Một tác gia từng nói: Tới một độ tuổi nhất định, chúng ta sẽ quay về sống với chính mình.
Khi còn trẻ, chúng ta có xu hướng mưu cầu những thứ ngoại tại, chúng ta để ý tới cảm nhận của người khác, và nhiều khi tự khiến mình tổn thương, nhưng sau cùng lại chỉ nhận lại được sự lạnh lùng và phàn nàn.
Bước vào tuổi trung niên, chúng ta dần dần nhận ra được rằng, người duy nhất chúng ta cần làm cho hài lòng, chính là bản thân mình.
Cho đi cũng cần có cái độ, nhiệt tình cũng cần có giới hạn, có vậy mới nhận được sự tôn trọng và thật lòng, cuộc sống cũng trở nên tự tại và dễ thở hơn.
01
Đừng quá tốt với người khác
Trên mạng có một câu hỏi như này: "Bước vào tuổi trung niên, bạn ngộ ra được điều gì sâu sắc nhất?"
Có người đáp: "Trà pha đừng quá đặc, cơm ăn đừng quá no, cũng đừng quá tốt với người khác."
Càng trải nghiệm nhiều càng hiểu ra được rằng, chân thành chưa chắc đã đổi lại được chân thành, sự tử tế của bạn đôi khi đổi lại lại là được nước lấn tới.
Một cư dân mạng tên Cao chia sẻ câu chuyện của mình như này.
Cao xuất thân bần hàn, nhờ nỗ lực của mình, anh thi đỗ được vào một trường đại học khá tốt ở thành phố, 10 năm sau khi tốt nghiệp, anh cuối cùng cũng có cho mình một ngôi nhà và sự nghiệp ổn định ở thành phố.
Nhưng kể từ sau đó, cuộc sống của anh bỗng trở nên rất lộn xộn.
Người thân bạn bè nghe nói anh ở thành phố có cuộc sống khá tốt nên lần lượt nhờ vả anh giúp việc nọ việc kia.
Người thì nhờ anh dạy học cho con, người nhờ anh tìm một công việc hộ, người thì nhờ đến xếp số hộ (trong bệnh viện…)
Ban đầu, anh Cao cũng không nỡ từ chối, ai nhờ gì cũng nhiệt tình giúp đỡ.
Sau này có con rồi, bố mẹ già chỉ có thể nằm một chỗ, anh cũng không còn đủ sức để giúp đỡ người khác như xưa, vậy mà không ngờ những người từng nhờ anh giúp đỡ đó lại sau lưng nói anh "kiêu ngạo", "lên thành phố rồi là ra vẻ"…
Anh Cao rất bất ngờ, ngẫm lại mình bao nhiêu năm "hào phóng" như vậy, kiệt quệ về thể xác và tinh thần, nhưng cũng không có được một lời tốt đẹp.
Có người từng nói: "Tâm lý con người, khi nhận được điều gì đó, họ không những không xem trọng mà còn cho rằng đó là điều hiển nhiên, thay vì biết ơn lại dễ sinh lòng oán hận."
Bạn luôn thỏa hiệp, người khác sẽ coi bạn là con rối; luôn cứ bỏ ra, người khác sẽ cho đó là điều hiển nhiên.
Khi còn trẻ, chúng ta tràn đầy năng lượng, giúp đỡ được một ai đó, đó là chính nghĩa.
Nhưng khi bước vào độ tuổi có gia đình, cuộc sống có nhiều trách nhiệm hơn, nếu bạn vẫn luôn quá tốt, người mệt mỏi là bạn, người không nhận lại được sự biết ơn cũng có thể là bạn.
Con người ta sống ở đời, hãy đặt chính bản thân mình lên trước tiên.
Nếu khả năng của bản thân cho phép, có thể giúp đỡ người khác, giúp được, nó là cái tình, nhưng nếu không giúp được, thì đó là chuyện hiển nhiên, dứt khoát từ chối.
Đừng cố gắng khiến người người khác vui lòng mà quên mất làm hài lòng chính bản thân mình.
02
Lạnh lùng một chút, không cần nhiệt tình với tất cả mọi người
Một tác gia từng nói, suy nghĩ đáng sợ nhất của một người chính là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, điều này không thực tế và cũng không cần thiết.
Quá nhiệt tình sẽ chỉ làm tăng khả năng bạn không được coi trọng.
Có một câu chuyện như này.
Dương làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước, cô ấy rất nhiệt tình với mọi người, việc gì cũng giành làm và quan tâm đến cảm xúc của mọi người đến từng chi tiết.
Một lần nọ, cả phòng mười mấy người cùng nhau đi ăn, sau khi ăn xong, Dương đứng ra thanh toán tiền như thường lệ.
Cô cũng lo mọi người vội nên rất nhanh chóng chủ động đi thanh toán hóa đơn, nhưng khi quay về bàn ăn, không thấy một ai nữa.
Khi ra khỏi nhà hàng, hôm đó trời mưa rất to, khoảnh khắc dầm mưa chạy ra chỗ bến xe, trong lòng cô cảm thấy rất khó chịu.
Ngày thứ hai cô gặp một vài đồng nghiệp trong thang máy, cô vốn cho rằng đồng nghiệp sẽ hỏi han hôm qua cô về nhà thế nào, nhưng câu đầu tiên họ lại hỏi: "Cái bánh sinh nhật to hôm qua, em có mang về không?"
Dương nói không.
Đối phương bỗng giở giọng trách móc: "Ôi giờ sao trí nhớ em kém thế, mang về rồi có phải trưa nay có bánh ăn rồi không."
Khoảnh khắc đó, Dương bỗng cảm thấy rất thất vọng.
Thì ra, một người luôn rất nhiệt tình và chân thành như cô, trong mắt mọi người, lại chỉ là một chân chạy việc miễn phí.
Những người như Dương trong cuộc sống có lẽ cũng không phải là ít.
Họ có tình có nghĩa với người khác, nhưng lại không được đối đãi tử tế, họ chu đáo với tất cả mọi người hết mức có thể, nhưng lại không được trân trọng.
Có lẽ chúng ta đều từng nghĩ tới việc làm hài lòng người khác để đổi lại sự công nhận, sự coi trọng, cho rằng bỏ ra thì sẽ được hồi đáp, nhưng tới một khoảnh khắc nào đó, chúng ta chợt nhận ra rằng, lòng tốt của mình đã đặt sai chỗ.
Con người ta khi đã có gia đình, khi bước vào tuổi trung niên, sự tự giác lớn nhất chính là đừng quá nhiệt tình với tất cả mọi người.
Học cách đưa ra lựa chọn, học cách chọn bạn mà chơi, chọn người mà đối đãi, đó có lẽ mới là xã giao quan đúng đắn nhất.
Nữ diễn viên người Trung Quốc Lưu Đào tham gia đóng phim đã nhiều năm, theo lý mà nói, những người cô quen biết sẽ rất nhiều.
Tuy nhiên, trong một chương trình phỏng vấn, cô lại chia sẻ rằng mình chỉ có hai người bạn thân.
Khi được hỏi nguyên nhân vì sao, cô cười nói: "Bởi lẽ tôi không có thời gian để đối xử tốt với tất cả mọi người."
Bước vào tuổi trung niên, bạn không cần phải mời quá nhiều người bước vào thế giới của mình.
Thay vì kì vọng để rồi thất vọng, chi bằng đặt ra một cái giới hạn cho sự nhiệt tình của mình.
Lạnh lùng một chút, nghiêm túc lọc ra các mối quan hệ của mình.
Vạn khách qua đường, không bằng một hai tri kỉ.
Hãy dành sự ấm áp của bạn cho người xứng đáng, dành thời gian cho những điều đáng quý, đó mới là cách sống của người thông minh.
03
Ích kỷ một chút, người bạn nên thành toàn nhất, là chính bản thân bạn
Kevin Tsai, nhà văn kiêm người dẫn chương trình truyền hình Đài Loan trong cuốn sách của mình có tên "Sống vì mình một lần" có nói:
"Từ nhỏ tới lớn, điều mà chúng ta được nghe nhiều nhất chính là, bạn phải nhẫn nại, phải biết cho đi, không ai nói với bạn rằng, bạn phải vui vẻ, phải học cách sống cho bản thân một lần."
Cho đi, tất nhiên là một đức tính tốt, nhưng cho đi, bỏ ra một cách mù quáng sẽ khiến bạn tiêu hao bản thân.
Tô Thanh (1917-1982), là một tác gia nổi tiếng của Trung Quốc, khi còn trẻ, bà nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ, sớm từ bỏ việc học để kết hôn, sinh con.
Sau khi kết hôn, trong năm năm, bà liên tiếp đẻ 4 người con, hàng ngày, bà ở nhà lo việc nhà, hầu hạ chồng con, lại còn phải chịu đựng sự mắng mỏ, coi thường của người chồng.
Dù có bỏ ra bao nhiêu, bà cũng không bao giờ nhận lại được sự biết ơn và thấu hiểu.
Chồng không những không thông cảm bà vất vả, lại còn lăng nhăng bên ngoài, nhà chồng cũng thờ ơ, thậm chí còn dè bỉu bà ra mặt.
Mãi tới khi tình nhân của chồng mang theo cái thai trong bụng tới tận nhà, bà mới sực tỉnh ngộ.
Chịu đựng sự tủi hờn trong suốt hơn 10 năm, sau cùng nhận lại lại chỉ là sự khinh thường và phản bội.
Tô Thanh đau lòng đem theo 4 đứa con rời khỏi ngôi nhà tệ bạc đó.
Sau khi ly hôn, bà bắt đầu quay lại với việc viết lách, và không ngừng được đăng bài lên các tạp chí, sau cùng, thành danh với cuốn tiểu thuyết mang tên "10 năm kết hôn".
Kể từ sau đó, bà kết giao với nhưng người nổi tiếng trên văn đàn, họ cùng nhau sáng lập ra tạp chí "Thiên địa", và có một vị trí nhất định trên mảnh đất Thượng Hải phồn hoa, sống một cuộc sống sung túc.
Khi bà nỗ lực đi làm hài lòng người khác, thứ bà nhận lại được là sự khinh thường và coi rẻ; khi bà chú tâm vào chính mình, bức tranh đầy màu sắc của cuộc sống bắt đầu từ từ mở ra.
Một diễn viên hài từng nói, thứ tự sắp xếp trong cuộc đời của mỗi người nên là bản thân, bạn đời, con cái, cha mẹ.
Trước đây, chúng ta luôn cho rằng, phải yêu người trước khi yêu mình, vì vậy chúng ta không ngừng cho đi.
Chúng ta xem việc thu mình lại, tự mình làm mọi việc, chăm sóc người khác mọi lúc mọi nơi, cho đến khi kiệt sức, là điều hiển nhiên.
Tuy nhiên, nửa đời người nhìn lại, mới nhận ra rằng đi gần hết con đường rồi, người duy nhất mình nợ là chính bản thân mình.
Nhà văn Bi Shumin cho rằng yêu bản thân thật tốt là một lẽ thường rất đơn giản và bình dị.
Cuộc sống là quá ngắn để có thể chịu đựng được sự lãng phí và chờ đợi. Thay vì làm tiêu hao bản thân vào những thứ bên ngoài, tốt hơn là bạn nên học cách làm hài lòng chính mình.
Người làm hài lòng người khác là thần, người làm vừa lòng chính mình là vua.
Có cầm chắc được cái mái chèo của mình, bạn mới vững được con thuyền độ người khác qua sông.
04
Nhà văn người Trung Quốc, Lâm Ngữ Đường từng nói:
"Trí tuệ cuộc sống nằm ở chỗ dần dần loại bỏ những tạp chất không cần thiết, và chỉ giữ lại bộ phận quan trọng nhất."
Bước vào tuổi trung niên, phải học cách đóng trái tim lại một chút.
Đừng dành quá nhiều thời gian cho các mối quan hệ, và cũng không cần phải mời tất cả mọi người vào cuộc sống của mình.
Đừng mù quáng làm hài lòng người khác mà quên đi cảm nhận của chính bản thân mình, khi bạn sống đúng với những gì mình nghĩ, bạn mới cảm nhận được sự ấm áp của cuộc sống.
(Aboluowang)
http://tintuc.vdong.vn/07/1429058.htmAlexx
Theo Trí Thức Trẻ