Năm 2009, Công ty TNHH Cáp điện Việt Á ký hợp đồng thuê lô K, đường số 6, khu công nghiệp (KCN) Liên Chiểu để thực hiện dự án nhà máy sản xuất các loại dây điện và cáp điện. Lô K có tổng diện tích khoảng 100.000 m2. Trong đó có 60.000 m2 là diện tích nhà xưởng, 40.000 m2 là đất trống chưa triển khai. Thời hạn thuê đất đến năm 2044.
Thuê đất xong sử dụng không đúng
Tuy nhiên, sau đó Công ty Cáp điện Việt Á không triển khai dự án nào trên lô đất thuê mà còn cho các doanh nghiệp khác thuê lại trái quy định.
Năm 2015, Ban quản lý (BQL) KCN Liên Chiểu ra thông báo thu hồi dự án của công ty này. Năm 2016, UBND TP Đà Nẵng thống nhất cho phép đơn vị đầu tư hạ tầng KCN Liên Chiểu thu hồi 40.000 m2 đất trống tại lô K. Tuy vậy, đến nay việc thu hồi này chưa thể thực hiện do các tài sản nằm trên đất của công ty đang được thế chấp tại ngân hàng. Công ty này cũng đang nợ hơn 4 tỉ đồng tiền phí hạ tầng KCN.
Trường hợp khác tại KCN Hòa Khánh mở rộng, Công ty cổ phần Ecico thuê lô X từ năm 2011 để thực hiện dự án gia công sản xuất các sản phẩm ống thép. Sau đó, công ty này cũng không triển khai dự án mà cho các đơn vị khác thuê lại.
Năm 2015, BQL KCN Hòa Khánh ra thông báo thu hồi dự án. Công ty Ecico cũng đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào năm 2017, không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế. Đến năm 2019, công ty này bị UBND quận Liên Chiểu xử phạt về hành vi xây dựng nhà xưởng trái phép nên BQL đã yêu cầu dừng xây dựng.
Năm 2022, Công ty Ecico bị Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn - Công an TP Đà Nẵng tạm đình chỉ hoạt động nhà xưởng, kho và khu vực sản xuất có mái che. Hiện sổ đỏ và tài sản trên đất của Công ty Ecico cũng đang được thế chấp tại ngân hàng.
Nhà xưởng Công ty cổ phần Ecico thuê với mục đích sản xuất nhưng đã cho các đơn vị khác thuê lại. Ảnh: TẤN VIỆT |
Phải xử lý dứt điểm
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Lê Thị Yến Nhi, Giám đốc đầu tư kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN), chủ đầu tư hạ tầng KCN Liên Chiểu và KCN Hòa Khánh mở rộng, cho hay: năm 2015, đơn vị đã khởi kiện hai công ty ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam để đòi tiền thuê đất và tiền phí hạ tầng còn nợ.
Cuối năm 2015, Trung tâm trọng tài ra phán quyết buộc Công ty Ecico phải thanh toán gần 4 tỉ đồng; buộc Công ty Việt Á phải thanh toán hơn 4,1 tỉ đồng cho SDN. Các quyết định có hiệu lực thi hành và Cục THADS TP Đà Nẵng đã ra hai quyết định yêu cầu hai công ty nộp tiền nhưng từ đầu năm 2017 đến nay chưa thực hiện.
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng BQL Khu công nghệ cao và các KCN TP Đà Nẵng, cho hay đang báo cáo các cơ quan liên quan về hai trường hợp trên. “Phán quyết của tòa trọng tài đã có, thi hành án phải tích cực làm. Hai công ty cũng phải chủ động liên hệ với ngân hàng, chủ đầu tư hạ tầng KCN để giải quyết. TP cũng phải kết nối để giải quyết, tháo gỡ dần” - ông Sơn nói.
Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho hay đã yêu cầu BQL báo cáo cụ thể hai trường hợp trên. Sau khi có báo cáo TP sẽ họp bàn phương án xử lý, làm việc với cơ quan quản lý, hai doanh nghiệp liên quan và phía ngân hàng.
“Quan điểm của lãnh đạo TP là xử lý dứt điểm, không để cho các doanh nghiệp tự ý hoạt động trái pháp luật trong KCN, nhất là trong bối cảnh hạ tầng công nghiệp tại Đà Nẵng đang còn thiếu” - ông Sơn nói.
Mới đây tại buổi làm việc với BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã yêu cầu các BQL phải cương quyết xử lý những dự án chậm triển khai trong toàn khu.
Ông Quảng nhấn mạnh: “Phải làm mạnh vài trường hợp, thậm chí thu hồi đối với những doanh nghiệp chây ì. Không có chuyện đầu tư tài sản công ra để đắp chiếu, hoạt động không đúng mục đích gây lãng phí, càng không có chuyện xí phần đất trong các KCN”.•
Hai công ty liên quan nói gì?
Trao đổi với PV, Giám đốc Công ty Ecico Võ Văn Đào cho rằng việc công ty cho các đơn vị khác thuê lại nhà xưởng là có chủ trương từ lãnh đạo cũ của BQL. “Hồi đó chuẩn bị làm dự án nhưng thấy không cạnh tranh lại với một tập đoàn khác cũng sản xuất ống thép gần đó nên công ty không làm. Sau đó, tôi xin đầu tư làm trường mầm non cho con em công nhân. Lãnh đạo cũ của BQL khuyến khích việc này nhưng các cơ quan khác không ủng hộ. Rồi tôi xin chia một nửa khu đất làm nhà xưởng cho thuê lại. Lãnh đạo cũ của BQL cũng ủng hộ nhưng các bên khác lại một lần nữa phản đối. Việc cho thuê lại là để kiếm thêm tiền trả nợ ngân hàng” - ông Đào nói và cho hay, đang xin ý kiến của ngân hàng và BQL để chuyển nhượng lại phần đất đã thuê.
Ngày 18-7, chúng tôi đã liên hệ với Công ty Cáp điện Việt Á thì một người xưng là kế toán của công ty này cho hay phải chờ ý kiến lãnh đạo mới có phản hồi. Ngày 21-7, chúng tôi liên lạc lại với công ty nhưng không được, phía chủ đầu tư KCN cũng cho biết hiện không liên hệ được với đại diện công ty này.