Nghè Đông Kinh (xã Nga Trường, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) là địa điểm thờ Thánh Mẫu, Thành Hoàng Làng và đã có từ rất lâu đời. Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong và ngoài địa phương. Tháng 4-2021, nghè Đông Kinh được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (Quyết định 1074/QĐ-UBND ngày 1-4-2021).
Nghè Đông Kinh thời điểm được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh (bên trái) và hình ảnh nghè đã bị phá bỏ hoàn toàn (ảnh chụp sáng ngày 18-7)
Ngày 7-6-2022, UBND xã Nga Trường có tờ trình gửi UBND huyện Nga Sơn xin chủ trương tu bổ, tôn tạo di tích này. Ngày 13-7, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn tiếp tục có tờ trình gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đề xuất chủ trương trùng tu di tích nghè Đông Kinh.
Tại tờ trình này, UBND huyện Nga Sơn cho biết trải qua thăng trầm của lịch sử và thời gian, các hạng mục công trình của nghè Đông Kinh như: Ngôi nhà thờ Đông Hải tôn thần, Thái Thụy phu nhân chi thần, Tứ Phúc phu nhân chi thần đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân trong và ngoài địa phương.
Toàn bộ nghè Đông Kinh (yếu tố gốc của di tích) đã bị phá tan hoang khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép
Theo đó, phần móng nhà bị lún, tường nhà bị nứt, rêu mốc, bong tróc vôi vữa, có nguy cơ sắp bị sụp đổ; cửa chính và cửa sổ bị mối, mọt xông, đã chắp vá nhiều chỗ; phần rui, mè, ngói đã bị ải; sân và đường vào gạch đã bị vỡ vụn…
Cũng tại báo cáo này, UBND huyện Nga Sơn xin xây lại nhà tiền đường, khu thờ chính gồm đảo ngói, xây lại các bệ cửa chính, cửa sổ, xây lại sân, vườn và đường vào nghè. Kinh phí tu bổ khoảng 1,2 tỉ đồng (nguồn xã hội hóa) và được thực hiện xong trong năm 2022.
Nhận được tờ trình trên, ngày 14-7, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (chủ trì), cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng nghiên cứu để xuất của UBND huyện Nga Sơn, có ý kiến tham mưu đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chậm nhất vào ngày 25-7.
Sân nền chỉ còn vương lại đống đổ nát của gạch đá
Cũng ngay trong ngày 14-7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Nga Sơn trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và các quy định pháp luật hiện hành, có ý kiến tham gia về nội dung trên.
Điều đáng nói, khi các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa chưa có văn bản tham vấn, Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa chưa có báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh có chấp thuận chủ trương tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa nghè Đông Kinh hay không thì di tích này đã phá bỏ hoàn toàn.
Ghi nhận thực tế vào sáng ngày 18-7, toàn bộ công trình nghè Đông Kinh (yếu tố gốc để được công nhận di tích cấp tỉnh) đã bị san phẳng, chỉ còn trơ lại nền móng. Một số cấu kiện còn sót lại được xếp thành đống trong khuôn viên di tích. Một số người dân cho biết di tích này đã bắt đầu được hạ giải từ những ngày đầu tháng 7.
Một số hạng mục còn sót lại của nghè Đông Kinh được xếp thành đống trong khuôn viên di tích
Ông Trương Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nga Trường, thừa nhận di tích lịch sử cấp tỉnh nghè Đông Kinh đã bị phá bỏ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Theo lý giải của ông Tuấn thì do nghè xuống cấp, gây khó khăn cho hoạt động tín ngưỡng của người dân địa phương, nên nhân dân trong thôn nóng vội.
Đáng lưu ý, dù di tích đã bị phá bỏ, nhưng trong tờ trình gửi UBND tỉnh (ngày 13-7), huyện Nga Sơn (cơ quan được UBND tỉnh Thanh Hóa giao quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích) vẫn nêu hiện trạng công trình xuống cấp, cần sớm được tu bổ, tôn tạo chứ không hề nhắc tới việc di tích đã bị hạ giải, phá bỏ.
Xem thêm: mth.63563626181702202-ob-ahp-ib-ad-aoh-hnaht-o-hnit-pac-hcit-id-tom-pehp-ohc-hnit-coud-auhc/nv.ahos