Giám đốc điều hành Alphabet, ông Sundar Pichai vừa gửi một thông điệp đến nhân viên của mình: “Sắp tới, chúng ta cần phải đẩy mạnh tinh thần kinh doanh hơn, làm việc khẩn trương và tập trung hơn”, theo trang tin tức công nghệ The Verge.
Thông điệp này không chỉ nhấn mạnh triển vọng thách thức đối với các công ty công nghệ, mà còn đánh dấu sự chuyển hướng sang một giai đoạn cứng rắn và nỗ lực hơn bao giờ hết của các gã khổng lồ thung lũng Silicon. Tháng trước, cảnh báo mà Giám đốc điều hành Meta, tỷ phú Mark Zuckerberg đưa ra cho đội ngũ nhân sự, thậm chí còn vẽ ra một viễn cảnh u ám hơn: “Thực tế, có rất nhiều người không nên làm việc tại đây. Một số quyết định rời đi và tôi chấp nhận điều đó”.
Theo Bloomberg, lĩnh vực công nghệ đang bước vào giai đoạn không chắc chắn, khi cổ phiếu đồng loạt lao dốc còn việc tuyển dụng dường như chậm lại. Nghiêm trọng hơn, các công ty truyền thông xã hội như YouTube, Facebook và Instagram cũng đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của giới chức cũng như sức mạnh cạnh tranh từ nền tảng TikTok. Cảnh báo mới nhất từ Pichai và Zuckerberg càng khiến giới đầu tư thêm quan ngại.
Zuckerberg được mệnh danh là “CEO thời chiến”, một kiểu người luôn quan tâm đến những thứ nhỏ nhặt
Zuckerberg được mệnh danh là “CEO thời chiến”, một kiểu người luôn quan tâm đến những thứ nhỏ nhặt. Trong khi đó, một “CEO thời bình” lại luôn cố gắng giảm thiểu xung đột và chú trọng vào tổng thể bức tranh rộng lớn.
Không ngừng tham vọng và cạnh tranh đến mức hoang tưởng, Zuckerberg điều hành Facebook trong suốt thập kỷ qua. Hồi năm 2012, vị CEO này theo đuổi thương vụ thâu tóm Instagram và mua lại công ty với giá 1 tỷ USD sau khi cảnh báo các giám đốc tài chính của mình rằng Instagram “có thể gây khó khăn cho chúng ta”. Hai năm sau, Zuckerberg tiếp tục mua lại WhatsApp với giá 19 tỷ USD với lý do tương tự.
Điều này dĩ nhiên khiến các cơ quan quản lý chống độc quyền nổi giận. Cách tiếp cận của Zuckerberg trong việc nhân bản các đối thủ cạnh tranh khiến người đàn ông này bị cáo buộc là “kẻ đạo nhái” trắng trợn. Các tính năng được sao chép cẩn thận từ những công ty nhỏ hơn, song điều này giúp Facebook bảo toàn thành công lợi nhuận và tô đẹp bản báo cáo kinh doanh qua từng quý.
“Mark Zuckerberg cạnh tranh bằng một cách mà tôi chưa từng thấy trước đây”, cựu phó Chủ tịch phụ trách sản phẩm của Instagram, Kevin Weil, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Big Technology Podcast hồi tuần trước. “Ngay cả khi Facebook hoạt động đúng mức và không có gì xảy ra, Zuckerberg vẫn có một sức mạnh nào đó khiến mọi người luôn giữ vững sự tập trung”.
Tuy nhiên, vị CEO này, dù tốt dù xấu, đã tự khiến sứ mệnh của mình trở nên khó khăn hơn khi định hướng Facebook sang metaverse - một tham vọng mà nhiều công ty công nghệ khác không có gan thực hiện. Những lần đặt cược lớn, mang tính quyết định trước đây, chẳng hạn như thương vụ mua lại Instagram đã thành công mỹ mãn và chứng minh cho tầm nhìn dài hạn của Zuckerberg, song giấc mơ metaverse liệu có đẹp hay không thì hồi sau mới rõ.
Mark Zuckerberg đã tự khiến sứ mệnh của mình trở nên khó khăn hơn khi định hướng Facebook sang metaverse
Thực tế, các khoản đầu tư của Meta vào thực tế ảo đã bắt đầu từ năm 2014, khi công ty chi ra 2 tỷ USD cho nhà sản xuất tai nghe Oculus VR. Zuckerberg, cho đến nay, vẫn bày tỏ sự lạc quan về sản phẩm kính thực tế Meta Quest 2 thế hệ mới có giá chỉ 299 USD.
“Nhiệm vụ này chúng tôi đã thành công vang dội”, Zuckerberg nói với người dẫn chương trình. “Tôi thực sự hạnh phúc. Nó đã vượt quá sự mong đợi của tôi. Tuy nhiên, vẫn sẽ mất một thời gian để Meta có thể đạt đến quy mô hàng trăm triệu hoặc thậm chí hàng tỷ người dùng trong metaverse’’, Mark Zuckerberg nói.
Ngoài ra, vị CEO này cũng cho biết các trải nghiệm trong metaverse vô cùng phong phú, hơn hẳn dạng văn bản, ảnh hay video truyền thống vốn phổ biến trên Facebook và Instagram. Do vậy, đây sẽ là một chủ đề đáng được quan tâm của Meta trong thập kỷ tới.
Theo: Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/07/1430048.htm
Vũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế