Đường ống Nord Stream 1 ở Đức - Ảnh: REUTERS
Các nước EU đang cố gắng lấp đầy kho dự trữ khí đốt trước mùa đông và chuẩn bị cho kịch bản Nga hạn chế hơn nữa nguồn cung.
Theo Hãng tin Reuters, các quan chức EU không loại trừ khả năng Nga cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt.
Ngày 20-7, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất mục tiêu tự nguyện, theo đó các nước thành viên EU cắt giảm sử dụng khí đốt 15% từ tháng 8 đến tháng 3.
EU sẽ thảo luận về mục tiêu này vào ngày 22-7 và dự kiến thông qua tại cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng vào ngày 26-7.
Đề xuất này cho phép Brussels ban hành mục tiêu bắt buộc trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung.
Trong số các nước phản đối mục tiêu bắt buộc của EU có Ba Lan, nước đã lấp đầy 98% kho dự trữ sau khi Nga cắt nguồn khí đốt vào tháng 4. Kho dự trữ của một số nước khác thì ít hơn, như Hungary chỉ ở mức 47%.
Các quan chức EU cho rằng điều quan trọng là đảm bảo tất cả các nước hành động ngay bây giờ, thay vì chờ đợi Nga cắt giảm nguồn cung.
"Nếu chúng ta chờ đợi, giá khí đốt sẽ đắt hơn và điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ nhảy theo giai điệu của Nga", Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cho biết.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo việc cắt giảm khí đốt của Nga có thể đẩy các nền kinh tế châu Âu vào suy thoái, làm gia tăng cuộc khủng hoảng khí đốt khiến giá cả tiêu dùng tăng vọt.
Matxcơva đã cung cấp 40% lượng khí đốt của EU trước khi tấn công Ukraine, nhưng dòng chảy khí đốt từ Nga đến châu Âu kể từ đó đã giảm xuống dưới 30% so với mức trung bình 2016 - 2021.
Brussels đề xuất các biện pháp để hạn chế sử dụng khí đốt, như giới hạn nhiệt độ sưởi ấm và làm mát trong các tòa nhà công cộng. Các chính phủ cũng tự quyết định thứ tự các ngành mà họ sẽ buộc đóng cửa trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung.
TTO - Theo một nghiên cứu mới công bố của Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, phần lớn dầu mỏ và khí đốt hiện nay thuộc quyền kiểm soát của 7 công ty.