Chiều 22-7, lãnh đạo VKSND Tối cao đã trao Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước cho VKSND Cấp cao tại TP.HCM vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
VKSND Cấp cao tại TP.HCM (Viện Cấp cao 3) được thành lập từ ngày 1-6-2015, trên cơ sở của Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP.HCM thuộc VKSND Tối cao (Viện phúc thẩm 3) được thành lập theo Quyết định số 08-BTP/QĐ ngày 20-4-1976 của Bộ Tư pháp (đến nay là 44 năm).
Theo đó, Viện Cấp cao 3 tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm theo thẩm quyền của Viện phúc thẩm 3, đồng thời thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án 23 tỉnh, thành được phân cấp theo thẩm quyền.
Trong 10 năm (2010 - 2019), đơn vị thụ lý 18.549 vụ án các loại, hàng năm đều tăng so với cùng kỳ; trong đó án phúc thẩm thụ lý 16.384 vụ; án giám đốc thẩm, tái thẩm thụ lý 2.165 vụ. Tổng số án đã giải quyết trong kỳ 17.258 vụ, đạt tỉ lệ 93%. Công tác thụ lý, nghiên cứu lập hồ sơ kiểm sát các loại án trong các lĩnh vực luôn được chú trọng, đảm bảo đúng hạn luật định và ngày càng nâng cao về chất lượng. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các loại án là công tác trọng tâm của đơn vị đã được nâng cao.
Đặc biệt đối với những vụ án tham nhũng lớn, án do liên ngành Trung ương chỉ đạo, án dư luận xã hội quan tâm, án phức tạp, án kêu oan đều có sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo Viện. Đặc biệt là sự nghiên cứu, chuẩn bị nghiêm túc của kiểm sát viên (KSV) và tổ công tác được phân công nghiên cứu, giải quyết vụ án, vai trò của KSV trong phiên tòa được khẳng định rõ nét hơn; các kết luận, quan điểm đề xuất giải quyết vụ án của KSV có căn cứ nên hầu hết được HĐXX phúc thẩm chấp nhận.
VKSND Cấp cao tại TP.HCM đón nhận huân chương Độc lập hạng Ba vào chiều 22-7. |
Điển hình các vụ án lớn, án do liên ngành Trung ương chỉ đạo, án dư luận xã hội quan tâm, án phức tạp như:
Trong giai đoạn Viện phúc thẩm 3 (từ 1-12-2009 đến 31-5-2015):
Vụ thứ nhất: Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn, phạm các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức, bị cáo không kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm từ ngày 15-12-2014 đến ngày 7-1-2015. Trong vụ án này theo đề nghị của VKS, tòa tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm về khoản tiền dùng thực hiện tội phạm và thu lợi bất chính: Buộc các bị cáo nộp lại số tiền dùng thực hiện tội phạm và thu lợi bất chính để sung công quỹ nhà nước hơn 11.000 tỉ đồng.
Trong giai đoạn Viện cấp cao 3 (từ 1-6-2015 đến 30-11-2019):
Vụ thứ hai: Vụ án Phạm Công Danh và đồng bọn, phạm các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam.
Đây là vụ án được Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo, Viện Cấp cao 3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Viện trưởng VKSND Tối cao giao, mở ra phương thức làm án đúng thực chất, đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương về phòng chống tham nhũng với số tiền liên quan trong vụ án hơn 9.000 tỉ. Sau đó, mở rộng điều tra nhiều vụ án liên quan (vụ Phạm Công Danh giai đoạn hai, vụ Hứa Thị Phấn và đồng phạm, thu hồi cho Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng).
Vụ thứ ba: Vụ án Nguyễn Minh Hùng và đồng bọn (Vụ VN Pharma)
Với tính chủ động, Viện Cấp cao phát hiện vụ án đang xét xử sơ thẩm được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm nên thành lập Tổ nghiên cứu theo dõi vụ án dưới sự trực tiếp chỉ đạo của Viện trưởng Viện Cấp cao 3. Phát hiện vụ án còn nhiều vấn đề mâu thuẫn, bản chất vụ án chưa được điều tra làm rõ nên đã báo cáo Viện trưởng VKSND Tối cao đề xuất kháng nghị phúc thẩm.
Ngày 22-9-2017, Viện cấp cao 3 đã ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm để điều tra lại với các lý do cấp sơ thẩm có sai sót trong việc xác định tội danh; bỏ lọt người, lọt tội; chưa làm rõ trách nhiệm của Cục quản lý Dược, vấn đề vật chứng và một số vấn đề khác.
Sau xét xử phúc thẩm, với kết quả thẩm vấn công khai của KSV đã được các cơ quan tố tụng Trung ương khởi tố nhiều vụ án khác, dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao, được nhân dân tin tưởng vào sự công minh của ngành Kiểm sát trong điều tra xét xử các vụ án về kinh tế, tham nhũng.