Giáo viên Trường Cao đẳng GTVT Trung ương 3 dạy học viên thực hành lái xe trên sa hình tại Trung tâm sát hạch lái xe Q.12, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, tại cuộc họp trực tuyến của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vào chiều 15-7, một trong những nội dung được quan tâm là việc thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo.
Đề xuất này đã lập tức tạo nên tranh luận trái chiều. Có rất nhiều ý kiến ủng hộ, song cũng có nhiều người chưa đồng tình.
Cho rằng đề xuất này là thiết thực, góp phần để các bác tài có kinh nghiệm hơn khi lái xe trên những cung đường đòi hỏi tốc độ, bạn đọc tên Hoàng viết: "Đề xuất hay. Ở nước ngoài họ bắt buộc có những tiết học lái xe trên cao tốc. Tập lái xe trên cao tốc là một phần không thể thiếu, mong sớm triển khai để khi cấp bằng lái học viên sẽ có được kiến thức và kinh nghiệm vững chắc khi lái xe trên cao tốc".
Ủng hộ ý kiến này, bạn đọc Bình An bổ sung: "Lái cao tốc là chuyện bắt buộc khi muốn có bằng lái! Ở nước ngoài còn dạy lái khi trời tối nhá nhem, mưa hay có tuyết, và còn cả đường lên núi hay dốc...".
Tuy nhiên, đó chỉ là một trong số ít ủng hộ. Còn lại phần lớn các bình luận gởi đến Tuổi Trẻ Online những ngày qua đều trong rằng trong điều kiện như Việt Nam hiện nay, các bác tài chỉ cần tuân thủ nghiêm túc luật giao thông là đã đủ, không cần thiết phải thực hành nhiều cung đường, địa hình khác nhau.
Từ trải nghiệm thực tế, bạn đọc Mr Trương viết: "Nếu học cho đủ thì đúng là cần bổ sung nhiều chứ không riêng gì chạy trên cao tốc. Thi lý thuyết thì đã được dạy học thuộc để thi chứ thực ra nhiều câu hỏi vẫn mơ hồ, thực hành thì cũng chỉ được dạy để đỗ trong hình chứ ra đường vẫn phải tự thân vận động".
Cũng là bài học từ thực tiễn, bạn đọc tên Thanh bổ sung: "Lái xe đi qua đường chợ, qua nơi có trường học giờ tan học, qua chỗ kẹt xe bị xe máy tạt đầu mới khó, chứ cao tốc chạy vèo là xong".
Tiếp theo, bạn đọc này đúc kết: "Mấy ông gây tai nạn trên cao tốc như đi lùi, đi vào làn dừng khẩn cấp... là do không học lý thuyết hoặc biết mà vẫn vi phạm. Có dạy kiểu gì loại người này ra đường vẫn vi phạm".
Gây tai nạn là do ý thức cá nhân của người lái xe là chủ yếu. Trách nhiệm của Bộ Công an là tăng cường kiểm tra và phạt thật nặng trên các tuyến đường.
Huy Nguyên
Cho rằng ý thức giao thông là điều kiện dẫn đến an toàn, nhiều bạn đọc đề nghị Bộ Công an chỉ cần tăng cường kiểm tra, giám sát và phạt thật nặng những trường hợp vi phạm luật giao thông là đã đủ, không cần phải bổ sung đưa nhiều nội dung cho thêm rườm rà, phức tạp.
Về ý này, bạn đọc Hải Nguyễn viết: "Không có cung đường nào khó nếu tất cả những người lái xe phải có giấy phép lái xe thật, phải tuân thủ nghiêm túc luật giao thông, có ý thức lái xe, đồng thời phải cải tạo lại một số tuyến đường giao thông, biển báo giao thông phải minh bạch rõ ràng thì thiết nghĩ tai nạn giao thông sẽ giảm nhiều".
Lái xe là một nghề không đơn giản, khi để xảy ra tai nạn không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn liên quan đến sinh mạng người khác, nhiều bạn đọc đề nghị thay vì đưa thêm nhiều nội dung, các cơ quan chức năng nên siết chặt việc cấp giấy phép để các bác tài hành nghề ý thức, trân trọng hơn nữa nghề nghiệp của mình.
Về ý này, bạn đọc Nguyen Hoang Lan phân tích: "Các ý kiến có vẻ phản đối, nhưng các bạn đã phải chứng kiến trong tuyệt vọng hàng ngày phải nhìn các xe hơi chạy như xe máy khi chạy ngược chiều, đang chạy dừng lại quay đầu, đang chạy chuyển làn đường tạt đầu xe máy..., đây là hậu quả của việc dễ dãi trong đào tạo sát hạch và cấp bằng".
Để hạn chế tối đa những trường hợp phóng nhanh vượt ẩu, bạn đọc Nguyen Hoang Lan đề xuất: "Tôi nghĩ rằng đến lúc cần nghiêm túc lại việc dạy và học lái xe cũng như sát hạch. Ví dụ, cho học lý thuyết trong vòng 6 tháng, đạt điểm lý thuyết thì chuyển qua học thực hành, trong vòng 1 năm thi thực hành không đậu thì học thi lại lý thuyết, học thực hành sau khi thi đậu thì phải có ít nhất 60 giờ chạy trong nội ô đông đúc,... đủ số giờ thì mới cấp bằng chính thức...".
Theo bạn, học lái xe phải có phần chạy trên cao tốc có cần thiết? Đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn và dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
TTO - Tôi cho rằng nỗ lực vận động chủ quán nhậu "khuyên" hoặc nhắc nhở thực khách khi có biểu hiện uống nhiều bia rượu, cũng như báo tin cho cảnh sát giao thông (CSGT) là một việc làm hướng đến văn minh.