vĐồng tin tức tài chính 365

XỨNG DANH 16 CHỮ VÀNG

2022-07-19 18:22

 

Đó là 16 chữ vàng: “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân quên thân phục vụ” Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tặng lực lượng Cảnh sát nhân dân tại Lễ kỷ niệm 30 năm (20/7/1962 - 20/7/1992) Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34 công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân, Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc hàm sỹ quan, hạ sỹ quan Cảnh sát nhân dân và cũng là Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Để được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận và tặng thưởng 16 chữ vàng cao quý ấy là hành trình gần nửa thế kỷ từ ngày những tổ chức đầu tiên của lực lượng Cảnh sát nhân dân ra đời cùng Công an nhân dân Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945 để bảo vệ Đảng và cách mạng, đặc biệt là sau 03 thập kỷ Bác Hồ ký sắc lệnh ban hành Pháp lệnh về Cảnh sát nhân dân. Trong quá trình gian khổ đó, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã mở nhiều chiến dịch truy quét tội phạm, tổ chức trấn áp, bài trừ các đối tượng lưu manh côn đồ, khắc phục tệ nạn xã hội, thực hiện các biện pháp hành chính quản lý hộ khẩu, kiểm tra quản lý vũ khí, bảo vệ vững chắc trật tự, trị an ở vùng căn cứ, các thành phố, thị xã và phối hợp với các lực lượng khác chiến đấu diệt địch, phá tề, bảo vệ an toàn các chiến dịch, góp phần vào thắng lợi của quân và dân ta trong giai đoạn 1945 - 1960. Những năm 60 - 90 của thế kỷ XX, lực lượng Cảnh sát nhân dân được xây dựng lớn mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh trấn áp bọn lưu manh chuyên nghiệp, khám phá các vụ tham ô, đầu cơ, buôn lậu, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân; phối hợp các lực lượng khác đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, truy bắt gián điệp biệt kích, phản động... góp phần giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ sự nghiệp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, chi viện cho chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với gần 3.000 cán bộ, chiến sĩ phối hợp lực lượng tại chỗ chiến đấu; tiếp quản, tổ chức quản lý hành chính, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hơn 15 năm sau là thời gian lực lượng Cảnh sát nhân dân sát cánh cùng các lực lượng vũ trang nhân dân chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; truy quét tàn quân ngụy, các tổ chức phản động, liên tiếp mở hàng chục đợt tấn công, trấn áp tội phạm trên toàn quốc; truy quét, bắt giữ hàng chục nghìn đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, triệt phá hàng nghìn băng ổ nhóm tội phạm, góp phần làm giảm hẳn tình hình tội phạm, lập lại một bước trật tự, kỷ cương xã hội.

Đồng chí Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Sao vàng tặng lực lượng Cảnh sát nhân dân, ngày 28/12/2003.


Thực tiễn công tác, chiến đấu 30 năm qua từ khi vinh dự được đón nhận 16 chữ vàng “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân, quên thân phục vụ” đã chứng minh lực lượng Cảnh sát nhân dân không ngừng gìn giữ, tăng cường bồi đắp, phát huy bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp, luôn xứng danh với 16 chữ vàng cao quý.

Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã thể hiện rõ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, trí tuệ trong công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, đường lối, chiến lược bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Điển hình đã tham mưu ban hành Chỉ thị số 48-CT/TW về phòng, chống tội phạm; Chỉ thị số 36-CT/TW về phòng, chống ma túy; Chỉ thị số 12, 21/CT-TTg về phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “tín dụng đen”; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Thi hành án hình sự; Luật Đặc xá; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Cư trú; Luật Căn cước công dân; Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Cảnh sát cơ động; Pháp lệnh Cảnh sát môi trường… Qua đó đã huy động, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm. Quá trình công tác, chiến đấu, lực lượng Cảnh sát nhân dân kịp thời đề xuất đối sách giải quyết các vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội như Chỉ thị 135 năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng về tấn công tội phạm, lập lại trật tự kỷ cương xã hội; đề xuất sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự tháo gỡ khó khăn cho công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong bối cảnh cấp bách phòng, chống dịch Covid-19... Đã tổ chức tốt công tác nghiệp vụ nắm tình hình, phát hiện và có hàng ngàn báo cáo Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phòng, chống tội phạm; đồng thời, kiến nghị các cấp, các ngành khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội, không để tội phạm lợi dụng hoạt động.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng lực lượng Cảnh sát nhân dân tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân, ngày 17/7/2022.


Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã chủ động nhận diện, phát hiện các đặc điểm đặc trưng của tội phạm trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là từ năm 2020 đến nay đã và đang có dấu hiệu hình thành một giai đoạn mới trong hoạt động của tội phạm với những đặc trưng gắn liền với yếu tố dịch Covid - hậu Covid, cách mạng 4.0 và áp lực lớn từ tình hình tội phạm bên ngoài, trên không gian mạng. Do sớm nhận diện, kịp thời phát hiện xu hướng của tội phạm, dự báo được tình hình và có các phương án, kế hoạch chủ động, phù hợp nên lực lượng Cảnh sát nhân dân đã phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm hiệu quả hơn. Với bản lĩnh, nghiệp vụ và tinh thần cách mạng tiến công, dũng cảm đương đầu với vô vàn khó khăn, thử thách, nguy hiểm, lực lượng Cảnh sát nhân dân liên tục, quyết liệt đấu tranh không khoan nhượng, sẵn sàng tuyên chiến với tội phạm, với cái xấu, cái tiêu cực, sai trái để bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, vì bình yên cuộc sống, bảo vệ vững chắc an ninh Tổ quốc. Đã xác lập, đấu tranh thắng lợi hàng trăm nghìn chuyên án trấn áp tội phạm lưu manh chuyên nghiệp, trộm cắp, cướp giật, đầu cơ, trục lợi, buôn lậu, ma túy, truy quét các tệ nạn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân; triệt xóa các đường dây, tổ chức tội phạm, điều tra khám phá hàng vạn vụ phạm tội về trật tự xã hội, kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, ma túy; sử dụng biện pháp vũ trang tiêu diệt tội phạm ma túy có vũ trang vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào khu vực biên giới và tiêu diệt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy dựng bongke cố thủ... Quá trình đấu tranh trực tiếp, trực diện với tội phạm, lực lượng Cảnh sát nhân dân thể hiện bản lĩnh, tinh nhuệ về lực lượng, phương tiện, tinh thông, sắc bén về nghiệp vụ, pháp luật, đấu trí với tội phạm và giành thắng lợi hoàn toàn. Qua đó đã hun đúc nên truyền thống, đúc kết thành những “cách đánh”, kinh nghiệm hay, bài học quý thể hiện sự sáng tạo, mưu trí, dũng cảm của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đó là chủ động, nhận diện, phát hiện đầu mối xác lập chuyên án, khởi tố vụ án; xác định trọng điểm, khâu đột phá đánh đúng, đánh trúng các đường dây, băng nhóm, tổ chức, đối tượng phạm tội về hình sự, kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, ma túy, môi trường, công nghệ cao, tạo lan tỏa “xử lý một vụ răn đe, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, “đánh cả đường dây, không đánh khúc giữa, bắt được đối tượng cầm đầu”. Điển hình là lực lượng Cảnh sát nhân dân chủ công phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu lớn theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo được nhiều dấu ấn rõ nét, được Đảng, Nhà nước đánh giá là “điểm sáng” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện đồng bộ mục tiêu “chặn cung”, “giảm cầu” và “giảm tác hại” của ma túy. Trong đó, đã đấu tranh triệt phá hàng trăm đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn xuyên quốc gia, thu giữ số lượng ma túy đặc biệt lớn; triển khai ngăn chặn ma túy từ xa, hạn chế ma túy thẩm lậu vào trong nước, không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ ba…

Trong phòng ngừa tội phạm, lực lượng Cảnh sát nhân dân rất nhân văn với mục tiêu hàng đầu “lấy dân làm gốc”, “chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”, lấy chủ động phòng ngừa là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài để mỗi năm kéo giảm 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm cháy, nổ, tai nạn giao thông, giảm các hành vi mang tính bạo lực trong xã hội; cảm hóa các trường hợp có nguy cơ phạm tội tại địa bàn cơ sở; chủ động phát hiện, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, ngăn ngừa không để phát sinh thành vụ việc, vụ án. Trong điều tra, xử lý tội phạm, lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn quán triệt mục tiêu bảo vệ Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, thượng tôn pháp luật, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân theo Hiến pháp và pháp luật; luôn đề cao và phát huy tính “nhân văn”, hết sức thận trọng, rất trách nhiệm, “đúng lý, hợp tình” vì hoạt động điều tra, xử lý tội phạm liên quan trực tiếp sinh mệnh chính trị của tổ chức, công dân. Trong từng chuyên án, vụ án đã mưu trí điều tra, áp dụng đối sách và các biện pháp đấu tranh, phân hóa trách nhiệm từng bị can để áp dụng chính sách hình sự phù hợp, đúng pháp luật, các hoạt động điều tra đồng thời hướng đến cảm hóa giáo dục, làm giảm thái độ ngoan cố, chống đối để “lập công chuộc tội”, không phải bắt, xử lý nhiều mà vẫn mang lại hiệu quả răn đe, phòng ngừa cao. Nhiều chuyên án, vụ án lớn điển hình của lực lượng Cảnh sát nhân dân được tuyên truyền, chuyển tải thành các tác phẩm văn học, nghệ thuật, sân khấu, điện ảnh, ấn phẩm văn hóa có giá trị lâu dài; nhiều bộ phim, ca khúc về hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, về đề tài đấu tranh chống tội phạm đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng (như bộ phim “Cảnh sát hình sự”, ca khúc “Từ một ngã tư đường phố”...), minh chứng sâu đậm hơn cho lòng quả cảm, sự mưu trí, tính nhân văn trong công tác, chiến đấu và cũng rất văn hóa, đời thường của người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân.

Đó là tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo của lực lượng Cảnh sát nhân dân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước và nhân dân. Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã gương mẫu đi đầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý cư trú, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện… giảm thủ tục hành chính phiền hà tiêu cực, phục vụ tối đa người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nổi bật là lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tiên phong chuyển đổi số, quyết liệt, thần tốc hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động 02 dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước tới nay là Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí. Đã hoàn thành thu thập thông tin dân cư trên cả nước và trong thời gian ngắn thực hiện thắng lợi chiến dịch cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử cho công dân (đến nay đã cấp hơn 65 triệu thẻ); hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đang ngày đêm tiếp tục bổ sung, cập nhật và vận hành hệ thống đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Đây là 02 dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Do đó, để tiếp tục phát huy những lợi ích, hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030, kèm theo là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Đề án 06 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia một cách quyết liệt, thống nhất, đồng bộ, đổi mới, sáng tạo, lấy người dân làm trung tâm, trong đó tập trung ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào 05 nhiệm vụ cụ thể gồm: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Lực lượng Cảnh sát nhân dân cũng chủ trì đề xuất và triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, đặc biệt là tổ chức đăng ký phương tiện ô tô tại cấp huyện, mô tô tại cấp xã, tạo nhiều điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí, thủ tục hành chính, an toàn đi lại cho người dân và doanh nghiệp. Lực lượng Cảnh sát nhân dân xác định tăng cường ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ vào công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ an sinh xã hội và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ngành Công an tạo lan tỏa rộng rãi đến các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội, coi đây là một trong những trụ cột của xây dựng cấu trúc an ninh, trật tự số, công tác quản trị xã hội điện tử, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân, ngày 17/7/2022.


Lực lượng Cảnh sát nhân dân chủ trì, phối hợp các cấp, các ngành dày công nghiên cứu, đề xuất ban hành và tổ chức thực hiện rất nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Do đó, số vụ cháy, nổ, tai nạn giao thông đang có xu hướng giảm dần; cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân luôn thường trực tiếp nhận thông tin, dũng cảm lao vào hiểm nguy để cứu hộ, cứu nạn nhân dân, tài sản, phương tiện trong thiên tai, tai nạn, dịch bệnh, hỏa hoạn. Công tác quản lý giam, giữ, thi hành án hình sự được đổi mới trên cơ sở pháp luật, chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước, đề cao yêu cầu giáo dục, hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng trở thành người có ích cho gia đình, xã hội; thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và tinh thần vị tha, khoan dung, tôn trọng giá trị nhân phẩm con người, tính nhân văn trong công tác của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Trong công tác hợp tác quốc tế, lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn quán triệt thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, giữ vững thế chủ động chiến lược, bảo đảm tốt an ninh, lợi ích quốc gia; đã ký kết tham gia gần 200 hiệp định, điều ước quốc tế song phương, đa phương; tham gia bảo hộ, bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài và phối hợp phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài liên quan Việt Nam, thực hiện hiệu quả các yêu cầu phối hợp tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù. Chú trọng đổi mới các mặt công tác, tăng cường khoa học dự báo, ứng dụng công nghệ, nghiên cứu tổng kết thực tiễn, bổ sung hoàn thiện lý luận, “nghệ thuật” đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đã chủ động phối hợp lực lượng chức năng, các bộ, ngành tư vấn, hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ phục vụ phòng, chống tội phạm; đồng thời, triển khai các giải pháp phối hợp các ngành phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trong các lĩnh vực chuyên ngành liên quan. Qua đó đã từng bước chuyển hướng, chuyển trạng thái ứng dụng công nghệ hiện đại trên nền tảng công tác nghiệp vụ truyền thống, phát huy và kết hợp các yếu tố, nguồn lực trong - ngoài để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm từ sớm, từ xa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ.

Lực lượng Cảnh sát nhân dân hiện nay được bố trí đầy đủ theo mô hình Công an 04 cấp “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” với các lực lượng, đơn vị chuyên sâu, chuyên trách theo hướng tinh, gọn, mạnh: Cảnh sát điều tra; Cảnh sát môi trường; Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cảnh sát giao thông; Kỹ thuật hình sự; Cảnh sát quản lý, thi hành án hình sự; Cảnh sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; Cảnh sát cơ động. Chỉ riêng từ năm 2018 đến nay, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đã được tăng cường cho đơn vị trực tiếp chiến đấu, đặc biệt là cho cơ sở, đảm bảo gần dân, chủ động tìm đến với dân, “lúc dân cần, lúc dân khó có Công an”. Lực lượng Cảnh sát nhân dân tăng cường cơ sở đã tạo ra một “làn gió mới” trong công tác dân vận, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, trật tự. Đặc biệt, cùng với toàn lực lượng Công an nhân dân, Cảnh sát nhân dân có nhiều đóng góp quan trọng, là một trong những lực lượng tuyến đầu thật sự trở thành “Lá chắn thép phòng, chống dịch Covid-19, Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc không quản ngại khó khăn tham gia các chốt kiểm dịch, phối hợp thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để truy vết, khoanh vùng, dập dịch; đồng thời linh hoạt chuyển trạng thái vừa phòng, chống dịch, giúp đỡ nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, vừa tấn công, trấn áp tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, không để tội phạm lợi dụng dịch bệnh hoạt động lộng hành, xứng đáng là “lá chắn bình yên” của mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội để cùng cả nước từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Qua đó càng tô thắm thêm bản chất tốt đẹp, cao quý của người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình”.


Trải qua quá trình cách mạng của Đảng và dân tộc cũng như các giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ an ninh Tổ quốc, dù luôn phải đối mặt với khó khăn, thử thách, công tác trong môi trường phức tạp, thường xuyên phải tiếp xúc với mặt trái của xã hội với nhiều tiêu cực, cám dỗ, tội phạm và vi phạm pháp luật xảy ra hằng ngày, hằng giờ, song lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn thể hiện rõ bản lĩnh, mưu trí, dũng cảm, tuyệt đối trung thành và tinh thần nhiệt huyết cách mạng sẵn sàng hiến thân, cống hiến cho Đảng, Nhà nước, tận tâm, tận tụy phục vụ Nhân dân. Trong cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt và vô cùng phức tạp với tội phạm, chỉ tính riêng trong thời kỳ đổi mới đến nay đã có gần 200 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân anh dũng hy sinh, được công nhận là liệt sĩ và hơn 1.000 đồng chí bị thương hoặc phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ. Ghi nhận những cống hiến và đóng góp to lớn đó, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng toàn lực lượng Cảnh sát nhân dân 01 Huân chương Sao vàng, 04 Huân chương Hồ Chí Minh, hàng trăm tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Bối cảnh tình hình hiện nay đã và đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao với lực lượng Cảnh sát nhân dân để có thể tiếp tục giữ vững, tăng cường phẩm chất, phát huy truyền thống, xứng danh “mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân quên thân phục vụ”. Trong đó, tội phạm xuất hiện và hoạt động đa dạng với nhiều yếu tố “phi truyền thống” dưới tác động của toàn cầu hóa, cách mạng 4.0 và sự phát triển kinh tế - xã hội. Trật tự, an toàn xã hội đứng trước những thách thức không nhỏ. Kỳ vọng và lòng tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với lực lượng Công an nhân dân, Cảnh sát nhân dân cao hơn, nhiều hơn. Những dấu mốc quan trọng của đất nước ta trong những thập niên sắp tới (năm 2025, 2030, 2045) đòi hỏi vai trò, trách nhiệm cao của lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng là “thanh bảo kiếm sắc bén”, “lá chắn thép vững chắc” giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển bền vững. Để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đạt được những mục tiêu quan trọng này, trước hết, lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng phải luôn luôn quán triệt sâu sắc nhận thức, khắc sâu ghi nhớ và dành toàn tâm, toàn lực để bảo vệ Đảng, Nhà nước, sẵn sàng cống hiến, hy sinh “chỉ biết còn Đảng thì còn mình”, “danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “lấy dân làm gốc”, thật sự dựa vào nhân dân để công tác và chiến đấu thắng lợi. Bảo vệ, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát nhân dân và sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đổi mới tư duy, biện pháp công tác, kết hợp chặt chẽ giữa “truyền thống” và “hiện đại”; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các lực lượng và hợp tác quốc tế để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ tham mưu với Đảng, Nhà nước; trực tiếp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm từ sớm, từ xa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự gắn kết chặt chẽ với quản lý kinh tế - xã hội, quản trị quốc gia trong chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Chú trọng, tăng cường xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Cảnh sát nhân dân toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị, 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân...

Nhiều tấm gương của lực lượng Cảnh sát nhân dân đương đại được vinh danh tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân, ngày 17/7/2022.


30 năm sau ngày lực lượng Cảnh sát nhân dân đón nhận 16 chữ vàng “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân quên thân phục vụ”, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (20/7/1962 - 20/7/2022), rất ý nghĩa và càng vinh dự, tự hào hơn khi lực lượng Cảnh sát nhân dân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý. Đó chính là sự ghi nhận, khẳng định của Đảng, Nhà nước đối với vô vàn cống hiến, đóng góp to lớn của lực lượng Cảnh sát nhân dân vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chứng tỏ truyền thống “mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân quên thân phục vụ” tiếp tục là kim chỉ nam trong mọi hoạt động, công tác, chiến đấu của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Toàn lực lượng phát huy kết quả và truyền thống vẻ vang, tiếp tục đoàn kết đồng lòng, quyết tâm cao, trách nhiệm lớn, xây dựng lực lượng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, nòng cốt trong sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn tới./.

 

 

Xem thêm: 20423=DImetI?lmth.2-ob-auc-gnod-taoh-nit/na-gnoc-gnoul-cul-auc-gnod-taoh/neik-us-cut-nit/nv.vog.nagnocob

Comments:0 | Tags:No Tag

“XỨNG DANH 16 CHỮ VÀNG”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools