. Nghề làm hương cũng như những nghề khác, không mới mẻ với mình.
Nhưng thật sự làng hương Thủy Xuân quá đẹp, đây là nơi phù hợp với người trẻ để check-in. Mình nghĩ bà con đã hội nhập với thời cuộc để kiếm tiền. Mình cũng đã review làng trên các nền tảng mạng xã hội và thu hút hàng chục ngàn lượt xem. Ai cũng khen".
Một đoạn phố đẹp ở làng hương - Ảnh: Trần Mai
Chuyện của người tiên phong
Làng hương thật sự quá đẹp, đi đến đâu cũng thấy du khách chụp ảnh. Dĩ nhiên, những chiếc áo mang phong cách xưa được chọn cho hình ảnh thêm đẹp. Du khách chấp nhận trả tiền cho dịch vụ này và họ thấy xứng đáng.
Quầy bán hàng hương trầm, hàng lưu niệm Dì Hoa của bà Tôn Nữ Mộng Hoa thuộc top đông khách nhất làng. Bà Hoa đã bố trí không gian sắc màu không có "góc chết" để chào mời khách. Người phụ nữ 53 tuổi là một trong những người ở làng hương tiên phong làm du lịch.
Sinh ra trong gia đình hoàng tộc, là con cháu vua, bà Hoa kể trầm nụ ở Thủy Xuân được triều đình ưu ái đặt hàng đưa vào cung cấm, lăng tẩm. Do vậy, nghề làm hương cũng là nghề cao quý, được hưởng nhiều bổng lộc triều đình.
Nhưng đến thời kinh tế hội nhập, người làng biết làm nghề lại không sống được với nghề. Số hộ làm hương truyền thống giảm dần. Nhiều người trẻ đã chọn những công việc mới ngoài phố thị. Chỉ còn những người tuổi bà Hoa cố bám nghề.
Thời bà Hoa, người làng mang cả bàn làm hương ra trước nhà làm. Rồi cơ duyên đến, bà đón một đoàn khách Nga sau khi thăm lăng Tự Đức đi ra và dừng lại ở làng Hương. Họ trầm trồ trước kỹ thuật làm hương bằng tay và thích thú khi có những bức ảnh đẹp với chân hương nhiều màu sắc, rồi biếu bà ít tiền.
"Đoàn khách ấy đã cho tui suy nghĩ làm du lịch. Thế là tui bưng hương ra trước tiệm, sắp xếp lại thật đẹp. Rứa là ai đi tham quan đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức thấy đẹp là đều ghé vô hàng của tui. Thấy tui làm được, người làng cũng học theo, rứa là cả làng hương du lịch", bà Hoa kể.
Làng hương Thủy Xuân không thu tiền khách vào chụp hình làng hương và cho mượn miễn phí quạt, nón Huế. Các hộ ở đây chỉ lấy tiền cho thuê áo dài cổ phục, bán hàng lưu niệm và nước uống giải khát. Chính sự thân thiện ấy là điểm cộng cho làng.
"Riêng áo dài là phải lấy tiền thuê vì tốn công giặt giũ, là ủi. Du khách thấy mình nhiệt tình mời vào chụp hình, lại cho mượn một số đồ miễn phí thì họ thích và quý mình lắm. Mà quý rồi thì họ sẵn sàng mua ủng hộ đồ lưu niệm, nước uống. Nói chung làng làm du lịch thật tâm không tận thu của khách", bà Hoa tâm tình.
"Làm thêm" kiếm tiền triệu
Hiện nay mỗi ngày quán bán hương, hàng lưu niệm của bà Hoa tiếp trên dưới 50 lượt khách, mang lại thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày, nếu làm hương phải mấy ngày mới có được số tiền đó mà chưa chắc bán được hàng. Kiếm được tiền từ du lịch, bà Hoa cũng có nhiều câu chuyện dễ thương.
"Có anh người Úc tên là Tai Lơ (Tyler - PV) về đây du lịch, trải nghiệm làm hương rồi thích mê. Thế là anh ấy về nước rủ thêm bạn quay trở lại Việt Nam, về Thủy Xuân chỉ để được trải nghiệm làm hương thôi", bà Hoa kể.
Được mọi người nhắc đến như một "biểu tượng" khi nói về làng hương Thủy Xuân, mệ Tôn Nữ Ánh Tuyết (72 tuổi) nổi tiếng với việc dành trọn tiền bán hương, quà lưu niệm để hằng tháng tặng lại cho bệnh nhi ung thư.
Bà Mộng Hoa làm hương thủ công cho du khách xem - Ảnh: NHẬT LINH
Chìa cuốn sổ tay cũ ghi chép thu chi trong ngày, mệ Tuyết nói rằng dịp nghỉ hè này khách đến quán mệ cũng đông. Ngày cao điểm kiếm gần 2 triệu đồng nhờ bán hàng lưu niệm, cho thuê áo quần chụp hình.
"Có mấy bạn trẻ từng đến quán mệ chụp hình rồi đăng lên mạng chi đó mà người từ tứ phương cả nước biết đến mệ nhiều lắm. Cũng nhờ đó khách đến ủng hộ quán mệ cũng nhiều hơn, mệ có thêm nhiều tiền để tặng cho mấy đứa nhỏ", mệ Tuyết cười hiền.
Chọn thuê một bộ áo dài cổ phục đậm chất xứ Huế từ quán mệ Tuyết, du khách Phan Thị Diệu Hương (Nghệ An) nói rằng ngoài vẻ đẹp đầy màu sắc thì một trong những yếu tố làm nên sự nổi tiếng của làng hương Thủy Xuân đó là sự thân thiện, mến khách của các cô, các dì ở đây.
Và người làng hương Thủy Xuân đã thật sự hội nhập, thay đổi để quá khứ vàng son vẫn sống mãi.
Công nhận làng nghề để khuyến khích làm du lịch
Bà Trần Thị Ngọc, chủ tịch UBND phường Thủy Xuân (TP Huế), cho biết hiện làng hương Thủy Xuân có hơn 10 hộ dân vừa làm hương vừa kết hợp làm du lịch.
Cuối năm 2021, làng hương Thủy Xuân cũng được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận nghề làm hương trầm Thủy Xuân là nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế.
Việc công nhận nghề làm hương trầm ở Thủy Xuân là nghề truyền thống ngoài việc bảo tồn, tôn vinh một nghề thủ công truyền thống còn nhằm khuyến khích người dân làm du lịch, tạo thêm một điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.
Làng Nam Phổ yên bình sông Hương thơ mộng, đường làng rợp bóng xanh. Khu xưởng mộc của nghệ nhân đang có những bàn tay vàng tỉ mỉ phục chế chiếc bàn cũ, tủ xưa quý hiếm.
Kỳ tới: Tuyệt kỹ phục dựng vàng son một thuở
TTO - Huế, kinh đô cuối cùng ở Việt Nam, với biết bao nhiêu nghề một thời vàng son. Cuộc thế đổi thay, nhiều nghề thất truyền, nhưng cũng có những nghề, thậm chí là cả một làng nghề vẫn phát triển với những ý tưởng rất mới mẻ.