Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố thông tin bất thường về việc góp vốn, mua cổ phần để sở hữu 98% vốn điều lệ Công ty cổ phần bảo hiểm OPES.
Cụ thể, VPBank đầu tư mua lại 47,850 triệu cổ phần (tương đương 87% vốn điều lệ) với giá mua 12.200 đồng/cổ phần. Tổng giá trị mua dự tính là 585 tỷ đồng. Sau khi nhận chuyển nhượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của VPBank tại OPES là 98%. Công ty bảo hiểm này trở thành công ty con của VPBank.
Trên thực tế, điều này không phải "bất ngờ" vì đã nằm trong kế hoạch và được thông qua trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông của VPBank vào dịp cuối tháng 4 vừa rồi.
Trích Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên Vpbank năm 2022
Cũng trong cuộc họp, có cổ đông đã thắc mắc về xung đột lợi ích khi VPBank mua lại công ty bảo hiểm OPES trong khi vẫn còn thời hạn hợp tác độc quyền với AIA
Hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền giữa Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (AIA Việt Nam) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) kéo dài 15 năm và mới được giao kết vào ngày 23/10/2017.
Thắc mắc này đã được lãnh đạo của Vpbank giải đáp ngay trong cuộc họp ĐHCĐ. Trên thực tế việc mua lại nắm quyền kiểm soát của bảo hiểm OPES không ảnh hưởng gì tới hợp tác với AIA, bởi vì OPES là công ty bảo hiểm phi nhân thọ, khác biệt với mảng bảo hiểm nhân thọ mà VPBank đang hợp tác với AIA.
Bảo hiểm phi nhân thọ là sản phẩm bảo hiểm tự nguyện hướng tới con người và các đối tượng liên quan đến con người, như tai nạn, sức khỏe, hàng hóa, nhằm đảm bảo cho các rủi ro đó. Thường có các loại bảo hiểm phi nhân thọ như:
- Bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người: Là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật, tai nạn, ốm đau, bệnh tật, tử vong thì doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
- Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh: Là sản phẩm bảo hiểm cho những rủi ro về tài sản trong quá trình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
- Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại: Là sản phẩm bảo hiểm cho tài sản gồm vật có thực, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản.
- Bảo hiểm hàng không: Là bảo hiểm dành cho hoạt động của máy bay và những rủi ro trong khi vận chuyển bằng đường hàng không (bao gồm hàng hóa và con người).
- Bảo hiểm xe cơ giới: Là bảo hiểm dành cho xe cơ giới bồi thường cho chủ xe khi không may xảy ra rủi ro về con người, chiếc xe hoặc hàng hóa trên xe.
- Bảo hiểm cháy, nổ: Là sản phẩm bồi thường cho các thiệt hại xảy ra về tài sản của người tham gia bảo hiểm khi không may xảy ra cháy, nổ.
- Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt, đường hàng không: Là sản phẩm bảo hiểm bồi thường cho rủi ro của các loại hàng hóa trong quá trình được vận chuyển.
- Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu: Là bảo hiểm bồi thường cho các thiệt hại đối với thân tàu và các rủi ro mà chủ tàu phải chi trả với thiệt hại của người thứ ba do quá trình hoạt động của tàu, thuyền gây ra.
- Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính: Là bảo hiểm đảm bảo cho những khoản vay tại ngân hàng khi không may gặp rủi ro bất ngờ mà không trả được nợ
Lãnh đạo ngân hàng VPBank cũng cho biết việc mua công ty bảo hiểm OPES và công ty chứng khoán ASC nằm trong chiến lược của ngân hàng. VPBank đang có xu hướng trở thành mô hình tập đoàn tài chính. Các hoạt động bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ hay chứng khoán là những mảnh ghép cần thiết cho mô hình tập đoàn trong hệ sinh thái.
Với các ngân hàng nói chung khi tài trợ các khoản vay mua nhà, mua xe,... thì các gói bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm thân vỏ,... luôn là yêu cầu bắt buộc vì vậy có thể nhìn thấy ngay lợi ích của "mảnh ghép" OPES trong hệ sinh thái gắn với VPBank.
Nhiều ngân hàng đã sở hữu công ty con là doanh nghiệp bảo hiểm như BIDV có Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), Vietinbank có Công ty TNHH MTV Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VBI), Agribank có Công ty cổ phần bảo hiểm nông nghiệp (ABIC), MBBank có Tổng công ty CP bảo hiểm Quân Đội (MIC),...
Cũng trong cuộc họp ĐHĐCĐ, khi được cổ đông hỏi có ý định IPO hai công ty con mới mua là công ty bảo hiểm OPES và chứng khoán ASC không, Chủ tịch Ngô Chí Dũng đã trả lời: "Việc IPO hay không, phải theo mục tiêu IPO để làm gì. Trước mắt, chúng ta phải vận hành hai công ty cho tốt để hoàn thành sức mệnh trong tập đoàn tài chính VPBank. Việc bán vốn cho đối tác khác không loại trừ, nhưng tôi không nhìn thấy trong tương lai gần 1, 2 năm tới".
http://tintuc.vdong.vn/07/1431469.htmTrọng Nghĩa
Theo Nhịp Sống Kinh Tế