Lạm dụng việc ưu tiên đón trả khách để đi vào làn đường trong cùng, nhiều xe buýt “chạy lì” gây tắc nghẽn giao thông - Ảnh: CHÂU TUẤN
Xe buýt là phương tiện giao thông công cộng, có vai trò quan trọng nhằm hạn chế ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, cách chạy xe của một số tài xế xe buýt hiện nay khiến nhiều người mất thiện cảm, xem như hung thần trên đường phố.
Muôn kiểu vi phạm
Thời gian qua, phóng viên đã ghi nhận thực tế trên nhiều tuyến đường để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này. Đơn cử như tại làng Đại học Quốc gia TP.HCM (khu vực trước cổng ký túc xá khu B) vào cuối tháng 6, đèn đỏ tại đây như "tàng hình" trong mắt tài xế. Dù chỉ còn vài giây nữa là đến đèn xanh nhưng có 2 chiếc xe buýt lần lượt vượt qua trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Còn tại đường Điện Biên Phủ (đoạn gần cầu Sài Gòn, quận Bình Thạnh) sáng 14-7, hai chiếc xe buýt đi hướng ngược nhau ngang nhiên dừng tại làn ôtô (sát con lươn đường), tài xế và nhân viên bán vé chạy qua lại để trao đổi công việc mặc kệ dòng xe phía sau.
Bên cạnh đó, trên các tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Đinh Bộ Lĩnh (TP Thủ Đức), Trường Chinh (quận Tân Bình),… một số tài xế lạm dụng việc ưu tiên đón, trả khách liên tục bật xinhan, chuyển làn đột ngột. Những chiếc xe máy đi sau có khi phải thắng gấp nhiều lần và tỏ ra bức xúc với cách đi của xe buýt.
Còn một số tài xế lại chọn cách đi suốt ở làn trong cùng để "rà rà" đón khách gây tắc nghẽn giao thông.
Xe buýt vượt đèn đỏ trước ký túc xá khu B (làng Đại học Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: CHÂU TUẤN
Trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả, chị Ngọc Nhung (ngụ TP Thủ Đức) cho hay bản thân cảm thấy rất bực bội vì xe buýt luôn choáng hết phần đường đi của chị. "Giờ cao điểm nên xe cộ đông đúc mà tài xế thường xuyên đi chiếm hết đoạn đường dài để đón khách.
Nhiều người không đủ kiên nhẫn thì leo lề, cố gắng vượt qua chiếc xe buýt trước mặt để đi tiếp. Dù biết là xe buýt cũng gặp khó khi không có làn riêng, nhưng để tình trạng này kéo dài cũng gây ảnh hưởng đến các phương tiện khác", chị Nhung chia sẻ.
Đối với những người thường xuyên đi trên xa lộ Hà Nội vốn đã không còn xa lạ với hình ảnh của "hung thần xe buýt". Một số tuyến buýt chạy đường này thường xuyên "phóng" với tốc độ cao. Chỉ cần thấy xe buýt từ xa là nhiều người đã vội tấp sát vào lề, không dám chạy song song cùng.
Nhiều tuyến xe buýt chạy chiếm hết phần đường xe máy trên đường Trường Chinh (TP.HCM) - Ảnh: LƯU DUYÊN
Một tài xế xe buýt chia sẻ công việc của tài xế rất áp lực khi phải chạy theo khung giờ xuất bến và về bến của phòng điều hành. Đặc thù đường sá ở TP.HCM vào giờ cao điểm thường kẹt xe khiến tài xế phải "tranh thủ" chạy nhanh hết sức có thể để về bến đúng giờ.
"Khi phải chạy đua với thời gian thì rất khó để lái xe an toàn. Tuy nhiên không vì vậy mà tôi mặc kệ mọi thứ để chạy, anh em tài xế cũng nhắc nhở nhau không nên bất chấp như vậy", tài xế này chia sẻ.
Sẽ cho thôi việc nếu vi phạm quá 3 lần
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết trung tâm thường xuyên tổng hợp các phản ánh của hành khách, phối hợp với các đơn vị vận tải trích xuất dữ liệu (hình ảnh, camera) để xác minh, xử lý hành vi vi phạm theo quy định đã được ký giữa trung tâm và các đơn vị vận tải.
Cụ thể, các trường hợp "rà khách", phóng nhanh, vượt ẩu hoặc tranh giành khách sẽ bị xử phạt 1 triệu đồng và đình chỉ hoạt động lái xe 5 ngày; vi phạm lần 2 xử phạt 2 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 10 ngày; vi phạm lần 3 mức phạt là 4 triệu đồng và không tiếp nhận hoạt động đối với lái xe trên tất cả các tuyến xe buýt.
Ngoài ra, trung tâm còn gửi văn bản cho Phòng cảnh sát giao thông đường bộ giải quyết xử lý vi phạm Luật giao thông đường bộ. Trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng chuyên ngành tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Theo trung tâm này, điều kiện hạ tầng giao thông đường bộ TP còn thiếu, hệ thống bến bãi mới đạt gần 22% so với quy hoạch, chưa có làn dành riêng cho xe buýt, mà phải sử dụng chung làn đường với xe hai bánh, xe ôtô là nguyên nhân dẫn đến một số hạn chế của hệ thống xe buýt hiện nay như: tính an toàn, tính đúng giờ và vận tốc khai thác.
Do đó, thời gian tới, thành phố sẽ dành nguồn lực thực hiện các đề án để nâng cấp hệ thống hạ tầng phục vụ xe buýt. Hiện nay, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang triển khai dự án đầu tư tuyến xe buýt nhanh trên đại lộ Đông - Tây (Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt), đây là tuyến xe buýt chất lượng cao, sử dụng làn đường riêng. Dự kiến đưa vào hoạt động vào khoảng cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Bến xe buýt trên xa lộ Hà Nội (gần khu du lịch Suối Tiên) thường xuyên xảy ra tình trạng xe buýt tấp làn đột ngột hoặc đậu giữa đường đón khách - Ảnh: CHÂU TUẤN
Va chạm giao thông sau khi xe buýt phanh gấp tại khu vực công viên 23-9, quận 1 - Ảnh: LƯU DUYÊN
Xe buýt ngang nhiên dừng sát dải phân làn ôtô trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) - Ảnh: CHÂU TUẤN
Là người sử dụng xe buýt đi lại, theo bạn, đâu là những bất tiện bạn hay gặp? Bạn muốn đóng góp điều gì để xe buýt TP.HCM ngày càng tiện dụng?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn và dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
TTO - Một xe buýt bất chấp nguy hiểm vượt luôn đèn đỏ tại giao lộ có đông đúc người qua lại khiến người đi đường hốt hoảng, bức xúc.
Xem thêm: mth.63552101022702202-neih-iat-ial-naht-gnuh-nal-pouc-hcahk-ar-tyub-ex/nv.ertiout