Mọi người lấy nước từ một đài phun nước ở công viên Green tại thủ đô London, Anh ngày 18-7 - Ảnh: REUTERS
Ngày nóng nhất năm 2022 ở Anh
Tại Anh, nhiệt độ kỷ lục 38,1 độ C được ghi nhận tại quận Suffolk, xứ England, khiến ngày 18-7 trở thành ngày nóng nhất trong năm 2022, và là ngày nóng thứ ba từng được ghi nhận ở Anh.
Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận gần nhất tại Anh là 38,7 độ C vào năm 2019.
Theo trang Current Results, trong giai đoạn từ năm 1981 - 2010, nhiệt độ trung bình hằng ngày cao nhất trong tháng 7 tại Anh là 21 độ C và thấp nhất là 12 độ C.
Chính phủ cũng lần đầu tiên ban hành cảnh báo đỏ về nhiệt độ cực cao, theo báo Guardian. Các chuyên gia dự báo, nhiệt độ tại Anh có thể lần đầu vượt 40 độ C, và thời tiết cực đoan sẽ diễn ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu.
Mọi người bơi trên sông Wye ngày 18-7 khi nắng nóng hoành hành ở Anh - Ảnh: REUTERS
Nhiệt độ khắc nghiệt đã buộc sân bay Luton gần thủ đô London và căn cứ Brize Norton của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh hủy các chuyến bay trong ngày 18 và 19-7, với lý do đường băng không an toàn. Tàu hỏa và trường học cũng đóng cửa tại những khu vực bị ảnh hưởng.
Hầu hết các nhà khoa học khí hậu cho rằng chính biến đổi khí hậu đã khiến nước Anh vốn mát mẻ lại trở nên nóng như hiện nay. Cục Khí tượng Anh dự báo nhiệt độ khắc nghiệt trong vài ngày tới ở nước này có thể tăng lên vì biến đổi khí hậu, theo Đài BBC.
Giáo sư Friederike Ott, nhà khoa học khí hậu tại ĐH Hoàng gia London (Imperial College London), cho biết vài chục năm nữa khi nhìn lại thời điểm hiện tại, chúng ta có thể nói rằng thời tiết hè năm nay là khá mát mẻ.
Trong khi đó, giáo sư Nigel Arnell của ĐH Reading nêu quan điểm rằng các đợt nắng nóng sẽ nhiều hơn và kéo dài hơn trong tương lai, cũng như sẽ có nhiều cảnh báo sức khỏe do nắng nóng.
Hồ chứa nước Llwyn On ở Xứ Wales, Vương quốc Anh cạn nước vì nắng nóng - Ảnh: REUTERS
Cháy rừng lan rộng ở châu Âu
Cùng ngày, Cục Thời tiết quốc gia Pháp cho biết một loạt thị trấn và thành phố tại nước này cũng ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay, theo Hãng tin AFP.
Thành phố Brest, thuộc vùng Brittany bên bờ Đại Tây Dương của nước Pháp, ghi nhận nhiệt độ 39,3 độ C, xô đổ kỷ lục 35,1 độ C năm 2002. Trong khi đó, Saint-Brieuc nóng đến 39,5 độ C, và thành phố Nantes là 42 độ C.
Lính cứu hỏa tại tây nam Pháp vẫn đang vật lộn để dập tắt hai đám cháy rừng lớn, tàn phá trên diện rộng. Các đám cháy kéo dài gần một tuần đang bòn rút sức lực của lực lượng cứu hỏa.
Cháy rừng dữ dội tại vùng Gironde, Pháp - Ảnh: AFP
Thủ đô Dublin, Ireland hứng nắng nóng tới 33 độ C, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1887; trong khi nhiệt độ tại thành phố Westdorpe, Hà Lan đã chạm mốc 35,4 độ C.
Bỉ và Đức nằm trong số những nước dự kiến đợt nắng nóng hiện tại trong khu vực sẽ ập đến nước họ trong những ngày tới, với nhiệt độ có thể lên trên 40 độ C.
Đây là đợt nắng nóng thứ hai đang nhấn chìm nhiều khu vực ở tây nam lục địa già trong cái nóng thiêu đốt trong những tuần gần đây.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez (giữa) thăm một khu vực bị cháy rừng ảnh hưởng ở Puerto de Miravete, miền tây Tây Ban Nha - Ảnh: EPA
Các nhà nghiên cứu thuộc Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, gần nửa (46%) châu Âu đang bị hạn hán ở mức cảnh báo. Mùa màng trong khu vực cũng đang bị thiếu nước nghiêm trọng.
Các đám cháy rừng tại Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng đã tàn phá hàng ngàn hecta đất.
Một khu vực dài 9km và rộng 8km vẫn đang cháy gần Dune de Pilat (Pháp), cồn cát cao nhất ở châu Âu, phá tan quang cảnh đẹp như tranh vẽ, các điểm cắm trại nổi tiếng và các bãi biển hoang sơ.
"Những cây thông 40 năm tuổi đang cháy rụi", ông Marc Vermeulen, người đứng đầu lực lượng cứu hỏa địa phương, cho biết.
Tổng cộng 8.000 người đã sơ tán khỏi các khu vực bị "bà hỏa" ghé thăm tại Pháp trong ngày 18-7 để đề phòng. Tính đến nay, khoảng 32.000 du khách và người dân đã buộc phải di tản vì cháy rừng, nhiều người phải ở tạm trong các nơi trú ẩn khẩn cấp.
Tại Tây Ban Nha, các nhà chức trách ghi nhận khoảng 20 đám cháy đang hoành hành, phá hủy khoảng 4.500ha đất.
TTO - Một nhà khí tượng học người Pháp ví tình trạng nắng nóng vượt 42 độ C như hiện nay ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung như ‘ngày tận thế’, khiến cuộc sống gặp muôn vàn rủi ro.