Làn ETC tại trạm thu phí Pháp Vân (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) luôn thông thoáng trong dịp Tết Nguyên đán 2022 - Ảnh: HÀ QUÂN
Nghiên cứu phương án dán thẻ định danh là thủ tục bắt buộc khi đăng kiểm ô tô
Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành Chỉ thị của Thủ tướng về đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng, trong đó yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phương án dán thẻ định danh là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Nghiên cứu mở kênh giao tiếp điện tử và số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của hệ thống thu phí ETC.
Yêu cầu chủ xe và người điều khiển xe khẩn trương thực hiện dán thẻ định danh đối với xe và thực hiện đầy đủ điều kiện để tham gia dịch vụ thu phí ETC; không điều khiển phương tiện chưa đủ điều kiện tham gia dịch vụ thu phí ETC lưu thông vào các làn thu phí ETC gây ách tắc giao thông.
Nhận hàng ký gửi phải cung cấp họ, tên, số điện thoại người gửi và người nhận
Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Nghị định số 47 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Nghị định có một số điểm đáng chú ý như:
- Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.
- Không sử dụng ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2022.
Tổng rà soát, xử lý biển báo giao thông ‘núp lùm’
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát và có phương án mé nhánh các cây xanh che khuất hệ thống báo hiệu giao thông trên các tuyến đường.
Các biển báo giao thông cũ mờ, bị nhánh cây che sẽ được Sở GTVT TP.HCM rà soát thay thế trong thời gian tới - Ảnh: LƯU DUYÊN
Đề nghị Sở Xây dựng, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các công việc trên để đảm bảo tầm nhìn cho người tham gia giao thông.
Giao Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ thường xuyên tăng cường, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát và khắc phục ngay các biển báo mờ, biển báo bị dán tờ rơi, treo thông tin quảng cáo, biển báo bị che khuất hoặc vị trí lắp đặt không phù hợp…
TP.HCM chuẩn bị khởi công ba công trình trọng điểm
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM hiện các cơ quan liên quan đang tập trung hoàn thành các thủ tục để cuối năm nay sẽ lần lượt khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm.
Mở rộng Quốc lộ 50 là một trong những dự án trọng điểm đang được TP.HCM hoàn thành các thủ tục để khởi công vào quý IV năm nay - Ảnh: LÊ ĐỨC
Đó là các dự án :
- Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa;
- Quốc lộ 50
- Nút giao thông An Phú.
Dự kiến hoàn thành 15 gói thầu, dự án khác đang làm dang dở như:
- Xây dựng mưới cầu Bưng,
- Nâng cấp cải tạo đường và kênh Nước Đen (đoạn từ giáp cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương, quận Bình Tân),
- Hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 khu đô thị mới Thủ Thiêm,
- Cầu vượt trước bến xe miền Đông mới.
- Sửa chữa, cải tạo tỉnh lộ 9.
Triển lãm quốc tế về công nghệ, thiết bị điện - VIETNAM ETE và sản phẩm tiết kiệm năng lượng, năng lượng xanh - ENERTEC EXPO 2022
Từ ngày 20 đến 22-7, Triển lãm quốc tế VIETNAM ETE và ENERTEC EXPO 2022 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP.HCM.
Triển lãm thu hút gần 500 gian hàng của khoảng 300 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Các hoạt động xuyên suốt tại sự kiện như: chương trình "Kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp"; hội thảo chủ đề "Giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" do Sở Công Thương TP.HCM và dự án hỗ trợ kỹ thuật phân tán năng lượng Việt Nam phối hợp tổ chức.
Ngoài ra còn có các hội thảo kỹ thuật do Hiệp hội điện Hàn Quốc - KOEMA, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc - KEPCO chủ trì thực hiện luân phiên.
Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh ngành logistics
Theo báo cáo mới nhất của hãng chuyển phát nhanh J&T Express, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành nơi trọng yếu cho các hoạt động logistics và thương mại toàn cầu trong tương lai.
Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp logistics, cụ thể hơn là doanh nghiệp chuyển phát nhanh đón đầu xu hướng, xây dựng lợi thế cạnh tranh lâu dài và củng cố vị thế thị trường.
Còn theo báo cáo của McKinsey, các chuyên gia ước tính tăng trưởng GDP ở châu Á sẽ đạt 4,5% - cao gấp đôi so với mức trung bình của thế giới, và khu vực này sẽ chiếm giữ tới 20% lượng tiêu thụ toàn cầu đến năm 2025.
Bên cạnh những "ông lớn" quen thuộc trong ngành logistics như Nhật Bản và Ấn Độ, những cái tên như Indonesia, Việt Nam và Thái Lan sẽ là những quốc gia có tiềm năng tăng trưởng cao nhất.
Theo J&T Express, những "người chơi" trong ngành sẽ cần phải đầu tư nghiêm túc cho công nghệ và hệ thống kho bãi, mở rộng số lượng bưu cục đồng thời kết nối các doanh nghiệp nhiều bên, tạo dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh, lợi ích cho nhà kinh doanh và người tiêu dùng cuối.
Doanh thu nghìn tỉ từ dịch vụ chuyển đổi số
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 của Tập đoàn FPT, dịch vụ chuyển đổi số đã mang về cho họ 3.484 tỉ đồng, tăng 64,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Gian triển lãm hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện Made-by-FPT ở Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 (Vietnam - ASIA DX Summit 2022)
Ngoài các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, kể từ đầu năm tới nay, FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với 9 tỉnh thành: Bến Tre, Đắk Lắk, Hà Nam, Hưng Yên, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng và Hậu Giang, nâng tổng số tỉnh thành đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số lên 20.
Thỏa thuận hướng đến một số mục tiêu chính như: đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược của tỉnh và góp phần đưa các tỉnh trở thành một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số ở cả 3 lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Tập đoàn này đặt mục tiêu lớn dài hạn trở thành doanh nghiệp số và là doanh nghiệp Việt đứng trong Top 50 công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030.
3,5 triệu trẻ mắc COVID-19 từ tháng 2 đến tháng 4-2022
Bộ Y tế cho hay tính đến 18-7 cả nước đã tiêm xấp xỉ 240 triệu mũi vắc xin COVID-19, trong đó tiến độ tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cho người trên 18 tuổi đang nhanh hơn so với giai đoạn đầu tháng 6.
Hà Nội tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ lớp 6 - Ảnh: NAM TRẦN
Nhưng ở nhóm 5 đến dưới 12 tuổi, 12 đến 17 tuổi tiến độ tiêm vẫn chậm, hiện có 32 tỉnh thành có tiến độ tiêm mũi nhắc cho trẻ 12-17 tuổi chậm (đạt dưới 20%), nhóm 5 đến dưới 12 tuổi còn 5 tỉnh thành tiêm mũi 1 mới đạt 31-41%, cả nước mới đạt xấp xỉ 62%; mũi 2 mới đạt 28%, nhiều tỉnh thành tiêm mũi 2 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi mới đạt 8-13%.
Trong cuộc họp trực tuyến về tiêm chủng mới tổ chức, Bộ Y tế cho rằng khoảng 3,5 triệu trẻ mắc COVID-19 trong thời gian tháng 2 đến tháng 4-2022 nhưng đa phần ở mức độ nhẹ, dẫn đến cha mẹ trẻ có tâm lý chủ quan và không muốn cho con đi tiêm chủng.
Các chuyên gia cho rằng với trẻ 5 đến dưới 12 tuổi nên tập trung đẩy nhanh tiêm chủng cho trẻ có nguy cơ cao, bị bệnh nền, béo phì...
TTO - Bí thư Thành ủy TP.HCM làm việc với Bình Tân về sốt xuất huyết; Nắng nóng dữ dội khiến tiêu thụ điện lập đỉnh nhưng nguồn phát điện đang gặp khó; Người dân phát hoảng vì cuộc gọi rác trong 6 tháng đầu 2022 tăng gấp rưỡi... là tin đáng chú ý.