Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện dã chiến Phước Lộc (Nhà Bè, TP.HCM) giai đoạn dịch ở TP.HCM còn phức tạp - Ảnh minh họa: TỰ TRUNG
Tháng 7-2021, bắt đầu giãn cách xã hội theo mức cao nhất ở TP.HCM, tôi và vợ là nhân viên công ty ở trong căn phòng trọ gần 10m2, gần như đóng cửa trong nhà vì vợ đang mang thai.
Cuối tháng 7, tôi phát hiện mình mắc COVID-19. Sau hơn 10 ngày chữa trị, tôi chuyển nặng, phải cầu cứu, tìm bệnh viện để đi chạy chữa.
Trên suốt chặng đường đến bệnh viện Đ. bằng taxi, nhìn qua khung cửa xe, giữa một đêm trời mưa, thành phố vắng ngắt, lạnh như tờ, chỉ có những chiếc xe cứu thương chạy qua nhau, tôi chỉ biết hy vọng. Hy vọng rằng sẽ không có điều gì xảy ra với tôi, vợ tôi và gia đình.
Đến bệnh viện tôi được nằm trong phòng cấp cứu, thấy một cảnh tượng kinh hoàng ngoài sức tưởng tượng. Bệnh viện rất nóng - các bác sĩ, y tá, điều dưỡng làm việc chạy liên tục trong bộ đồ bảo hộ nóng nực. Các ca bệnh nằm la liệt ra đến tận ngoài hành lang phòng cấp cứu.
Đêm hôm đó, tôi được cho thở oxy chụp, truyền dịch, chụp phim phổi và cũng không thể ngủ được. Cứ một lát, các y bác sĩ lại tất bật hô lên để chạy tới cấp cứu cho các ca nặng đang thở gắt, tụt SpO2.
Đêm hôm đó, một vài chiếc giường được đẩy ra và che mặt lại tại phòng cấp cứu. Tôi ngủ cùng những người mất vì COVID-19.
Sáng hôm sau, một vài bác sĩ mang những chiếc túi y tế, bình xịt khử khuẩn, cho người mất do COVID-19 vào trong và quấn lại tránh lây nhiễm để đưa đi hỏa táng.
Rồi các y bác sĩ tiếp tục chạy đôn chạy đáo với những ca nhập viện tăng liên tục. Cạnh tôi, một bác tầm 60 tuổi mới nhập viện đột nhiên khó thở, người khó chịu cong lên, la hét. Họ liền chạy đến vỗ lưng bộp bộp, cho nằm sấp lại để bệnh nhân cố gắng thở. Chiếc máy thở màu đỏ, kèm cái ống như ống thoát nước máy giặt được kéo ra để chuẩn bị.
Các bác sĩ liên tục động viên bệnh nhân cố gắng thở sâu duy trì việc tự thở để không phải đặt máy thở. Ôi, may mắn sao bác đã tự thở được, đều dần và phải nằm sấp để tự thở.
Sau hai đêm nằm ở phòng cấp cứu bệnh viện Đ, tôi được thông báo chuyển đến Bệnh viện Ung bướu 2. Vừa đến nơi thì một tin choáng váng: vợ tôi dương tính, đang khó thở và phải mổ bắt con khi thai mới gần 7 tháng. Gia đình tôi mới thành lập đầu năm, giờ mỗi người một bệnh viện, tình hình nguy hiểm khó lường.
Vợ tôi sau khi mổ bắt con thì hôn mê không liên lạc được, con sau sinh được chuyển qua bệnh viện nhi cấp cứu, không biết tình hình ra sao.
Sau những choáng váng và trăn trở, tôi tự nhủ phải mạnh mẽ, không được từ bỏ, và cầu nguyện. Tôi ăn hết từng suất cơm bệnh viện dành cho mình, chăm chỉ thực hiện bài tập hỗ trợ phổi để có thể nhanh chóng bỏ mặt nạ oxy.
Sau 4 ngày, tôi đã bỏ được oxy và chuyển qua Bệnh viện thu dung 11, được phát một bình nước 5 lít, một giường xếp và ở cùng 6 người khác trong 1 căn hộ. 5 ngày sau, tôi xuất viện.
Về lại căn phòng trọ nhỏ cuối tháng 8, tôi cố gắng tìm hiểu thông tin tình hình vợ con, nhưng mọi thứ cũng chỉ mập mờ. Chưa bao giờ tôi thấy mình bất lực như vậy. Ngoài kia, mọi ngả đường bị chặn, vợ con nằm trong bệnh viện nhưng không biết tình hình và không được vào, cha mẹ, người thân cũng bất lực vì không thể vào vùng dịch bệnh.
Tuần thứ 2 kể từ ngày vợ tôi mổ, tôi được Bệnh viện Nhi đồng 1 báo em bé chuyển sang khu vực hồi sức, đang điều trị nhiều biến chứng của trẻ sinh non. Bé quá nhỏ, phải nằm lồng kính và các bác sĩ chưa nói trước được điều gì.
Cùng lúc đó là tin vợ chuyển nặng nguy kịch do hệ quả của bão cytokine gây ra, phổi trắng xóa và đã vận hành hết 100% công suất máy thở liều cao.
Trong thời khắc sinh tử đó, điều kỳ diệu xuất hiện, đến từ Trung tâm COVID-19 - Bệnh viện Quân y 175. ECMO gần như là cứu cánh sống sót cuối cùng còn lại cho vợ tôi, được Bệnh viện Quân y 175 thực hiện, với thông báo tình hình nguy kịch, sẽ cố gắng hết sức.
Đến giữa tháng 9-2021, Bệnh viện Nhi đồng 1 có thông báo là bé nhà tôi đã có thể hấp thụ sữa và tăng cân. Hy vọng đầu tiên đã lóe lên. Bên kia, mẹ bé vẫn hôn mê và tiếp tục dùng ECMO.
Đến cuối tháng 9, con tôi đã đủ cân, được về nhà. Chúng tôi mong chờ điều kỳ diệu tiếp tục đến với mẹ bé.
Cuối tháng 11-2021, trải qua thời gian dài vợ tôi vật lộn điều trị ECMO và biến chứng, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 thông báo vợ tôi đã tỉnh táo và có thể xuất viện. Điều thần kỳ thứ 2 đã xuất hiện.
May mắn có được sự giúp đỡ và sự tận tâm của các y bác sĩ đã giúp gia đình tôi sống sót kỳ diệu, vượt qua đại dịch COVID-19. Tôi xin gửi lời cảm ơn tất cả y bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên trong đợt dịch bệnh vừa qua.
Đừng để những bê bối trong việc cung cấp vật tư y tế mà xóa sạch những công lao đóng góp của họ.
Xin cảm ơn!
Cùng Tuổi Trẻ gửi lời tri ân
Năm 2021, hàng chục nghìn bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa các trường đại học, chiến sĩ quân y… từ mọi miền đã tới các tỉnh thành phía Nam, trong đó có TP.HCM, để cùng các địa phương chống dịch COVID-19. Trong đồ bảo hộ bít bùng, khẩu trang kín mít, nhiều bệnh nhân không biết mặt người ngày đêm điều trị, chăm sóc mình.
Rất nhiều cảm xúc, lưu luyến, nhiều lời cảm ơn chưa kịp nói khi người bệnh xuất viện, khi các bác sĩ, điều dưỡng... rời đi lúc đại dịch bớt căng thẳng.
Tuổi Trẻ Online mời bạn gửi lời tri ân những thiên thần áo trắng, chia sẻ các kỷ niệm, cảm xúc, kỷ vật còn lưu giữ trong những ngày bạn hoặc người thân điều trị COVID-19. Bài viết, hình ảnh xin gửi về: hongtuoi@tuoitre.com.vn.
Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
TTO - Mặc giọng hát còn run run bởi những cơn mệt bất chợt, sau khi rời bệnh viện dã chiến ít hôm, hai chị em Vĩnh Ái (16 tuổi), Vĩnh An (15 tuổi) đã cần mẫn ngày đêm soạn lời, viết nhạc và thực hiện ca khúc ‘Kỷ niệm 6 cả đời khó quên’ đầy ấn tượng.