Cán bộ y tế Đà Nẵng phun thuốc diệt muỗi tại một ổ dịch - Ảnh: N.KHANH
Ngày 19-7, ông Trương Văn Trình, phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết từ đầu năm đến nay thành phố ghi nhận 3.305 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 23,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có gần 1.300 ca mắc là trẻ em từ 15 tuổi trở xuống.
Tuy trong hai năm qua, Đà Nẵng không ghi nhận ca tử vong nào do sốt xuất huyết gây ra, do số ca mắc có xu hướng gia tăng bắt đầu từ tuần 19 và đã vượt ngưỡng đường cong chuẩn 5 năm (2016 - 2020), đơn vị này khuyến cáo các địa phương tăng cường biện pháp phòng dịch.
Theo ông Trình, tỉ lệ số ca mắc sốt xuất huyết nặng chỉ rất ít (0,06%) trong tổng số ca mắc, nhưng có tới 5/7 địa phương có số ca trên 100.000 dân năm 2022 cao hơn trung bình 5 năm.
"Có tuần, số ca mắc lên tới hơn 330, nên ngành y tế đã phân công cán bộ đứng điểm để theo dõi, đánh giá tình hình và phối hợp chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại các địa phương", ông Trình cho biết.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng), riêng quận Liên Chiểu có tỉ lệ mắc cao nhất thành phố (gấp 2,89 lần), với 120 ổ dịch (chiếm 1/3 số ổ dịch của toàn thành phố).
Đơn vị này dự báo dịch sốt xuất huyết sẽ đạt đỉnh vào tháng 8, tuy nhiên cũng cảnh báo các địa phương cần tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, tránh tình trạng dịch chồng dịch.
UBND thành phố Đà Nẵng giao mục tiêu 100% xã, phường đồng loạt tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy với 100% hộ dân, nhà trọ, phòng trọ, khu đất trống...
Đồng thời duy trì 100% hộ gia đình trên địa bàn khu vực có nguy cơ cao được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy 1 tuần/lần; hộ gia đình tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng, bọ gậy cao được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy 2 tuần/lần.
TTO - Sở Y tế TP.HCM cho biết TP dự tính chia thành 3 tình huống để ứng phó với dịch sốt xuất huyết, đảm bảo sẵn sàng kích hoạt hệ thống điều trị, đáp ứng tình huống từ 2.000 đến 6.000 bệnh nhân.