Tư lệnh Lực lượng Mặt đất của Quân đội Iran, Chuẩn tướng Kioumars Heydari ngày 19-7 cho biết Iran sẵn sàng xuất khẩu vũ khí trang bị tiên tiến, bao gồm máy bay không người lái (UAV), cho các quốc gia thân thiện.
Tư lệnh Lực lượng Mặt đất của Quân đội Iran, Chuẩn tướng Kioumars Heydari. Ảnh: THE TIMES OF ISRAEL |
“Các lực lượng vũ trang của Iran sở hữu công nghệ sản xuất UAV tiên tiến, những thiết bị này có thể được sử dụng ở những khoảng cách lớn, cũng như để trinh sát và thực hiện các cuộc tấn công ở nước ngoài. Iran đã chuẩn bị vũ khí và trang thiết bị để xuất khẩu sang các quốc gia thân thiện” – hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Heydari nói.
Trước đó, vào ngày 11-7, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố Iran đang có kế hoạch chuyển giao cho Nga hàng trăm UAV, bao gồm những chiếc có khả năng mang vũ khí.
Ngoài ra, theo thông tin của ông, Iran đang có kế hoạch đào tạo lực lượng Nga sử dụng các UAV này, với giai đoạn đào tạo đầu tiên bắt đầu sớm nhất là trong tháng 7.
Ông Sullivan không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho những khẳng định của mình, nhưng một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà Trắng cho biết thông tin mà ông Sullivan cung cấp cho báo chí dựa trên tài liệu tình báo giải mật gần đây.
Ngoại trưởng Iran – ông Hossein Amir-Abdollahian đã bác bỏ những cáo buộc của Mỹ trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba hôm 15-7, theo hãng tin Reuters.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Ý La Repubblica ngày 13-7, ông Amir-Abdollahian không xác nhận việc bán thiết bị quân sự cho Nga, bao gồm UAV, cam đoan Tehran tránh mọi bước đi có thể dẫn đến leo thang ở Ukraine.
Cũng trong ngày 13-7, phát ngôn viên Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov cho biết vấn đề bán UAV sẽ không được thảo luận trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Tehran vào tháng 7 và từ chối bình luận về vấn đề này.
UAV đã trở thành một công cụ chính của Nga và chính quyền Kiev trong cuộc xung đột ở Ukraine. Quân đội Ukraine sử dụng những chiếc UAV Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo để tấn công các chốt chỉ huy, xe tăng và hệ thống tên lửa đất đối không của Nga, trong khi Nga dùng máy bay không người lái Orlan-10 để trinh sát và thực hiện chiến tranh điện tử.
Tuy nhiên, sau 4 tháng xung đột, số lượng máy bay không người lái của cả hai bên đều đã suy giảm vì gặp tai nạn hoặc bị bắn rơi.