Nhiều khách hàng phàn nàn từ đầu năm 2022 họ đã rất khó đặt chuyến xe của các hãng xe công nghệ.
Nguyên nhân là do chi phí đặt xe của các hãng đều tăng rất cao so với những năm trước đó, đặc biệt là sau mỗi lần tăng giá xăng dầu.
Mặt khác, thời gian phải đợi xe công nghệ cũng kéo dài từ 20-30 phút khiến họ bị trễ nải công việc.
Anh Nguyễn Văn Long (quận 1) cho biết: "Sau dịch COVID-19, tôi thấy rõ việc đặt xe đã khó khăn và thời gian chờ đợi lâu hơn trước nhiều. Một lần tôi lỡ hẹn với đối tác vì gọi xe 30 phút không có. Đó là lúc tôi quyết định chuyển qua taxi với lượng xe ổn định và chất lượng tốt hơn."
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hoàng (Bình Tân) cho biết sau nhiều lần biến động giá xăng, giá cước di chuyển của các hãng xe công nghệ tăng cao hơn taxi, đặc biệt vào giờ cao điểm.
"Một lần tôi đặt taxi từ Tân Bình về quận 1, đúng vào giờ cao điểm mà chưa tới 100 ngàn đồng. Trong khi xe công nghệ tính phụ phí giờ cao điểm, kẹt xe... lại gọi lâu hơn mà chi phí lên đến 200 ngàn đồng" - anh Hoàng chia sẻ.
Bức xúc nhất là tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Tình trạng khó bắt xe, chờ xe công nghệ cả giờ đồng hồ đang diễn ra tại đây.
Chị Trần Thị Dân cho biết tình trạng khó bắt xe công nghệ diễn ra từ Tết Nguyên đán 2022 cho đến nay. Mới trong tháng 7, chị Dân đáp chuyến bay tại Tân Sơn Nhất và gọi xe hàng giờ liền không có.
"Biết trước khó bắt xe nên máy bay hạ cánh là tôi đặt xe liền. Vậy mà tới khi ra đến sảnh thì tất cả các app công nghệ vẫn chưa tìm được tài xế" - chị Dân kể.
Ngán cảnh chờ mòn mỏi xe công nghệ, chị Tống Thị Phương đã chủ động thuê xe hợp đồng về sân bay Tân Sơn Nhất. Dù chi phí đi lại cao hơn nhưng sẽ giúp di chuyển nhanh hơn, không phải chờ đợi.
Việc tài xế công nghệ tắt app (ứng dụng) ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã được Sở GTVT TP.HCM lên tiếng, nhắc nhở nhiều lần nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Trước thực trạng trên, Sở GTVT TP cũng đã yêu cầu các đơn vị quản lý kịp thời điều tiết, sắp xếp linh hoạt cho các loại hình vận tải hành khách như xe buýt, taxi, xe công nghệ… tăng tần suất phục vụ giải tỏa lượng khách đến, đặc biệt là trên làn B, làn C Ga Quốc nội.
Đồng thời, không để xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông bên trong sân bay kéo dài ra đường Trường Sơn.
Bên cạnh đó, Sở GTVT TP.HCM cũng tăng cường kết nối vận tải hành khách công cộng (xe buýt) tới ga Quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất để hành khách tiện di chuyển.
Trong khi đó để khuyến khích tài xế, Grab Việt Nam cũng đưa ra các hỗ trợ như tặng phiếu xăng miễn phí cho đối tác tài xế đạt thứ hạng bạch kim và vàng, phụ phí thời tiết nắng nóng gay gắt... Tuy nhiên, hoạt động này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của khách hàng.
Cũng giống như Grab, bên cạnh việc tung ưu đãi, hỗ trợ phiếu xăng cho tài xế, Gojek Việt Nam phải tuyển thêm khoảng 10-15% số lượng tài xế hiện có.
Tuy các hãng công nghệ đã có nhiều nỗ lực tuyển dụng, ưu đãi, điểm thưởng... song đến nay việc đặt xe công nghệ vẫn rất gian nan.
Về phía taxi truyền thống, ông Tạ Long Hỷ, Tổng Giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Taxi) cho biết hiện nay Vinasun đang nỗ lực tuyển tài xế, tăng thêm đầu xe để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trong bối cảnh giá xăng tăng cao, công ty đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ tài xế, trong đó có việc tăng chiết khấu cho tài xế. Từ đó, giúp tài xế ổn định cuộc sống, gắn bó với công ty.