Chiều 18/7, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý SJC đảo chiều tăng nhẹ sau khi rớt hơn 5 triệu đồng một lượng, chốt phiên tại 63,5 – 64,5 triệu đồng.
SJC nâng giá mua lên 1,5 triệu đồng và giá bán 500.000 đồng so với đầu chiều, qua đó chênh lệch mua bán được thu hẹp từ 2 triệu đồng xuống 1 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng miếng SJC tại hai nhà vàng khác là DOJI và PNJ cũng đảo chiều tăng 1,5-2 triệu đồng lên tương ứng 63,5 – 65,5 triệu và 62,8 – 64,8 triệu đồng.
Giá vàng miếng SJC có lúc giảm hơn 5 triệu đồng một lượng chỉ trong ngày trước khi đảo chiều vào cuối phiên. Tính ra, mỗi lượng vàng vào cuối ngày 18/7 đã "bốc hơi" tới 4,5 triệu đồng, tương đương giảm 7% trong ngày. Đây là mức giảm kỷ lục trong ngày của vàng miếng từ trước đến nay.
Trong khi vàng miếng SJC rơi thẳng đứng, giá vàng trang sức nguyên vật liệu không có biến động đáng kể. Giá vàng nhẫn tròn trơn được giao dịch quanh vùng giá 5,2-5,3 triệu đồng một chỉ.
Diễn biến của giá vàng miếng trong nước đi ngược với giá vàng thế giới phiên hôm nay, song kim loại quý này trong hai tuần qua cũng đã mất hơn 100 USD mỗi ounce.
Sau phiên giảm sốc của giá vàng miếng SJC, chênh lệch giữa hai thị trường được thu hẹp về 15,5 triệu đồng một lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí).
Ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ cho rằng giá vàng miếng lao dốc đột ngột trong phiên 18/7 xuất phát từ lực bán mạnh trên thị trường.
Ông Hải loại trừ kịch bản giá giảm mạnh do lực bán từ các nhà kinh doanh vàng lớn như SJC, DOJI hay PNJ vì động thái này không khác gì "lấy đá tự đè chân". Cuối tuần trước, các nhà vàng vẫn mua vào với giá 68 triệu đồng một lượng và họ không có động cơ để hạ đột ngột giá kim loại quý.
Chủ tịch SJC Phú Thọ phân tích không loại trừ khả năng các ngân hàng thương mại và nhà đầu tư bán ra lượng lớn vàng để cơ cấu lại danh mục tài sản trước xu hướng đồng USD ngày càng mạnh lên.
Một chuyên gia lâu năm trên thị trường cũng đánh giá, động thái vàng miếng SJC rớt giá mạnh trong phiên 18/7 có thể đến từ lực bán của những đơn vị nắm giữ vàng trên thị trường. Chuyên gia này loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước bán can thiệp vàng từ quỹ dự trữ ngoại hối vì động thái này là không cần thiết và cũng không phải ưu tiên của nhà điều hành trong bối cảnh hiện tại.
Chục năm nay, thị trường lưu hành một lượng hữu hạn vàng miếng SJC, theo ước tính của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), con số này ở mức 20 triệu lượng. Hoạt động mua bán vàng miếng SJC thực chất diễn ra giữa những người đang giữ vàng miếng SJC được sản xuất từ thời gian trước. Vì thế, vàng miếng SJC gần như tách biệt với giá giá vàng thế giới và các thương hiệu vàng còn lại ở trong nước, kể cả với vàng nhẫn.
Vấn đề sửa Nghị định 24 về kinh doanh lại "nóng" lên gần đây khi giá vàng miếng SJC ngày càng tách biệt và chênh lệch kỷ lục với giá thế giới. Nghị định 24 ban hành từ cách đây chục năm đã giúp Việt Nam theo đuổi thành công mục tiêu "chống vàng hóa" nhưng theo giới kinh doanh vàng và chuyên gia, đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Hiệp hội kinh doanh vàng nhiều năm qua liên tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có các chính sách "cởi mở" hơn với ngành kinh doanh vàng, giúp thị trường trong nước và thế giới liên thông. Một số giải pháp được đưa ra như xoá độc quyền vàng miếng, cho nhập khẩu vàng miếng, cấp quota nhập khẩu vàng nguyên liệu, lập sàn giao dịch vàng online...
Tuy nhiên, e ngại của nhà làm chính sách là việc để giá vàng trong nước liên thông với thế giới sẽ khiến tâm lý "chuộng vàng" quay trở lại, vòng xoáy giá vàng và đôla sẽ khó kiểm soát hơn. Mang lại tự do cho thị trường vàng hoặc thực hiện mục tiêu chống vàng hóa, bình ổn tỷ giá là hai bài toán đòi hỏi sự đánh đổi. Lựa chọn của nhà làm chính sách - nghiêng về vế thứ hai.
Vì thế, mặc dù lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước gần đây đề cập đến việc sửa đổi Nghị định 24, nhưng theo giới chuyên gia, đây là vấn đề cần nâng lên đặt xuống và khó thực hiện trong "một sớm một chiều".
Quỳnh Trang