Chiều 18/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hội nghị nhằm đánh giá công tác nửa đầu năm 2022 để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời xác định những vấn đề lớn đặt ra cho 6 tháng cuối năm trước những biến động khó lường, phức tạp trên thế giới cũng như trong nước.
Theo ông Dũng khối lượng công việc rất lớn, nhiều vấn đề mới, phức tạp đòi hỏi năng lực tốt hơn mới có thể đáp ứng được yêu cầu trong thời gian tới.
"Phải nhanh hơn, tư duy mới hơn trong cả cách tiếp cận cũng như giải quyết từng vấn đề, đặc biệt là những vấn đề hệ trọng của đất nước, quyết định đến tương lai của nền kinh tế", ông Dũng nhấn mạnh.
Về công việc 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng sự thay đổi và biến động rất nhanh, khó lường, phức tạp của thế giới, khu vực cũng như trong nước.
"Trước những chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có rất nhiều điểm mới, đòi hỏi chúng ta phải nhanh hơn, nỗ lực hơn, quyết tâm cao hơn mới đáp ứng được yêu cầu", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khối lượng công việc từ giờ đến cuối năm rất lớn, Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 chưa triển khai được bao nhiêu, chưa ra được danh mục chương trình dự án để báo cáo Quốc hội, để triển khai dù các đơn vị hết sức cố gắng, lãnh đạo Bộ quyết liệt.
Ngoài ra theo ông Dũng, trong năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hoàn thành được quy hoạch tổng thể quốc gia. Đây là vấn đề hệ trọng của đất nước bởi quy hoạch tổng thể quốc gia có vai trò dẫn dắt, quyết định đến nền kinh tế, sự phát triển của đất nước. Đây cũng là cơ sở để triển khai quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, tỉnh…
Không được hài lòng, bảo thủ
Liên quan đến công tác đầu tư công, theo ông Dũng dù đã điều chỉnh luật pháp cùng rất nhiều giải pháp đi kèm những vẫn "tắc", vẫn chậm.
Số liệu cho thấy đến cuối tháng 6, giải ngân vốn đầu tư công chỉ ước đạt gần 28% kế hoạch năm Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là 485.924 tỷ đồng, đạt 93,8% số vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.
Đến cuối tháng 6, giải ngân vốn đầu tư công chỉ ước đạt gần 28% kế hoạch năm (Ảnh minh họa)
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện của các bộ ngành và các địa phương, nằm ở khâu chuẩn bị hồ sơ, nằm ở việc lựa chọn nhà thầu, năng lực nhà thầu... Cùng với đó là những vấn đề mới như giá cả nguyên vật liệu tăng cao.
Đâu là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt câu hỏi trong việc chậm triển khai vốn đầu tư công.
"Liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, chúng ta không được bảo thủ, không được hài lòng với hiện tại, kể cả Luật Đấu thầu. Nếu chỉ 1 lần thì là cá biệt, nhưng lặp đi lặp lại 2, 3 lần trở lên thì là vấn đề. Nếu hiểu là có vấn đề thì phải nghiêm túc xem lại hệ thống pháp luật, chính sách", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
"Kể cả trong đầu thầu, chúng ta nói là không còn gì vướng mắc nhưng trên thực tế vẫn đang còn, và lần này chúng ta phải sửa đổi", ông Dũng dẫn chứng thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!