Người dân chủ động đến Trạm y tế phường Đa Kao, quận 1 (TP.HCM) tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4 - Ảnh: XUÂN MAI
Đến nay Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể mới của Omicron là BA.4 và BA.5 trong cộng đồng.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, hiện hai biến thể này đã chiếm ưu thế, gây ra những lo ngại làn sóng lây nhiễm mới. Riêng Nhật Bản đã nâng cảnh báo lên mức cao nhất khi số ca mắc mới liên tục (chủ yếu là BA.5), đến hơn 100 ngàn ca trong ngày.
Vắc xin hiện hành phòng ngừa được biến chủng mới?
Vậy vắc xin COVID-19 hiện nay có đáp ứng được biến chủng mới BA.4 và BA.5? Trả lời câu hỏi này, PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y dược TP.HCM - cho biết đa số các biến chủng hay biến chủng phụ mới xuất hiện trong thời gian gần đây thường có hiện tượng tránh né kháng thể (antibody evasion), dù là kháng thể do tiêm chủng vắc xin hay do bị mắc bệnh.
Nhưng PGS Dũng giải thích thêm rằng dù biến chủng/biến chủng phụ nêu trên tránh được vắc xin phòng COVID-19 thì với tỉ lệ tiêm chủng vắc xin cao hiện nay, biến chủng này sẽ không thể lây lan được.
Cụ thể hơn nữa nghiên cứu "Antibody evasion by SARS-CoV-2 Omicron subvariants BA.2.12.1, BA.4 và BA.5" của Wang và cộng sự đăng trên tạp chí Nature cho thấy biến chủng phụ BA.4 và BA.5 đề kháng gấp 4,2 lần đối với kháng thể so với các biến chủng phụ BA.2.
Tuy nhiên, đề kháng với kháng thể không có nghĩa là vắc xin không có giá trị. Với mũi tiêm nhắc thì nồng độ kháng thể tăng lên. Và giả sử nồng độ kháng thể tăng gấp 4 lần thì hiệu lực của vắc xin do kháng thể lại phục hồi như cũ.
Ngoài ra, vắc xin bảo vệ cơ thể không chỉ do kháng thể mà còn do miễn dịch tế bào. Miễn dịch tế bào tuy chậm hơn nên có hiệu quả kém hơn trong phòng ngừa nhiễm COVID-19 có triệu chứng so với hiệu quả của kháng thể.
Thế nhưng miễn dịch tế bào lại có đặc tính là vẫn có hiệu quả với biến chủng mới, do khả năng tế bào có thể tự thay đổi một chút ít để thích ứng với biến chủng mới, hiệu quả ngày càng tăng lên sau khi bị nhiễm/tiêm vắc xin (vì tế bào có khả năng sinh sản).
“Vì vậy hiệu quả vắc xin trong ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong chỉ bị ảnh hưởng ít dù biến chủng này có hiện tượng tránh né kháng thể.
Khi được tiêm mũi tăng cường lần 2 (mũi vắc xin thứ 4) cho người cao tuổi và người có bệnh nền thì không e ngại số tử vong hoặc chuyển bệnh nặng. Ở Việt Nam, hiện tượng quá tải bệnh viện có thể xảy ra nhưng chắc chắn sẽ thấp hơn các quốc gia châu Âu, Mỹ” - PGS Dũng nhấn mạnh.
Vắc xin vẫn có giá trị bảo vệ
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các vắc xin được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể virus SARS-CoV-2, bao gồm biến thể phụ BA.4 và BA.5.
Tuy nhiên kháng thể bảo vệ của vắc xin phòng COVID-19 suy giảm theo thời gian. Một số nhóm người chưa tiêm đủ liều vắc xin có thể làm tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.
Ngành y tế TP.HCM đã và đang tiếp tục kêu gọi mỗi người dân khi đủ điều kiện, đặc biệt là các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ tiêm nhắc vắc xin COVID-19 đúng lịch để duy trì miễn dịch.
TTO - Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội về biến thể Omicron mới gây dịch COVID-19 độc hơn biến thể Delta gấp 5 lần và có tỉ lệ tử vong cao hơn, Bộ Y tế khẳng định đây là tin giả.
Xem thêm: mth.5685835171702202-uad-ned-5ab-4ab-eht-neib-iov-nix-cav-auc-gnu-pad-gnan-ahk/nv.ertiout