Người dân trình báo bị lừa "việc nhẹ lương cao" với Công an huyện Lục Ngạn, Bắc Giang - Ảnh: Công an cung cấp
Theo ông Trần Ngọc Túy, cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), để phòng chống buôn người, cơ quan chức năng, địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, giáp biên. Đơn cử như tại các tỉnh giáp biên như An Giang, Long An, Lào Cai... có tình trạng người dân vượt biên tự do để tìm việc làm.
Do người dân những nơi này thường bươn chải, lao động kiếm sống nhưng thu nhập không cao nên rất dễ bị các đối tượng buôn bán người dụ dỗ, lừa bán với mức lương hứa hẹn.
Vị này cho hay trước khi có quy chế phối hợp liên ngành, công tác phối hợp tương đối rời rạc, việc của đơn vị nào đơn vị đó làm theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Từ nay, nạn nhân bị mua bán được tiếp cận đồng thời nhiều chính sách như tâm lý, sinh lý, pháp lý.
"Các sở có thể ký kết quy chế phối hợp hoặc đề xuất chủ tịch UBND tỉnh một cơ chế chung trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người", ông Túy nêu.
Ông Túy nói thêm việc hỗ trợ nạn nhân buôn người đã được quy định rõ trong luật, tuy nhiên trường hợp phụ nữ bị buôn bán để phục vụ tình dục thì thực tế phát sinh vấn đề. Chẳng hạn, nhiều đồn biên phòng 100% là nam giới nên nạn nhân đang khủng hoảng tâm lý, rất khó chia sẻ câu chuyện bản thân, do đó cần cán bộ ngành lao động - thương binh và xã hội hoặc công an tiếp cận, xử lý.
Thực tế các đường dây lừa đảo, lợi dụng tâm lý tìm việc nhanh chóng, lương thưởng hậu hĩnh của người lao động để lừa bán ra nước ngoài làm 'việc nhẹ lương cao' nhưng thực chất là lao động cưỡng bức, bóc lột.
Theo quy chế liên bộ, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo bộ đội biên phòng, cảnh sát biển thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, bố trí chỗ ở tạm thời cho nạn nhân bị mua bán tự đến trình báo hoặc do cơ quan biên phòng, cảnh sát biển giải cứu hoặc phát hiện tại khu vực biên giới, hải đảo, trên biển.
Trường hợp không đủ điều kiện bố trí ăn, ở cho nạn nhân thì phối hợp với phòng lao động - thương binh và xã hội cấp huyện để chuyển tuyến nạn nhân vào cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí về nước cho nạn nhân bị mua bán, đồng thời áp dụng các biện pháp bảo hộ công dân theo quy định hiện hành.
Tại lễ ký quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người giữa bốn bộ Lao động - thương binh và xã hội, Công an, Ngoại giao, Quốc phòng, ngày 19-7, thượng tướng Trần Quốc Tỏ - thứ trưởng Bộ Công an - cho biết địa bàn xảy ra mua bán người có thể ngay ở đô thị, nông thôn chứ không riêng gì vùng biên giáp ranh các nước, vùng hẻo lánh.
Phương thức của tội phạm mua bán người là núp bóng, trá hình, tinh vi, trực tiếp hoặc gián tiếp qua trung gian hoặc không gian mạng; câu kết chặt chẽ giữa người mua - người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia, quốc tế.
"Về hình thức, các đối tượng núp bóng dưới dạng cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài, đẻ thuê, cho hoặc hiến tạng, xuất khẩu lao động, di cư bất hợp pháp và kể cả hợp pháp, đi ra nước ngoài để tham quan, du lịch, chữa bệnh…", thượng tướng Trần Quốc Tỏ nêu.
Ông Tỏ cho biết nạn nhân bị bán ra nước ngoài chủ yếu là sang các nước chung đường biên với Việt Nam (80%), số còn lại sang các nước bằng đường bộ, đường không, đường biển nên công tác phát hiện mua bán người khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia.
TTO - 'Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí về nước cho nạn nhân bị mua bán; áp dụng các biện pháp bảo hộ công dân theo quy định hiện hành'.