Bà Minh, chủ sạp ở dãy A, cho hay quầy sạp bà thuê từ tối 18/7 bị tháo cầu dao, cắt mối điện nên việc buôn bán bị đình trệ. Ngoài ra, công ty còn đóng cửa vào bên ngoài khu để tiểu thương không thể vào kinh doanh.
"Tìm chủ đầu tư để hỏi nguyên nhân thì được nhân viên ở đây cho biết do tôi chưa đóng tiền sạp nên họ buộc phải dùng biện pháp trên", bà Minh nói.
Theo bà, việc này bất hợp lý vì Satraseco đang tăng giá sạp không tương xứng với cơ sở vật chất. Mức giá này đang "bóp nghẹt" tiểu thương trong bối cảnh sức mua giảm, ảnh hưởng kinh doanh của dịch bệnh chưa phục hồi.
"Chúng tôi không thể đồng thuận ký thuê mới với mức giá mà Satraseco đưa ra. Đây là mức giá ép tiểu thương đi vào đường cùng và thua lỗ", ông Cường, chủ sạp ở dãy B cùng chung cảnh ngộ bức xúc.
Gần 50 tiểu thương tại chợ này cũng bị cắt điện. Các tiểu thương cho biết nếu công ty vẫn đóng cầu dao và cắt mối điện thì sẽ mời thợ điện, thợ khóa đến nối và mở cửa để buôn bán trở lại. Tại chợ Đại Quang Minh, hiện có gần 150 sạp của khoảng 140 tiểu thương.
Nói với VnExpress, ông Phạm Thế Hanh, Tổng giám đốc Satraseco cho biết hợp đồng của các tiểu thương trên đã hết hạn từ 30/6. Dù không đồng ý ký mới, họ vẫn chưa trả mặt bằng, gây khó khăn cho công ty trong việc thu hồi và nâng cấp sửa chữa.
Ông Hanh cũng nói, ngày 5/7 khi gửi thông báo chấm dứt hợp đồng với những chủ sạp không ký mới, đã nêu rõ sẽ thực hiện các biện pháp thu hồi theo quy định của pháp luật. Đồng thời, công ty sắp thi công sửa chữa trung tâm nên cắt điện nước.
"Chúng tôi không chỉ thông báo sự việc này đến tiểu thương mà còn cả cơ quan ban ngành để được hỗ trợ. Từ sau 5/7, mọi mất mát và hư hỏng về tài sản phát sinh sẽ do cá nhân/tổ chức chịu trách nhiệm", ông Hanh nói.
Sự việc tranh chấp giữa tiểu thương và Satraseco diễn ra từ cuối tháng 3 khi Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Sài Gòn đơn phương gửi thông báo tăng 50-130% giá thuê sạp 6 tháng cuối năm và đầu năm 2023.
Sau nhiều lần treo biển phản đối và nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương, ngày 17/6, UBND phường 14 (quận 5) tổ chức buổi trao đổi song đôi bên không đạt được thống nhất.
Satraseco chỉ đồng ý giãn thời hạn tăng giá thuê sạp chứ không giảm giá. Cụ thể, thời hạn hợp đồng thuê là 2 năm (so với thông báo hợp đồng có thời hạn là 1 năm). Giá cho thuê quầy căn cứ vào tình hình thị trường, công ty giãn thời hạn tăng giá 1 năm một lần (thay vì tăng giá là 6 tháng một lần). Như vậy, việc điều chỉnh tăng giá được thực hiện trong 2 năm. Năm đầu tăng bình quân 50%, năm thứ hai bình quân 50%. Tiền đặt cọc là 2 tháng tiền thuê (so với 3 tháng theo thông báo lần đầu).
Trong khi đó, tiểu thương chợ này kiến nghị giữ nguyên tiền thuê quầy đến ngày 31/12. Cùng với đó, thời hạn hợp đồng thuê có giá trị ít nhất 2 năm để ổn định kinh doanh, chu kỳ tăng 2 năm một lần và mỗi lần tăng không quá 10%.
Theo nhóm tiểu thương này, thời điểm 1990-1991, để có một chỗ sạp rộng bình quân 4 m2, mỗi hộ đã góp hơn 10 cây vàng. Năm 2005, họ đóng tiền cơ sở vật chất 100 triệu đồng (tương đương 12 cây vàng).... Do đó, việc tăng giá bất hợp lý và ký quỹ 3 tháng là điều khiến họ không thể ký kết hợp đồng mới.
Satraseco tiền thân là Công ty Vải sợi May mặc thành phố, thành lập năm 1976 trực thuộc Sở Thương Nghiệp. Sau nhiều lần đổi tên, đến cuối năm 2003, công ty cổ phần hóa và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Đơn vị này nói sẽ xây dựng, sửa chữa cải tạo chợ Đại Quang Minh, giải tỏa toàn bộ quầy lấn chiếm mặt tiền, tăng diện tích bãi để xe; sửa chữa hệ thống thoát nước và thay mới toàn bộ gạch nền lối đi; xây mới một khu vệ sinh...
Thi Hà