Kết thúc cuộc họp vào ngày 21/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nâng lãi suất mạnh hơn dự kiến nhằm kiểm soát lạm phát, khi nền kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) chịu tác động từ xung đột tại Ukraine.
ECB nâng lãi suất tiền gửi 50 điểm cơ bản lên 0%, vượt mức dự kiến trước đó là 25 điểm cơ bản, khi cùng với các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu tăng chi phí đi vay.
Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB trong 11 năm.
Kết thúc 8 năm áp dụng lãi suất âm, ECB cũng tăng lãi suất tái cấp vốn lên 0,5% và có thể sẽ tiếp tục tăng tại cuộc họp vào tháng Tám.
ECB cũng nhất trí hỗ trợ bổ sung cho các nước có mức nợ cao trong Eurozone, phê chuẩn cơ chế mua trái phiếu mới có tên gọi Công cụ bảo vệ trong giai đoạn chuyển đổi, nhằm khống chế mức tăng chi phí đi vay và hạn chế sự phân mảnh về tài chính.
Khi ECB tăng lãi suất, chi phí đi vay sẽ tăng với các nước như Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Đồng euro tăng khoảng 0,7% sau quyết định của ECB. Các thị trường chứng khoán châu Âu biến động sau quyết định này. Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức ở mức cao nhất trong ba tuần.
ECB cho biết việc tiếp tục bình thường hóa lãi suất là quyết định phù hợp. Việc kết thúc thời kỳ lãi suất âm cho phép ECB chuyển sang cách tiếp cận theo từng cuộc họp trong các quyết định lãi suất.
ECB đã có nhiều tuần phát tín hiệu đến các thị trường về khả năng tăng lãi suất 25 điểm cơ bản. Các nguồn tin cho biết quyết định tăng 50 điểm cơ bản được đưa ra ngay trước khi cuộc họp bắt đầu, do các số liệu cho thấy triển vọng lạm phát xấu đi.
Lạm phát trong khu vực tiến đến mức hai con số và tình trạng thiếu hụt khí đốt trong mùa Đông có thể khiến giá cả còn tăng mạnh hơn.
Mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản của ECB là thấp hơn các ngân hàng trung ương khác như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, với mức tăng 75 điểm cơ bản trong tháng trước và có thể tăng một mức tương tự trong tháng này.
Tuy nhiên, Eurozone chịu tác động lớn hơn từ xung đột tại Ukraine và nguy cơ Nga cắt nguồn cung khí đốt có thể khiến khu vực này rơi vào suy thoái, đặt các nhà hoạch định chính sách vào thế tiến thoái lưỡng nan trong việc cân bằng giữa các cân nhắc về tăng trưởng và lạm phát.
Nhiệm vụ cuối cùng của ECB là kiểm soát lạm phát và lạm phát cao trong thời gian quá dài có thể làm vấn đề thêm trầm trọng, khi các doanh nghiệp tự động điều chỉnh giá./.
Xem thêm: vov.962859tsop-man-11-gnort-neit-uad-nal-taus-ial-gnat-hnid-teyuq-bce/et-hnik/nv.vov