Rất nhiều chuyến bay bị hủy và những lần trễ chuyến ngày càng kéo dài. Cùng với đó là hành lý that lạc. Hành khách cũng phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ để soát vé, lấy hành lý và kiểm tra an ninh.
Nguyên nhân của những vấn đề này không chỉ có một. Cả hệ thống hàng không đang ở trạng thái "căng như dây đàn", cả chuỗi vận hành gặp trục trặc ở mọi mắt xích. Hơn nữa, mỗi vấn đề xảy ra tại các các hãng hàng không và các sân bay lại càng khiến mọi việc càng trầm trọng hơn.
Thiếu nhân viên xử lý hành lý và nhân viên an ninh khiến các hãng hàng không chậm trễ trong khâu làm thủ tục. Do đó, các chuyến bay lần lượt bị hoãn. Khi bộ phận nhập cảnh và hải quan tại các sân bay trung tâm thiếu nhân viên, chỉ 1 vấn đề này cũng ảnh hưởng đến 2.700 chuyến bay đến Toronto vào tháng 5. Trong bối cảnh hiện tại, các phi công và tiếp viên hàng không phải làm việc nhiều ngày hơn và ít có thời nghỉ qua đêm.
Các hãng hàng không trên khắp thế giới đã nhận được những khoản tiền cứu trợ hoặc hưởng lợi từ các chương trình trợ cấp của chính phủ. Họ kỳ vọng rằng, hoạt động vận hành sẽ tránh được những vấn đề kể trên. Các hãng bắt đầu lên kế hoạch quay trở lại bầu trời gần như ngay sau khi phải "hạ cánh" vào đầu năm 2020.
Năm nay, các hãng hàng không vốn ghi nhận doanh thu sụt giảm đã tăng công suất cho mùa xuân và mùa hè. Tuy nhiên, họ lại không thể đảm bảo quá trình này diễn ra trơn tru vì ảnh hưởng của đợt cắt giảm quy mô hoạt động vào năm 2020. Họ rơi vào cảnh không thể tuyển dụng đủ nhanh trong một ngành đòi hỏi quá trình kiểm tra lý lịch lẫn đào tạo nhân sự mới tốn rất nhiều thời gian.
Để giải quyết tình trạm chậm trễ các chuyến bay, một số sân bay đã áp dụng quy định giới hạn với hành khách và chuyến bay. Một số hãng hàng không đã phải hủy bỏ lịch bay được sắp xếp thêm. Và những động thái này sẽ càng gây khó khăn cho kế hoạch di chuyển của hành khách.
Ed Bastian – giám đốc điều hành của Delta Air Lines, cho hay: "Chúng tôi đã rất cố gắng để nắm bắt và đảm bảo phần lớn doanh thu nhất có thể. Chúng tôi đã chủ quan vì nghĩ ngành hàng không đã thực sự sẵn sàng ở một mức độ nào đó."
Delta đã phải rút lại kế hoạch khai thác đường bay như trước đó dự định nhằm ổn định hoạt động của ngành hàng không. Trong khi đó, hãng không có kế hoạch tăng thêm số lượng chuyến bay trong ít nhất là phần còn lại của năm nay dù nhu cầu vẫn tiếp tục bùng nổ.
Trong năm nay, lưu lượng di chuyển bằng đường hàng không của Mỹ đã tăng mạnh dù vẫn thấp hơn so với thời kỳ trước Covid. Các quốc gia đã dỡ bỏ nhiều lệnh hạn chế. Tuy nhiên, dù phần lớn các chuyến bay vẫn đáp đúng giờ, thì những vấn đề gián đoạn lại tăng lên đáng kể sau 2 năm yên ắng.
Hành khách xếp hàng ở cửa số 3 sân bay Heathrow.
Sân bay Toronto Pearson International đã chứng kiến 52,9% các chuyến bay từ ngày 1/6 đến 12/7 khởi hành muộn, theo dữ liệu từ FlightAware. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số các sân bay có 1.000 chuyến bay được hoàn thành trở lên. Còn Frankfurt và Charles de Gaulle có tỷ lệ trễ chuyến là 46,4 và 42,8%, trong khi Heathrow là 40,2%.
Ngoài ra, do Trung Quốc áp dụng chính sách zero Covid, nên hoạt động di chuyển của các hãng bay cũng bị ảnh hưởng. Sân bay Newark Liberty ghi nhận tỷ lệ hủy chuyến cao nhất từ ngày 1/6 đến 12/7, với 7,8% chuyến bị hủy so với 4,5% trong cùng kỳ năm 2019. LaGuardia ở New York có 7,2% chuyến bị hủy trong cùng kỳ.
Ở thời điểm thuận lợi, các hoạt động của ngành hàng không được biên đạo tỉ mỉ như một vở ballet chuyên nghiệp, theo WSJ. Các hãng đón khách và chuyển hành lý qua các sân bay, lên máy bay và lại chuyển sang điểm đến. Thông thường, quá trình này có đủ nhân sự để giải quyết những gián đoạn nếu có sự cố xảy ra.
Tuy nhiên, hiện tại, cả ngành hàng không đang rơi vào cảnh thiếu nhân sự trầm trọng. Các điểm xếp và dỡ hành lý có quá ít nhân viên, trong khi thời gian đào tạo đối với đội bay mới hoặc được tuyển dụng lại thì kéo dài.
Sân bay Heathrow (London) – nơi từng là tâm điểm của tình trạng thiếu nhân sự dẫn đến sự gián đoạn nghiêm trọng, tuần trước đã cùng Gatwick, Frankfurt và Schiphol đưa ra hạn chế hoạt động đối với các hãng hàng không. Sân bay ở London cho biết họ sẽ giới hạn lượng hành khách khởi hành chỉ ở mức 100.000 người/ngày cho đến hết 11/9. Trước Covid, Heathrow là sân bay có lưu lượng quốc tế lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Dubai.
Một phát ngôn viên của Heathrow cho biết lượng hành khách hiện đã ở khoảng 80-85% so với thời kỳ trước đại dịch. Tuy nhiên, nhóm xử lý các thủ tục hiện chỉ có khoảng 70% nhân sự. Ngoài ra, nhiều hãng hàng không – chịu trách nhiệm xử lý hoạt động mặt đất và hành lý, cũng đang thiếu nhân viên.
Swissport International – công ty cung cấp dịch vụ hàng không và hành lý tại nhiều sân bay, đang cố gắng tuyển dụng thêm 17.000 việc làm, với khoản tiền thưởng khi gia nhập là khoảng 5.000 USD đối với một số sân bay ở Mỹ. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh có quy mô nhỏ hơn là Menzies Aviation còn trống 1.800 vị trí.
Song, yêu cầu về công việc này – có thể bao gồm cả ca làm 7 ngày/tuần và giờ làm việc ban đêm, lại khiến các vị trí này lại không đủ hấp dẫn để cạnh tranh với các ngành khác. Theo Philipp Joeinig – CEO của Menzies, những nhân sự tiềm năng cũng cảm thấy lo sợ bởi tình trạng nghỉ việc hàng loạt mà ngành đã trải qua và tác động tiềm tác của suy thoái kinh tế.
Joeinig cho biết thêm, "nút thắt cổ chai" lớn nhất của ngành là việc kiểm tra lý lịch của nhân viên mới. Quá trình này thông thường mất khoảng 60 ngày, nhưng nay đã lên đến 3 tháng đối với một số khu vực pháp lý.
Hành lý chất đống ở cửa số 2 sân bay Heathrow vì thiếu nhân viên bốc dỡ.
Bộ phận xử lý hành lý gặp phải tình trạng thiếu hụt gần như tồi tệ nhất trong ngành. Ngày 11/7, Delta khai thác một chuyến bay từ Heathrow đến Detroit với máy bay Airbus A330 nhưng không có một hành khách nào và thay vào đó chỉ có 1.000 hành lý bị thất lạc. Trong khi đó, Icelandair Group có lúc phải cử nhân viên bốc dỡ hành lý lên các chuyến bay đến Amsterdam vì không có đủ nhân sự để xử lý.
Dữ liệu về hành lý thất lạc ít khi được theo dõi chặt chẽ. Song, SITA – công ty Thụy Sĩ quản lý phần mềm theo dõi hành lý hàng không, cho biết khách hàng đã đánh dấu số hành lý thất lạc nhiều gấp 3 lần từ tháng 1 đến tháng 3 so cùng kỳ năm 2021. Từ tháng 4 đến tháng 6, con số này cao gấp 5 lần so với 1 năm trước.
Khi đại dịch khiến hoạt động hàng không gặp gián đoạn nghiêm trọng, các hãng bay đã phải yêu cầu hàng nghìn phi công nghỉ việc. Sau đó, kể từ ngày 1/1, các hãng hàng không lớn của Mỹ đã tuyển dụng thêm phi công kể với số lượng nhiều chưa từng thấy, theo công ty tư vấn nghề phi công FAPA.aero.
Thông thường, các phi công khi gia nhập hãng hàng không mới phải tham gia khóa đào tạo mới. Và tuyển dụng quy mô lớn cũng đồng nghĩa với việc những lớp mô phỏng và hướng dẫn bay cũng chứng kiến nhu cầu cao hơn, khiến quá trình này càng bị kéo dài.
Sun Country Holdings – hãng bay giá rẻ có trụ sở tại Minneapolis, đã giữ chân được rất nhiều phi công trong đại dịch vì họ cần duy trì hoạt động vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, các hãng lớn lại mở rộng hoạt động tuyển dụng và thu hút nhân sự của họ. Do đó, Sun Country đang gặp áp lực lớn trong việc đào tạo phi công. Theo CEO Jude Bricker, thời gian từ khi tuyển dụng đến lúc phi công sẵn sàng chở khách của hãng đã kéo dài từ 75 lên 115 ngày.
Những trường hợp nghỉ ốm và mắc Covid-19 cũng càng khiến những vấn đề của ngành trở nên phức tạp hơn. Eurowings – hãng hàng không giá rẻ thuộc sở hữu của Lufthansa, đã phải hủy chuyến bay trở về Heathrow vào ngày 5/7 sau khi 1 thành viên phi hành đoàn bị ốm và họ không có đủ nhân sự để thay thế.
Ở Melbourne, khoảng 8% các chuyến bay đã bị hủy bỏ kể từ đầu tháng 6, phần lớn là các chuyến đến Sydney. Jim Parashos – CEO của Sân bay Melbourne, cho biết: "Sự hồi phục trong 4 tháng đầu năm là điều đáng kinh ngạc và ai cũng thắc mắc sao chúng tôi lại không chuẩn bị cho điều đó. Chúng tôi đã có 6-7 lần tái khởi động ‘sai’ trong 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh."
Tham khảo WSJ
http://tintuc.vdong.vn/07/1435119.htm