Theo Bright Side, Lena Ash (30 tuổi) đã thấy mình khó nhận dạng các khuôn mặt ngay từ khi còn nhỏ do mắc chứng mù mặt- prosopagnosia. Bộ não của Lena không tạo ra ký ức về khuôn mặt của mọi người hoặc thậm chí của chính cô. Khi nói chuyện với ai đó, Lena đều có thể thấy rõ khuôn mặt của họ nhưng ngay khi họ rời khỏi tầm nhìn, cô lại quên mất người ấy trông thế nào.
Lena nói: "Tôi phải sử dụng một số mẹo để nhận ra khuôn mặt của chính mình. Khi tôi soi gương hoặc xem ảnh của mình, tôi dựa vào nốt ruồi trên lông mày, hình dạng chân tóc, vết sẹo trên cằm và dáng mũi. Tôi biết đặc điểm khuôn mặt của mình và nhớ nó trong đầu".
Lena cũng làm điều tương tự với những người mà cô gặp, cố gắng tập trung vào một số đặc điểm đặc trưng như nốt ruồi, vết sẹo hoặc hình xăm. Lena sẽ không chú ý vào quần áo hay râu vì điều này có thể gây nhầm lẫn khi nhận dạng. Ví dụ, với Lena, chồng của cô khi để râu và khi cạo râu trông như hai người hoàn toàn khác nhau.
Lena ghi nhớ đặc điểm khuôn mặt để tự nhớ ra mình khi soi gương
Tuy nhiên, Lena cũng thừa nhận việc sống chung với hội chứng mù mặt rất khó khăn. Trong những tình huống mà hầu hết mọi người coi là bình thường, chẳng hạn như gặp người quen, bạn học cũ trên phố, đối với những người bị prosopagnosia lại là một tình huống khó xử.
"Một số coi tôi là kẻ kiêu căng, vì tôi không chào họ khi đi ngang qua nhau trên phố nhưng thực sự tôi không nhận ra họ. Một số không tin khi tôi nói với họ về hội chứng của mình. Những người hiểu chuyện thì hay hỏi rằng tôi sống thế nào khi mà không thể nhớ mặt người khác", Lena chia sẻ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, tài tử Brad Pitt chia sẻ anh mắc chứng bệnh rối loạn thần kinh thực vật hiếm gặp, thường được gọi là mù mặt. Nam diễn viên cho biết anh đã phải vật lộn nhiều năm liền vì không thể nhận ra khuôn mặt của mọi người.
"Với tôi, hội chứng prosopagnosia đến nay vẫn còn là bí ẩn. Tôi không thể nắm bắt khuôn mặt người khác. Bởi vậy, tôi phải tìm hiểu thêm và kỹ hơn nữa", Brad Pitt chia sẻ.
Năm 2013, tình trạng này trở nên nghiêm trọng đến mức Brad Pitt chỉ muốn ở một mình tại nhà. Bởi nó đã gây ra cho anh nhiều tình huống trớ trêu.
Brad Pitt mắc hội chứng mù mặt
"Thề có Chúa, mỗi lần ai đó ngỏ lời chào, tôi phải hỏi lại: Xin chào, chúng ta từng gặp nhau ở đâu chưa nhỉ?. Điều đó chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn bởi nhiều người nghĩ tôi không tôn trọng họ.
Anh là người tự cao tự đại, là một kẻ ngạo mạn, tôi đồ rằng không ít người nghĩ thế về mình. Nhưng không thể nào khác, tôi không thể nắm bắt đặc điểm trên khuôn mặt mọi người xung quanh, cũng như không thể ghi nhớ đặc điểm nhận dạng của họ", ngôi sao Hollywood nói.
Cuộc phỏng vấn này sau đó đã thúc giục nhà thần kinh học Carnegie Mellon Marlene Behrmann gửi lời mời đến Brad Pitt nhằm kiểm tra tình trạng mà anh mắc phải. Nam tài tử đã được chụp ảnh não để đo mức độ ảnh hưởng của các cơ quan thần kinh.
Vị bác sĩ này cho biết Brad Pitt đã mắc chứng mù mặt (Face Blindness hay còn gọi là Prosopagnosia). Nếu không chữa trị đúng và kịp thời, chứng bệnh có thể dẫn tới mù lòa. Trong trường hợp nghiêm trọng, bản thân người bệnh cũng không thể nhận ra mình trong gương.
Hội chứng mù mặt là gì?
Người mắc hội chứng mù mặt được chia làm 2 kiểu: Bẩm sinh và mắc phải. Trong đó, mù mặt bẩm sinh ít phổ biến hơn.
Nghiên cứu chỉ ra ước tính cứ 50 người thì có một cá nhân phải vật lộn với tình trạng bệnh lý suốt đời.
Hội chứng mù mặt khiến người mắc không thể nhận ra khuôn mặt của người khác. Mù mặt thường ảnh hưởng đến người mắc trong phần lớn hoặc toàn bộ cuộc đời, cản trở cuộc sống hàng ngày của họ.
Người mắc hội chứng mù mặt sẽ khó nhận diện người khác, thậm chí là cả chính mình
Tiến sĩ Borna Bonakdarpour, chuyên gia thần kinh học hành vi tại Northwestern Medicine, cho biết mù mặt không phải một loại suy giảm thị lực. Nó giống với chứng quên hoặc khó đọc, khó nói hơn.
Mù mặt có nhiều mức độ nghiêm trọng. Một số người gặp hội chứng này khó có thể nhận ra những gương mặt quen thuộc, chẳng hạn thành viên trong gia đình, số khác không thể xác định được khuôn mặt của bản thân. Có những bệnh nhân không phân biệt được đâu là khuôn mặt, đâu là đồ vật.
Cũng có những bằng chứng cho thấy người mắc chứng mù mặt dễ trở nên lo lắng hoặc trầm cảm kinh niên vì cảm giác cô lập, sợ hãi đi kèm với tình trạng này. Các tương tác xã hội cơ bản sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều, một số người tránh tiếp xúc với người thân vì sợ rằng họ sẽ không nhận ra khuôn mặt của bất cứ ai và mắc lỗi trong cư xử.
Điều trị
Tiến sĩ Bonakdarpour cho biết hiện chưa có phương pháp điều trị cho tình trạng này, song có nhiều cách để kiểm soát nó. Những người mắc chứng mù mặt thường tập trung vào các đặc điểm như màu tóc, phong cách đi đứng hoặc giọng nói để phân biệt mọi người.
Đến nay hội chứng mù mặt vẫn chưa thể chữa khỏi
Các bác sĩ chuyên khoa thần kinh thường chẩn đoán hội chứng này thông qua một loạt các bài kiểm tra nhằm đánh giá khả năng ghi nhớ và nhận dạng khuôn mặt của một người. Đây có thể là quá trình kéo dài, vì các bác sĩ thường rất cố gắng để đảm bảo mù mặt không phải một biểu hiện của tình trạng thoái hóa thần kinh rộng lớn.
Nhiều người mắc chứng bệnh này, chẳng hạn Brad Pitt, sẽ không được chẩn đoán chính thức. "Những trở ngại của anh ấy, vấn đề mà anh ấy gặp phải không điển hình. Rất khó để hiểu được", tiến sĩ Stojic nói.
Nguồn: ODD; NY Times
http://tintuc.vdong.vn/07/1431245.htmNguyễn Phượng
Theo Trí Thức Trẻ