Panasonic là một trong những thương hiệu điện tử nước ngoài đến Việt Nam kinh doanh sớm nhất. Vào năm 1950, Panasonic đã ký hợp đồng với công ty ESACO để phân phối các sản phẩm mang thương hiệu NATIONAL như Radio từ miền Nam đến miền Trung Việt Nam.
Năm 2006, Tập đoàn Panasonic thành lập công ty chủ quản Panasonic Việt Nam (PV) tại Khu công nghiệp Thăng Long – Hà Nội. Hiện tại, Panasonic Việt Nam là công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên giữ vai trò công ty chủ quản tại Việt Nam.
Tính đến tháng 4/2022, nhóm các công ty Panasonic tại Việt Nam có 7 thành viên. Cụm đầu tiên là Panasonic Việt Nam và bộ phận kinh doanh trực thuộc Panasonic Sales Việt Nam (PSV), Trung tâm nghiên cứu và phát triển (PRDCV).
Cụm thứ hai gồm 4 công ty chuyên sản xuất bao gồm: Panasonic Appliances Việt Nam (PAPVN), Panasonic System Networks Việt Nam (PSNV), Panasonic Industrial Devices Việt Nam (PIDVN), Panasonic Electric Works Việt Nam (PEWVN) (tên cũ là Panasonic Life Solutions Việt Nam) và công ty bảo hiểm Panasonic Insurance Service Việt Nam (PISVN). Nhóm 7 các công ty nói trên có tổng số nhân lực trên 7.000 người.
VIỆT NAM ĐƯỢC KỲ VỌNG SẼ TRỞ THÀNH MỘT THỊ TRƯỜNG CHỦ LỰC TRONG TƯƠNG LAI
Theo các kết quả nghiên cứu mà Panasonic có được, sự thay đổi lối sống và tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam trong thời gian tới, sẽ khiến thị trường về các thiết bị dành cho các ngôi nhà thông minh – smart home và mảng vật tư – điện dân dụng ở đây vô cùng tiềm năng.
"Đại dịch Covid-19 đã mang tới nhiều thay đổi cho cuộc sống của người Việt. 93% người rửa tay thường xuyên, 56% quan tâm đến việc khử khuẩn trong nhà, 46% dành thời gian để tự nấu nướng….
Tức người dân Việt Nam nhận thức về khử khuẩn và không khí trong lành, dành nhiều thời gian ở nhà hơn cũng như nâng cao nhận thức về việc bảo tồn năng lượng như điện. Mỗi năm, số tiền cần dùng để giải quyết ô nhiễm môi trường ở Việt Nam chiếm 5% GDP ", ông Wataru Matsumoto - Chủ tịch khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương, Công ty Electric Works chia sẻ.
Ở khía cạnh khác, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ổn định trong hơn 30 năm qua kể từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường vào năm 1986 và dự kiến sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 6% mỗi năm đến năm 2024. Với dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan, số lượng dự án xây dựng nhà ở và tòa nhà cao tầng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Và đó là nguyên do, mà Panasonic sẽ đẩy mạnh mảng thiết bị smart home và vật tư – thiết bị điện xây dựng thông qua Panasonic Electric Works Việt Nam.
Cụ thể hơn, Panasonic Electric Works Việt Nam sẽ chuyên sản xuất và kinh doanh thiết bị nối dây, cầu dao, bơm, quạt, thiết bị chất lượng không khí trong nhà (IAQ), kinh doanh các sản phẩm đèn, thiết bị gia dụng, B2B.
Mục tiêu của nhà máy là sản xuất và cung cấp cho thị trường một lượng lớn những sản phẩm điện chất lượng theo công nghệ Nhật Bản, phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới mở rộng ra các thị trường khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản.
Hiện tại, PEWVN đang kinh doanh 3 lĩnh vực chính là Energy System – thiết bị điện như cầu dao điện, tủ điện, công tắc - ổ cắm, pin năng lượng mặt trời…; Lighting – thiết bị chiếu sáng cho nhà ở/nhà máy/văn phòng/thể thao/đường bộ; Indoor Air Quality (IAQ) – thiết bị và giải pháp về chất lượng không khí trong nhà như quạt thông gió/quạt trần/quạt điện/máy lọc không khí/máy hút ẩm…
Ông Wataru Matsumoto - Chủ tịch khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương, Công ty Electric Works
"Nhờ chiến lược ‘sản xuất ở đâu, tiêu thụ ở đấy’ giúp chúng tôi có thể sản xuất các sản phẩm riêng cho từng thị trường ở mỗi quốc gia, nơi mà chúng tôi có thể đáp ứng cho từng thay đổi của thị trường để đạt được thị phần cao nhất. Chúng tôi đang là số 1 ở thị trường Thổ Nhĩ Kỳ - Ấn Độ - Việt Nam – Philippines – Indonesia – Thái Lan về thiết bị nối dây và số 1 Nhật Bản về thiết bị điện xây dựng.
Dự kiến, trong năm tài chính 2022, chúng tôi sẽ thu về 6.000 tỷ đồng tại khu vực Đông Nam Á, kế hoạch năm 2024 sẽ thu được 8.100 tỷ đồng và 17.000 tỷ đồng vào năm 2030. Trong tất cả, Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ trở thành một thị trường chủ lực với sự tăng trưởng cân bằng cả 2 mảng dân dụng và dự án.
Năm tài chính 2021, PEWVN đã thu về 2.816 tỷ đồng với, dự kiến năm 2030 nó sẽ mang về 10.000 tỷ đồng, tăng 3,5 lần", ông Wataru Matsumoto tiếp tục phân tích.
3 CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CỦA PEWVN TRONG VÀI NĂM TỚI
Ông Kazuhiro Takeuji – Tổng giám đốc Panasonic Electric Works Việt Nam
Và để có thể có những con số khả quan trên, theo ông Kazuhiro Takeuji – Tổng giám đốc Panasonic Electric Works Việt Nam, họ đã đề ra 3 chiến lược như sau.
Xây dựng hệ thống phát triển sản phẩm tại địa phương
Để có thể nhanh chóng phát triển các sản phẩm giúp giải quyết các vấn đề và đáp ứng nhu cầu địa phương, công ty Electric Works sẽ từng bước xây dựng hệ thống quy hoạch và phát triển sản phẩm trong hạng mục thiết bị nối dây, thiết bị chiếu sáng và thiết bị IAQ (thiết bị chất lượng không khí trong nhà) cho thị trường Việt Nam.
Đối với thiết bị chiếu sáng, công ty Electric Works sẽ thành lập bộ phận kiểm tra chất lượng dựa trên những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Nhật Bản. Các nhà cung cấp địa phương sẽ được chia sẻ các tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát chất lượng nhằm phát triển chuỗi các nhà sản xuất thiết kế gốc (ODM) trong năm tài chính 2023.
Đối với lĩnh vực IAQ, trong năm 2021, một nhà máy mới chuyên sản xuất thiết bị IAQ như quạt trần và quạt thông gió liên doanh cùng Công ty TNHH Panasonic Ecology Systems đã được đưa vào hoạt động tại tỉnh Bình Dương và sẽ ra mắt bộ phận nghiên cứu và phát triển giải pháp IAQ vào năm 2023.
Nhà máy mới được khánh thành trong năm 2021 có diện tích mặt bằng 49.995 m2, tổng diện tích sàn 24.066 m2, với vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng và có thể được mở rộng trong tương lai.
Ngoài ra, hệ thống phát triển sản phẩm nội địa cho thiết bị nối dây đã được triển khai từ năm tài chính 2021 và đang tiến hành phát triển các sản phẩm mới.
Tăng cường năng lực sản xuất thiết bị nối dây và thiết bị IAQ tại địa phương
Công ty Electric Works đang mở rộng hệ thống sản xuất và xây dựng một toà nhà mới ngay trong nhà máy - với tổng vốn đầu tư khoảng 250 tỷ đồng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm tài chính 2023 cho sản xuất và kinh doanh thiết bị nối dây và cầu dao tại Việt Nam.
Ngoài việc mở rộng cơ sở sản xuất, công ty cũng tối ưu hóa dây chuyền sản xuất hiện có bằng cách tích hợp với giải pháp từ nhà máy "Tsu", nhà máy sản xuất thiết bị dây dẫn điện và cầu dao chủ lực tại Nhật Bản. Việc tối ưu hóa này kì vọng sẽ giúp tăng 1.8 lần sản lượng từ mức hiện tại lên tới 150 triệu đơn vị cho thiết bị nối dây vào năm tài chính 2029.
Ngoài ra, nhà máy thiết bị IAQ sẽ tăng cường cơ sở sản xuất nhằm mục tiêu nâng cao năng lực và quy mô sản xuất các thiết bị IAQ lên đến khoảng 3 triệu sản phẩm mỗi năm vào năm tài chính 2025, tương đương mức tăng trưởng 1.5 lần so với năm tài chính 2020 (chỉ tính riêng cho thị trường Đông Nam Á).
Đề xuất giải pháp cho các danh mục sản phẩm thông qua việc hợp tác đồng sáng tạo với đối tác địa phương
Công ty chủ động xây dựng các mối quan hệ hợp tác với các đối tác Việt Nam như các đơn vị phát triển dự án và đưa ra nhiều giải pháp được thiết kế đặc biệt dành cho nhu cầu địa phương. Qua đó, họ có thể hỗ trợ giải quyết vấn đề xã hội với danh mục sản phẩm đa dạng.
Cụ thể, công ty hướng tới mục tiêu tiết kiệm năng lượng bằng cách kết hợp hệ thống chiếu sáng và cảm biến hiệu quả cao, cùng thiết bị khử mùi không khí kháng khuẩn "Ziaino" và bộ trao đổi nhiệt, cũng như kiểm soát các thiết bị trong nhà sử dụng nền tảng IoT.
Công ty Electric Works sẽ tiếp tục triển khai một loạt các giải pháp ở mỗi quốc gia, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh vật tư - thiết bị xây dựng điện.
http://tintuc.vdong.vn/07/1432573.htmQuỳnh Như
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.5804301191702202-man-teiv-skrow-cirtcele-cinosanap-o-hnaod-hnik-neyuhc/nv.zibefac