Bộ GTVT cho biết cả nước hiện có 1.163 km đường bộ cao tốc. Dự kiến đến năm 2023, ngành giao thông sẽ nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc lên hơn 2.000 km. Đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 3.000 km và năm 2030 là 5.000 km.
Để hoàn thành mục tiêu trên, ngành giao thông đang ráo riết thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Cạnh đó, Bộ GTVT và các địa phương đang chuẩn bị các phương án để khởi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 vào cuối năm nay.
Đường huyết mạch đang ách tắc
Ám ảnh về những lần “chôn chân” trên đường do kẹt xe, anh Ngọc Huy (ngụ TP.HCM) cho biết do quá tải, các tuyến đường huyết mạch phía Nam hầu như đều bị tắc nghẽn, thậm chí không phải cuối tuần hay lễ, tết cũng ùn ứ. Trong khi đó, cao tốc ở khu vực phía Nam hiện nay rất ít và cũng rơi vào tình trạng tắc nghẽn thường xuyên, thậm chí nhiều người gọi cao tốc là “thấp tốc”.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện nay là một minh chứng điển hình cho vấn đề trên. “Di chuyển trên cao tốc mà chậm như đi bộ là có thật. Đây cũng là nỗi ám ảnh của các tài xế khi lưu thông qua cao tốc này” - anh Huy nói.
Bà Phạm Thị Mỹ Hồng (chủ một doanh nghiệp ở Hậu Giang) chia sẻ: “Lâu nay các địa phương ở ĐBSCL muốn vận chuyển hàng hóa đi TP.HCM, Hà Nội... đều phụ thuộc vào các tuyến quốc lộ. Việc đầu tư hệ thống cao tốc đi qua các tỉnh vừa phá thế độc đạo trong vận chuyển hành khách, lưu thông hàng hóa, vừa góp phần giảm tải giao thông cho các tuyến quốc lộ”.
Với cương vị là chủ tịch Hiệp hội Xe khách TP.HCM, ông Lê Trung Tính nhận định đường huyết mạch bị tắc dẫn đến nhiều hệ lụy. Các phương tiện mất thời gian di chuyển, tăng chi phí đi lại của các đơn vị vận tải cũng như hành khách.
“Việc cơ quan chức năng cần làm là đẩy nhanh tiến độ các dự án thuộc hệ thống cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đang được đầu tư và giai đoạn 2 chuẩn bị đầu tư” - ông Tính nhận định.
Đang làm nhiều cao tốc để hoàn thiện hệ thống giao thông
Trước thực trạng trên, Chính phủ, Bộ GTVT và các tỉnh, thành rất quyết tâm và ưu tiên cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.
Theo đó, những năm gần đây, hàng loạt dự án cao tốc và các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã được khởi công, hứa hẹn sẽ giải quyết ách tắc cho giao thông phía Nam và tạo sự thông suốt, liền mạch cho hành trình di chuyển từ Bắc vào Nam.
Sơ đồ khớp nối cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Đồ họa: HỒ TRANG |
Biểu đồ tỉ lệ hoàn thành các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. |
Điển hình tại khu vực phía Đông Nam bộ, Chính phủ, Bộ GTVT đã chú trọng đầu tư mở rộng, xây mới các tuyến cao tốc kết nối cả miền Trung và miền Tây.
Cụ thể, hướng về phía Nam Trung bộ, ngành giao thông đang thực hiện dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và các công trình cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 như Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Cam Lâm, Cam Lâm - Nha Trang. Khi các dự án này hoàn thành, thời gian di chuyển từ TP.HCM đến duyên hải Nam Trung bộ chỉ còn hơn 3 giờ đồng hồ.
Hướng về Tây Nam bộ, ngành giao thông đã nỗ lực hoàn thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Cạnh đó, dự án cầu Mỹ Thuận 2 của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 cũng đang trên đà về đích, giúp gỡ bế tắc từ Tiền Giang sang Vĩnh Long.
Để thúc đẩy tiến độ các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu các đơn vị trong năm 2022 phải tập trung mọi nguồn lực để vừa đẩy nhanh tiến độ thi công vừa bảo đảm chất lượng các dự án.
Khớp nối hai giai đoạn để có hơn 2.000 km cao tốc
Theo quy hoạch, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông dài 2.063 km, đến nay đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km (giai đoạn 1), còn lại 724 km (giai đoạn 2) chưa khởi công.
Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (triển khai khởi công năm 2019) có 11 dự án thành phần. Cụ thể, các dự án này gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2.
Dự kiến cuối năm 2022, ngành giao thông sẽ hoàn thành các dự án thành phần quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, cầu Mỹ Thuận 2, Nha Trang - Cam Lâm. Năm 2024, hoàn thành hai dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Đối với giai đoạn 2 gồm ba đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Ba đoạn này được chia làm 12 dự án thành phần, vận hành độc lập, gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.
Bộ GTVT cho biết ngay sau khi phê duyệt dự án đầu tư, bộ sẽ tổ chức triển khai lập thiết kế kỹ thuật các gói thầu xây lắp và triển khai các công việc có liên quan để khởi công trước ngày 31-12-2022.
Khi khớp nối các dự án thành phần cả hai giai đoạn sẽ hình thành một trục cao tốc xuyên suốt từ Bắc vào Nam và ngược lại. Vì vậy, Bộ GTVT cho biết việc nối liền cao tốc Bắc - Nam là trọng trách lớn của Bộ GTVT và các địa phương để cơ bản hoàn thành toàn bộ các dự án vào năm 2025.•
Sẽ rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1
Bộ GTVT nhìn nhận trong quá trình triển khai thực hiện, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện dự án. Những khó khăn điển hình như công tác giải phóng mặt bằng còn chậm; thiếu hụt nguồn vật liệu thi công, nhất là vật liệu đất đắp nền đường; khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng cho các dự án PPP.
Công nhân thi công tại công trường cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1). Ảnh: ĐẮC LAM |
Từ quá trình triển khai trong giai đoạn 1, Bộ GTVT cho biết đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để khởi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đúng tiến độ và hoàn thành đúng kế hoạch.