GS-TS Trần Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Niệu thận học TP.HCM cho biết, thận móng ngựa (Horseshoe Kidney) là một dị tật bẩm sinh, thận dính nhau và tỷ lệ mắc là 1/400 người, trẻ gái hay trai đều có thể bị.
Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh, hiện nay có thể phát hiện ra được bị tật thận móng ngựa khi còn trong bào thai. Nhưng, từ trước đến nay thường chỉ phát hiện khi em bé được sinh ra qua tầm soát sơ sinh hoặc đến khi lớn tuổi mới phát hiện nhân 1 biến chứng của thận móng ngựa.
Hình ảnh thận móng ngựa ĐÌNH TUYỂN |
Thận móng ngựa có 2 quả nằm 2 bên nhưng dính nhau vùng cực dưới qua eo là mô thận có chức năng hoặc là mô liên kết ngang qua đường giữa, có thể gây chèn ép mạch máu, thần kinh tạng trong ổ bụng gây đau bụng mà khó được phát hiện.
Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh, trong điều trị, có thể cắt tách 2 quả thận ra để giải quyết chèn ép. Nhưng việc cắt tách cũng khó vì nó là dị tật bẩm sinh nên nhiều mạch máu cũng bất thường.
Với bác sĩ không chuyên khoa thận niệu thì thường không nắm hết vấn đề thận móng ngựa và dễ bị bỏ sót. Hoặc thấy thận móng ngựa là 2 quả thận dính nhau nên cứ nghĩ quả thận bị bệnh nên cắt hết và bệnh nhân sau đó bị suy thận.
Ngoài ra, thận móng ngựa cũng bất thường đài thận, bể thận, niệu quản (hệ thống thu gom nước tiểu để bài tiết ra ngoài) gây thận trướng nước và cũng cần can thiệp phẫu thuật tạo hình lại đường bài tiết. Việc đọng nước cũng gây nên sỏi thận và mổ lấy sỏi cũng rất khó khăn.
"Một số phẫu thuật viên khi thấy thận móng ngựa trướng nước thì cắt bỏ vì nghĩ thận hư, nhưng tôi thì điều trị bảo tồn, giữ được chức năng thận nhiều bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu", GS-TS Trần Ngọc Sinh nói.