Doanh nghiệp kinh doanh vàng tăng trưởng tốt trong bối cảnh lạm phát cao - Ảnh: BÔNG MAI
Là doanh nghiệp kim hoàn đầu tiên và duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE), hoạt động kinh doanh của Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ) được chú ý.
Dựa vào báo cáo tài chính (BCTC) vừa được công bố, lũy kế nửa đầu năm 2022, PNJ gặt hái doanh thu thuần 18.210 tỉ đồng và lãi ròng sau thuế gần 1.090 tỉ đồng, tăng 57% và 48% so với cùng kỳ năm trước, đồng nghĩa hoàn thành gần 83% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm chỉ trong nửa đầu năm. Đây cũng là kết quả kinh doanh kỷ lục so với các bán niên trước.
Đáng chú ý, nếu như giai đoạn trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát (2017-2019), tốc độ tăng trưởng kinh doanh vàng miếng chỉ quanh mốc 10%, gần đây tình hình đã khác.
Riêng nửa đầu năm 2022, doanh thu vàng miếng 24K của PNJ tăng gần 66%, cao vượt trội so với các mặt hàng khác, mang về cho doanh nghiệp xấp xỉ 5.135 tỉ đồng (chiếm 28% tổng doanh thu).
Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, ông Lê Trí Thông - tổng giám đốc PNJ - cũng cho biết mảng kinh doanh vàng miếng có biên lợi nhuận mỏng nên kéo biên lợi nhuận chung đi xuống, song mảng này lại giúp tăng con số lợi nhuận tuyệt đối.
Bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI dự báo PNJ sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất về lợi nhuận trong quý 3-2022. Vì lĩnh vực bán lẻ trang sức đang trong giai đoạn phục hồi theo hình chữ K, nên các công ty hàng đầu cũng đạt doanh thu vượt xa trước dịch.
Phía Chứng khoán MB (MBS) cho biết theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng thế giới, tổng nhu cầu vàng cả năm 2021 ở Việt Nam đạt 43 tấn, tăng 8% so với năm trước. Giữa áp lực lạm phát, vàng là kênh trú ẩn tài sản được nhiều người chọn.
Công ty CP Thương mại dịch vụ Bến Thành (Ben Thanh TSC, đang giao dịch trên thị trường phi tập trung OTC) là đơn vị vận hành Trung tâm Vàng bạc đá quý Bến Thành (Q.1, TP.HCM).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý đầu năm 2022, doanh nghiệp đạt doanh thu hơn 26,7 tỉ đồng, lãi ròng sau thuế hơn 2,03 tỉ đồng - giảm nhẹ gần 2% so với cùng kỳ năm trước.
Lưu ý, bên cạnh kinh doanh vàng, Công ty CP Thương mại dịch vụ Bến Thành cũng có bán hàng lưu niệm, tranh sơn mài, hàng mây tre lá..., đồng thời có công ty con trong lĩnh vực du lịch, tiệc cưới...
Doanh nghiệp xác định loại hình kinh doanh chủ lực là bán lẻ tại các chợ truyền thống (chợ Bến Thành, chợ Dân Sinh, chợ Tân Định, chợ Thái Bình). Do đó việc lượng du khách nước ngoài vẫn chưa hồi phục bằng trước dịch cũng ảnh hưởng đến doanh thu.
"Các trung tâm hoạt động không hiệu quả, việc duy trì kinh doanh chủ yếu để có thể tiếp tục ký được hợp đồng thuê đất chợ cho chu kỳ 2022-2026", doanh nghiệp chia sẻ.
Dù vậy, trong lúc nền kinh tế dần hồi phục, nhu cầu giao dịch vàng tăng, năm 2022 doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 125 tỉ đồng, lãi sau thuế hợp nhất 8,4 tỉ đồng (+72% so với năm trước).
Là công ty khai thác vàng duy nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán (UPCoM), tình hình của Công ty CP Vàng Lào Cai (mã GLC) lại không mấy khả quan.
Theo báo cáo tài chính quý đầu năm nay, doanh nghiệp không ghi nhận bất kỳ doanh thu nào, song vẫn phải mất chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp... dẫn đến lỗ ròng sau thuế hơn 3,6 tỉ đồng.
Trong báo cáo tài chính kiểm toán 2021, đại diện hãng kiểm toán và định giá ASCO "nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động" của Vàng Lào Cai, vì đến thời điểm phát hành báo cáo công ty vẫn đang trong quá trình xin cấp phép khai thác mỏ mới nhưng chưa được chấp thuận. Đồng thời, năm 2021 doanh nghiệp lỗ hơn 16 tỉ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế hơn 90 tỉ đồng, tương đương gần 86% vốn điều lệ tại ngày cuối năm.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết không có doanh thu từ bán sản phẩm tinh quặng vì không khai thác. Năm 2022 doanh nghiệp kỳ vọng sớm gia hạn xong giấy phép khai thác khoáng sản để dần ổn định sản xuất.
Dù ngành bán lẻ được đánh giá đầy tiềm năng, song hầu hết các công ty phân tích đều nhận định "miếng bánh không dành cho tất cả mọi người". Thị trường sẽ chứng kiến sự bứt phá của những tập đoàn tiêu dùng quy mô lớn, chiến lược bài bản.