Chính quyền Philippines muốn phát triển hệ thống đường sắt từ các khoản vay của Trung Quốc - Ảnh: SCMP
Cuối tuần trước, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã yêu cầu Bộ Giao thông nước này đàm phán lại các thỏa thuận vay từ thời người tiền nhiệm Rodrigo Duterte cho các dự án đường sắt tại nước này.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Cesar Chavez cho biết các khoản vay hỗ trợ phát triển này trước đó đã bị hủy sau khi phía Trung Quốc không thực hiện theo thỏa thuận, theo Hãng tin Reuters. Tổng trị giá khoản vay là 4,9 tỉ USD.
Các dự án được nhắc tới bao gồm dự án đường sắt Subic-Clark, dự án đường sắt đường dài quốc gia miền nam Philippines và đoạn Davao-Digos của dự án đường sắt Mindanao.
Theo ông Chavez, chính quyền Philippines cũng đang cân nhắc các lựa chọn khác như hợp tác công - tư.
Tính đến năm 2016, Philippines chỉ có 77km đường sắt hoạt động, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Manila đã bắt đầu đàm phán các dự án đường sắt với Trung Quốc từ năm 2018, khi chính quyền ông Duterte muốn thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh, gạt qua một bên các tranh cãi về chủ quyền trên Biển Đông để đổi lấy hàng tỉ USD đầu tư. Tuy nhiên, nhiều dự án sau đó đã bị hủy.
Sau khi lên nắm quyền, ông Marcos khẳng định sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia nhưng cũng nói rằng cần hợp tác với Trung Quốc trong những lĩnh vực khác.
Phía Trung Quốc đã tuyên bố hoan nghênh quyết định của tổng thống Philippines và cam kết sẽ giải quyết các bất đồng để tăng cường hợp tác về hạ tầng, nông nghiệp, năng lượng, trao đổi văn hóa.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại nguy cơ từ các khoản vay này trong bối cảnh hiện nay. Truyền thông địa phương dẫn lời ông Sonny Dominguez - bộ trưởng tài chính dưới thời ông Duterte - cho rằng Bắc Kinh có thể tính lãi suất hơn 3% cho khoản vay, cao hơn rất nhiều so với lãi suất 0,1% vay của Nhật Bản trong các dự án đường sắt khác.
Báo South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Pang Zhongying, thuộc Đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc, cho rằng các dự án hạ tầng của Trung Quốc có nguy cơ không mang lại lợi nhuận, điển hình như ở Sri Lanka, quốc gia vừa tuyên bố phá sản.
Các công ty nhà nước của Trung Quốc đã mở rộng các khoản vay để xây dựng cảng quốc tế Hambantota và sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa nổi tiếng của đất nước, nhưng các dự án này bất ổn trong tình hình khủng hoảng tài chính và chính trị của Sri Lanka.
Ông Pang cho rằng các dự án của Trung Quốc tại Philippines có thể làm tăng nguy cơ và tạo ra hiệu ứng domino khi khủng hoảng nợ biến thành khủng hoảng kinh tế.
TTO - Tỉnh Cavite của Philippines hủy quyết định trao dự án xây dựng sân bay trị giá 10 tỉ USD cho liên doanh công ty trong nước với công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt năm 2020 do liên quan việc xây dựng trên Biển Đông.