Niềm mong mỏi của người đi chợ những ngày giá xăng giảm này là giá cả thực phẩm giảm theo- Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Lý giải điều này, các doanh nghiệp cho biết giá bán cần có độ trễ để điều chỉnh, nhưng giá thịt, trứng... thì khó giảm, thậm chí giá sẽ tăng do giá nguyên vật liệu đang tăng mạnh.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng giảm giá xăng dầu là điểm sáng, ngăn tâm lý "tăng giá" thời gian qua. Tuy nhiên, để có mức giảm giá thực phẩm rõ rệt thì giá xăng dầu cần phải được giảm thêm và Nhà nước cần sớm có những chính sách về vốn vay, giảm thuế phí cho doanh nghiệp sản xuất thực phẩm.
Giá bán còn neo cao
Ghi nhận tại chợ Bàn Cờ (quận 3), chợ Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) và chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) sáng
20-7, giá các loại hải sản tươi như mực, cá, tôm hay các loại đồ khô như bột ngọt, hạt nêm vẫn giữ nguyên. Khi nghe người bán tại chợ thông báo giá rau củ vẫn còn neo cao mức 30.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại, bà Ngô Thị Bích (Bình Thạnh) nói: "Lúc giá xăng dầu tăng thì người bán kiếm cớ tăng giá, nay giá xăng dầu giảm sao chưa thấy giảm giá bán".
Trong khi đó, bà Trịnh Bích Hà (quận 3) cho biết thấy giá hàng loạt mặt hàng bán ra tại chợ Bàn Cờ đang neo cao, thậm chí thủy hải sản còn cao hơn 10-20% so với đầu tháng. Lý giải việc tăng giá, anh Lê Huy Hồi (chủ sạp hải sản chợ Bàn Cờ) cho biết anh nhập hải sản tươi từ Vũng Tàu như mực, cá hường, cá nục cao hơn trung bình khoảng 10.000 đồng/kg so với trước. Theo ông Lưu Đức Toàn - bán đồ khô chợ Bàn Cờ, đồ khô như mắm, muối... tăng 2.000 - 3.000 đồng/chai. Tuy nhiên, giá tăng cao nhất là dầu ăn với mức tăng khoảng 6.000 - 7.000 đồng/chai, lý do giá mua vào từ nhà phân phối cao.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Phượng (tiểu thương chợ Phú Nhuận) cho hay các tiểu thương cũng kỳ vọng giá đầu vào giảm, nếu các công ty phân phối giảm giá thì lúc đó các tiểu thương cũng sẽ hạ giá theo.
Chị Đoàn Thị Nguyệt (tiểu thương chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3, TP.HCM) cho biết giá thịt những ngày qua tăng tầm 10.000 đồng/kg các loại - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
"Không dễ giảm giá" vì áp lực từ giá đầu vào
Theo nhiều người chăn nuôi phía Nam, giá heo hơi hiện ở 68.000 - 71.000 đồng/kg, cao hơn cuối tuần trước 2.000 - 3.000 đồng/kg và là mức giá cao nhất trong nhiều tháng qua. Tương tự, giá gà công nghiệp (lông trắng) hiện đang ở mức cao kỷ lục với 38.000 - 42.000 đồng/kg.
Theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, do giá heo tại thị trường Trung Quốc, Thái Lan đang cao, giá thành chăn nuôi tăng, nguồn thịt heo, gà nhập khẩu giảm... là lý do đẩy giá heo, gà tăng và khả năng giá sẽ còn duy trì ở mức cao.
Đại diện Công ty Vissan (TP.HCM) cho biết mặt hàng xăng dầu tác động nhỏ trong cơ cấu giá của đơn vị, trong khi đó thịt heo chiếm đến 90% nguồn hàng thịt tươi sống và nguyên liệu cho thực phẩm chế biến lại đang tăng giá nhanh thời gian qua. Do đó, việc giảm giá bán thực phẩm theo mức giá xăng dầu là không dễ.
Tương tự, ông Trương Chí Thiện - tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt - cho biết giá trứng gia cầm đang bán ra tại trại nuôi (ngoài chuỗi liên kết) với trứng gà phổ biến 2.400 - 2.800 đồng/quả và vịt là 3.200 đồng/quả (tăng 13% so với tháng trước và 60% so với mức ổn định năm ngoái), đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
Theo ông Đạt, giá xăng dầu chỉ tác động đến vận tải, trong khi vận tải chỉ chiếm khoảng 20% trong cơ cấu giá thành của đơn vị. Ngược lại, chi phí chính là giá trứng mua vào lại đang ở mức cao nên việc giảm giá bán thời điểm này là không thể.
Tương tự, là đơn vị chuyên cung cấp thịt gà, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - giám đốc Công ty San Hà (TP.HCM) - cho biết giá đầu vào hiện tăng 30% và khả năng sẽ tăng kéo dài nên việc giảm giá bán là không dễ dù sức mua đang ở mức thấp.
Nguồn: Bộ Công thương - Dữ liệu: NGỌC HIỂN - Đồ họa: TUẤN ANH
Cần thời gian để "làm mới" giá bán
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện WinCommerce (đơn vị quản lý Winmart) cho biết đang theo sát giá xăng dầu để tiến hành đàm phán với các nhà cung cấp về việc điều chỉnh giảm giá các mặt hàng. Tuy nhiên, hiện nay chưa nhiều nhà cung cấp điều chỉnh giá kịp thời theo mức giảm giá xăng dầu.
"Việc thay đổi áp dụng giá xăng theo giai đoạn nên giá cả thị trường, biến động chuỗi cung ứng cần có độ trễ nhất định để điều chỉnh, tức là cần một khoảng thời gian để các ngành nghề, lĩnh vực tính toán lại chi phí để áp dụng lên giá cả đầu ra của sản phẩm, hàng hóa", đơn vị này thông tin.
Trong khi đó, lãnh đạo một chuỗi siêu thị lớn tại TP.HCM cho rằng siêu thị chỉ là nhà bán lẻ, phân phối đến tay người tiêu dùng, giá bán phụ thuộc vào mức tăng giảm của nhà sản xuất nên trước thông tin giá xăng sẽ giảm sâu, siêu thị cũng kỳ vọng giá hàng hóa sẽ giảm để người tiêu dùng bớt đi các chi phí.
Tuy vậy, vị này cho biết thông thường giá sản phẩm đã lên cao, thiết lập mức giá bán mới sẽ rất khó để xuống lại mốc khởi điểm và nếu giảm giá cũng phải có độ trễ, không thể xuống ngay khi xăng vừa giảm, có khi phải sau 2-3 tháng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-7, bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM - nói các doanh nghiệp đã nhập nguyên liệu vào sản xuất với mức giá cao trước đó thì phải bán ra với giá cao, khi bán hết lô hàng này thì tính toán đàm phán giảm giá thu mua nguyên vật liệu, từ đó đưa ra giá bán giảm theo tác động từ mức giảm xăng dầu. Do đó cần trên dưới 20-30 ngày để nhà sản xuất "làm mới" giá bán nếu giá xăng dầu giảm mạnh.
Theo bà Chi, ngoài giảm giá xăng dầu, điều cần thiết hiện nay là Nhà nước phải có thêm chính sách cho doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm như giảm thuế phí cho nguyên liệu, thức ăn nhập khẩu để kìm đà tăng chi phí đầu vào liên tục hiện nay; có chính sách vốn vay để doanh nghiệp tăng nguồn nguyên liệu, nguồn hàng dự trữ với mức giá tốt, từ đó có cơ sở đưa ra giá bán tốt hơn.
Giá xăng nhiều khả năng giảm sâu
Giá xăng dự báo sẽ giảm mạnh trong kỳ điều chỉnh mới - Ảnh: BÌNH NGHI
Ngày 20-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cho biết thị trường xăng dầu thành phẩm tại Singapore có nhiều phiên rớt giá, kéo theo giá xăng dầu trong nước trong kỳ điều chỉnh vào 15h ngày 21-7 nhiều khả năng giảm sâu.
Dữ liệu của Bộ Công thương cho thấy giá xăng thành phẩm tại Singapore chốt phiên ngày 19-7 đều giảm, chỉ còn 113,99 USD/thùng đối với xăng E5 RON92, 118,27 USD/thùng đối với xăng A95-III và 134,29 USD/thùng với dầu DO. Tuần qua có những thời điểm giá các loại xăng chỉ còn 106 - 109 USD/thùng, đây là mức giảm sâu, tiệm cận với giá thành phẩm vào giai đoạn đầu năm.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, giá xăng thành phẩm bình quân kể từ ngày 11-7 đến 20-7 tại thị trường Singapore thấp hơn giá bán lẻ trong nước khoảng 3.600 đồng/lít đối với xăng A95-III, khoảng 2.700 đồng/lít đối với xăng E5 RON92 và khoảng 1.600 đồng/lít đối với dầu DO. Vị này cho biết nếu không trích mạnh quỹ bình ổn, giá xăng dầu sẽ lại có kỳ giảm sâu, khả năng sẽ giảm trên dưới 3.000 đồng với xăng A95-III.
NGỌC HIỂN
Sở Công thương: cần sòng phẳng với người tiêu dùng
Theo đại diện Sở Công thương TP.HCM, giá mặt hàng bình ổn bán ra trong thời gian qua tăng không nhiều, thậm chí không tăng. Do đó những mặt hàng này không giảm theo mức giảm giá xăng.
Ngoài ra, giá xăng dầu chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng cơ cấu giá thành của nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, trong khi đó nguồn nguyên liệu chiếm phần nhiều chi phí thì giá lại tăng. Vì vậy cần có phương án giảm giá nguyên vật liệu mới giúp giá bán thực phẩm giảm nhiều.
"Tuy vậy những doanh nghiệp đã tăng giá bán khi giá xăng lên thì khi giá xăng giảm cũng giảm giá bán lại. Chúng ta cần sòng phẳng với người tiêu dùng, nếu giá tốt thì sức mua sẽ tăng lên, doanh nghiệp cũng sẽ được lợi".
N.H. - N.X.
TTO - Đó là một trong những câu hỏi của đại biểu được đặt ra tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Bến Tre khóa X vào ngày 13-7.
Xem thêm: mth.62641318012702202-uad-gnax-aig-oeht-maig-ac-aig-gnogn/nv.ertiout