Thịt heo đươc bày bán trong siêu thị ở Melbourne. Ảnh minh họa. Nguồn: abc.net.au
Các quan chức Úc ngày 21-7 thông báo đã phát hiện các dấu vết của virus gây bệnh lở mồm long móng và dịch tả heo châu Phi trên các sản phẩm thịt heo được bày bán ở khu trung tâm thành phố Melbourne, bang Victoria. Ngoài ra, có 1 trường hợp phát hiện virus lở mồm long móng trên một sản phẩm thịt bò do du khách từ Indonesia mang vào Úc.
Bộ trưởng Nông nghiệp Úc Murray Watt cho biết đây là lần đầu tiên virus gây bệnh lở mồm long móng có mặt tại nước này, đồng thời cảnh báo căn bệnh này rất nguy hiểm, có nguy cơ hủy hoại ngành chăn nuôi quốc gia. Nếu để cho virus lây lan, ước tính nền kinh tế Úc sẽ thiệt hại 80 tỉ AUD (57,6 tỉ USD) trong vòng 10 năm.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Úc đã phát đi cảnh báo về việc dịch bệnh đang lan rộng tại Indonesia, bao gồm cả Bali, một trong những điểm nghỉ mát phổ biến nhất của người dân Úc.
Bộ trưởng Watt nêu rõ các sản phẩm có chứa virus gây bệnh lở mồm long móng tại Úc hiện đã bị thu giữ và tiêu hủy. Các nhà chức trách đang khẩn trương rà soát để kịp thời phát hiện cũng như ngăn chặn toàn bộ nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Ông Watt cho biết, ở một cấp độ nào đó, những phát hiện mới nhất này là đáng lo ngại. Tuy nhiên, mẫu bệnh phẩm mà các nhà chức trách tìm thấy là một số mảnh (đoạn) của virus, không phải là virus sống, cho thấy nguy cơ lây lan dịch bệnh tại Úc vẫn ở mức thấp và hệ thống an ninh sinh học của nước này đang hoạt động hiệu quả, có khả năng cao trong việc ngăn chặn các nguồn lây lan dịch bệnh xâm nhập vào đất nước.
Cùng ngày, Bộ trưởng Watt cũng công bố kế hoạch tăng cường các biện pháp kiểm soát an ninh sinh học dựa trên cách tiếp cận đa tầng ở các sân bay quốc tế của Úc, với hoạt động đầu tiên là thiết lập các "thảm sát khuẩn", giúp ngăn chặn virus gây bệnh lở mồm long móng xâm nhập.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp Úc khuyến cáo người dân đi du lịch nước ngoài trở về nước nên giặt sạch giày dép và quần áo của họ, hoặc để lại giày dép ở nước ngoài nếu có thể. Các du khách đến Úc từ Indonesia sẽ được yêu cầu phải đi trên "thảm sát khuẩn" để vệ sinh giày của họ. Thảm này có chứa dung dịch axit xitric, được thiết kế để đánh bật mọi chất bẩn từ đế giày và bao phủ chúng trong axit.
Trong thời gian tới, Úc sẽ triển khai một số biện pháp an toàn sinh học khác, bao gồm yêu cầu hành khách khai báo thông tin, lập hồ sơ của tất cả khách du lịch nhập cảnh từ Indonesia, đánh giá rủi ro theo thời gian thực, thẩm vấn và làm sạch giày…
Hồi tuần trước, Chính phủ Úc đã công bố gói tài chính 14 triệu AUD (10 triệu USD) dành cho công tác nâng cao khả năng an toàn sinh học quốc gia, tăng cường bảo vệ tuyến đầu ở các sân bay nội địa và quốc tế, cũng như các trung tâm bưu chính viễn thông, đồng thời hỗ trợ Indonesia và các nước láng giềng chống lại sự lây lan của virus gây bệnh lở mồm long móng.
Xem thêm: mth.72595604122702202-nol-tiht-gnort-gnom-gnol-mom-ol-hneb-yag-suriv-neih-tahp-ailartsua/nv.ertiout