Theo hãng tin CNBC, Châu Âu đang phải hứng chịu đợt lạm phát cao chưa từng thấy suốt nhiều năm qua. Lấy ví dụ hòn đảo du lịch nổi tiếng Ibiza của Tây Ban Nha, giá cả tại đây đang ở mức cao không tưởng.
Một chiếc bánh kẹp burger tại một nhà hàng ven biển có giá 30 Euro, tương đương 30 USD. Một chiếc giường nằm ven biển tắm nắng có giá thuê lên đến 500 Euro. Nếu muốn đi hộp đêm thì giá đặt bàn hạng VIP có thể lên đến hàng nghìn Euro.
Hòn đảo Ibiza đắt đỏ ở Tây Ban Nha, nơi có 1 lon Coca có giá 13 Euro.
Thậm chí, giá một lon Coca bình thường cũng lên đến 13 Euro, tương đương 13 USD (hơn 300.000 đồng).
Mặc dù những khu du lịch như Ibiza được cho là có mức giá cao hơn bình thường nhưng việc tăng giá quá mạnh như vậy khiến ngay cả những chuyên gia trong ngành thấy bất hợp lý, thế nhưng người dân vẫn đổ về Châu Âu du lịch.
Đà tăng giá quá mạnh của đồng USD đang khiến người Mỹ và nhiều nơi trên thế giới tràn về Châu Âu để du lịch "trả thù" sau 2 năm giãn cách vì đại dịch.
"Mức giá ở đây đắt đỏ một cách thái quá...Thế nhưng du khách vẫn chấp nhận chi", chuyên gia tư vấn khách sạn hạng sang Ben Pundole trả lời CNBC.
Theo Pundole, mức giá tại tất cả các cửa hàng, câu lạc bộ đêm, nhà nghỉ hay taxi tại Ibiza đều tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Sau 2 năm thất thu vì đại dịch, giờ đây mọi ngành nghề tại hòn đảo du lịch nổi tiếng này đều tranh thủ để thu lợi nhuận bù lại.
Bất chấp mức tăng giá chóng mặt như vậy, số liệu của Tổng cục thống kê Tây Ban Nha cho thấy lượng du khách đổ về Ibiza đã tăng 300% trong tháng 5/2022 so với cùng kỳ năm trước.
Thời của đồng USD
Với mức giá đồng Euro xuống thấp nhất 20 năm qua so với đồng USD, du khách Mỹ và thế giới đang có cơ hội tận hưởng một mùa du lịch giá rẻ tại Châu Âu.
Tất nhiên, không phải tất cả các nước Châu Âu đều dùng đồng Euro. Chỉ có 19/27 thành viên Liên minh Châu Âu (EU) sử dụng đồng tiền chung, bao gồm: Áo, Bỉ, Đảo Síp, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ireland, Italy, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia và Tây Ban Nha.
Tỷ giá Euro/USD
Theo CNBC, cuộc xung đột Ukraine khiến Châu Âu đối mặt khủng hoảng năng lượng cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế đã kéo đà giảm của đồng Euro. Bên cạnh đó, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất mạnh để chống lạm phát cũng khiến đồng USD tăng giá. Nhiều nhà đầu tư cũng đổ tiền vào USD như một kênh tài sản trú ẩn trước tình hình lạm phát tăng cao tại nhiều nơi.
Từ đầu năm đến nay, đồng Euro đã mất giá 11% so với đồng USD, qua đó kích thích một làn sóng du lịch đến khu vực này.
"Điều nay cứ như bạn được hưởng giảm giá 15% vậy. Tình hình này quá tuyệt vời cho những chuyến đi du lịch giá rẻ", chuyên gia Sara Rathner của NerdWallet nhận định.
Báo cáo của Destination Analyst cho thấy có đến 34% số du khách Mỹ muốn được ra nước ngoài trong tháng 6/2022, tăng 6 điểm phần trăm so với tháng trước đó. Cuộc khảo sát về những địa điểm du lịch quốc tế được ưa thích nhất cho thấy Châu Âu chiếm 6/10 địa điểm.
Tương tự, số liệu của Expedia cho thấy lượt tìm kiếm chuyến bay đến Châu Âu đã gia tăng với tỷ lệ 2 chữ số trong tháng 6/2022. Lượt tìm kiếm vé máy bay đến Paris-Pháp và Frankfurt-Đức đã tăng 25% trong khi con số này là 20% với Brussels-Bỉ và Amsterdam-Hà Lan.
Số lượt tìm kiếm nhà nghỉ trên Hotel.com cho Copenhagen-Đan Mạch tăng 30%, Athens-Hy Lạp tăng 10% còn Madrid-Tây Ban Nha cũng tăng 10%.
"Đây là thời điểm khá đắt đỏ để đi du lịch nhưng mọi người vẫn muốn đổ ra đường", chuyên gia Rathner nhận định.
*Nguồn: CNBC
http://tintuc.vdong.vn/07/1430042.htmBăng Băng
Theo Nhịp Sống Kinh Tế