Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi với lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Tĩnh tại điểm chấm thi - Ảnh: HỒ PHƯƠNG
Trực tiếp đi kiểm tra việc chấm thi tại hơn 10 tỉnh thành trong một tuần qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã có những lưu ý, chỉ đạo chung về việc chấm thi với các hội đồng trên cả nước nhằm đảm bảo khách quan, thực chất, tránh gây thiệt thòi cho thí sinh.
Quy trình để chấm đều tay
Chỉ có duy nhất bài thi ngữ văn trong số năm bài thi theo hình thức tự luận, nhưng ở khâu chấm thi tại các địa phương phải huy động lực lượng cán bộ, giáo viên lớn tham gia ở các khâu: làm phách, chấm thi hai vòng độc lập, chấm kiểm tra, nhập điểm.
Tại Hà Nội, nơi có số thí sinh đông nhất nước, với gần 98.000 bài thi ngữ văn phải huy động gần 700 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi. Ở nhiều địa phương khác, lực lượng chấm thi khoảng 150 - 500 người, tính toán để mỗi giám khảo chỉ chấm tối đa 200 - 300 bài, gồm cả vòng 1 và vòng 2.
Quy chế chấm thi năm 2022 quy định chặt chẽ về quy trình chấm thi trắc nghiệm, nhằm hạn chế tình trạng chấm không đều tay. Khi đi thị sát, kiểm tra chấm thi tại các địa phương, đây cũng là điều lãnh đạo Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm, lưu ý với các hội đồng. Thực hiện nghiêm việc chấm hai vòng độc lập, bao gồm cả những quy định rất chi tiết như giám khảo 1 không được phép viết điểm lên bài thi mà ghi trên phiếu chấm cá nhân.
Giám khảo chấm vòng 2 chấm trên bài thi nhưng chỉ ghi điểm thành phần và ghi tổng điểm trên phiếu ghi điểm. Sau lần chấm thứ nhất, thành viên ban thư ký hội đồng thi rút các phiếu chấm thi ra, tổ chức bốc thăm để chọn người chấm vòng 2.
Tăng cường chấm kiểm tra
Tại Nghệ An, theo bà Phạm Thị Thu Hường - phó trưởng ban phụ trách chấm thi tự luận - chia sẻ ngày đầu một số giám khảo chấm chặt quá, điểm nhiều bài thi ở mức thấp. Việc này đã được khắc phục sau khi trao đổi trực tiếp với từng giám khảo.
Một số giám khảo tại hội đồng này cũng thừa nhận có xảy ra việc vênh điểm giữa hai giám khảo chấm ở hai vòng nhưng đã đối thoại để thống nhất. Theo quy định, nếu điểm giữa hai vòng chấm vênh trên 1,0 điểm thì sẽ phải đưa ra hội đồng chấm chung. Nhưng theo bà Hường thì không có bài thi nào vênh điểm quá lớn phải đưa ra hội đồng chấm chung.
"Điểm vênh ít hay nhiều ở hai lần chấm phản ánh chất lượng chấm thi tốt hay chưa tốt. Và nếu các hội đồng có số lượng bài thi phải chấm phúc khảo lớn cũng thể hiện việc thực hiện quy trình chấm chưa nghiêm túc" - ông Nguyễn Hữu Độ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chia sẻ quan điểm khi kiểm tra chấm thi tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa...
Ông Nguyễn Hữu Độ cũng đề nghị các hội đồng tăng cường chấm kiểm tra. Trong quy chế, việc chấm kiểm tra phải thực hiện ít nhất với 5% số bài thi được rút ngẫu nhiên. Nhưng ông Độ mong muốn tỉ lệ bài thi được chấm kiểm tra có thể nhiều hơn.
"Chấm kiểm tra không phải chấm như mới mà là kiểm tra việc thực hiện quy trình chấm thi, hướng dẫn chấm thi của các giám khảo ở hai vòng chấm đã đúng chưa. Việc lựa chọn bài thi chấm kiểm tra có thể rút ngẫu nhiên nhưng cũng có thể chọn những bài thi được điểm rất thấp hoặc rất cao để chấm" - ông Độ lưu ý.
Đừng sợ cho điểm 10
Với môn ngữ văn, chưa bao giờ có tình trạng "mưa điểm 9 - 10" như các môn thi khác, và tâm lý chung của nhiều giám khảo là rất dè dặt với điểm 9 - 10. Vì nếu cho điểm giỏi, họ sẽ phải chịu trách nhiệm và có khả năng thuyết phục để bảo vệ kết quả chấm nếu như các bài thi này được kiểm tra.
Ông Cao Xuân Hùng, giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, chia sẻ: "Nam Định được đánh giá là địa phương có chất lượng giáo dục tốt nhưng trong nhiều năm không có điểm 10 môn ngữ văn do giám khảo rụt rè, không đủ bản lĩnh cho thí sinh điểm 10".
Ông Hùng cho rằng nếu thí sinh xứng đáng thì giám thị phải dám đặt bút cho điểm 10. Sự khích lệ này đã giúp Nam Định có điểm 10 môn văn vào kỳ thi năm 2021, và quan điểm này vẫn được duy trì cho năm nay.
Trao đổi với hội đồng chấm thi tự luận ở Nghệ An, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý: "Giám khảo không nên sợ cho thí sinh điểm 10 môn ngữ văn. Nhưng phải đảm bảo đúng, chính xác với năng lực thể hiện trên bài thi của thí sinh. Điều gì có lợi nhất cho thí sinh thì cố gắng làm, để đảm bảo thí sinh không bị thiệt thòi", ông Độ đề nghị.
Quy định rõ trách nhiệm thành viên trong bộ phận chấm thi
Sau khi quét bài thi trắc nghiệm và gửi đĩa CD0 (dữ liệu gốc) về Bộ GD-ĐT, các hội đồng chấm môn thi trắc nghiệm tiến hành sửa lỗi. Một số lỗi thí sinh thường mắc như không tô hay tô nhầm số báo danh, tô số báo danh không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được. Tương tự là lỗi tô sai mã đề, tô không đúng cách, phần trả lời tô quá mờ hoặc tẩy xóa không hết, phiếu trả lời bị nhàu rách.
Ở khâu chấm thi trắc nghiệm, ngoài việc rà soát và nâng cấp phần mềm chấm thi, thực hiện các giải pháp kỹ thuật trong quy trình chấm thi, lắp đặt camera 24/24 tại khu vực chấm thi, bảo quản bài thi, năm nay Bộ GD-ĐT quy định rõ hơn trách nhiệm của từng thành viên trong bộ phận chấm thi.
TTO - Bộ Giáo dục và đào tạo vừa công bố đáp án môn địa lý thi tốt nghiệp THPT 2022. Mời bạn đọc đón xem.