Ngân hàng Nhà nước vừa tiếp tục điều chỉnh cơ cấu hút bớt tiền về, sau khi nối lại hoạt động này từ trong tháng 6/2022 đến nay.
Sau "thử nghiệm" đầu tiên với kỳ hạn 7 ngày, nâng lên 14 ngày, bổ sung kỳ hạn 28 ngày thì Nhà điều hành vừa bổ sung thêm kỳ hạn 56 ngày. Theo đó, thời gian "nhốt" bớt tiền đã kéo dài hơn hẳn so với trước đó. 56 ngày cũng là kỳ hạn duy nhất được chào thầu trong ngày hôm qua (18/7).
Cụ thể, ngày 18/7, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu ở kỳ hạn 56 ngày. Có 9.964,8 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất 2,3%; có 15.200 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Song song, như thể hiện suốt thời gian qua, cơ quan này cũng duy trì kênh bơm ra với quy mô nhỏ trên thị trường mở. Và phiên 18/7 lượng bơm ra ở đây là 364,5 tỷ đồng, vẫn kỳ hạn 14 ngày lãi suất "cố định" 2,5%; trong ngày có 289,48 tỷ đồng đáo hạn.
Theo đó, tính chung đến ngày 18/7, số dư tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành ở mức 171.993,6 tỷ VND; trong khi số dư bơm hỗ trợ ở kênh cầm cố chỉ 2.029,62 tỷ đồng.
Việc bổ sung và áp dụng duy nhất kỳ hạn dài 56 ngày nói trên của tín phiếu hút bớt tiền về cho thấy Ngân hàng Nhà nước có xu hướng nối dài hoạt động rút bớt tiền về, giãn thời gian lượng tiền này trở lại thị trường ra xa hơn.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND đã có hướng tăng trở lại. Ngày 18/7, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh 0,12 - 0,32 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước.
Cụ thể, lãi suất qua đêm đã lên 0,99%, 1 tuần 1,44%, 2 tuần 1,79% và 1 tháng 2,30%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 – 0,03 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1 tháng; giao dịch tại: qua đêm 1,71%, 1 tuần 1,81%, 2 tuần 1,92%, 1 tháng 2,03%.
Như vậy trên thị trường liên ngân hàng, chênh lệch lãi suất vẫn khá lớn, lãi suất USD cao hơn hẳn lãi suất VND ở các kỳ hạn dưới 1 tháng.
Xem thêm: mth.44790543191702202-hnam-gnat-gnah-nagn-neil-taus-ial-noh-ual-neit-tohn-coun-ahn-gnah-nagn/nv.ahos