vĐồng tin tức tài chính 365

Kiềm chế lạm phát dưới 4% nhờ thắt chặt các chính sách tiền tệ và tài khóa

2022-07-23 03:08

Các tín hiệu đang khẳng định lạm phát không còn là diễn biến tạm thời ngắn hạn như các đánh giá năm 2021 và theo đó các ngân hàng Trung ương trên thế giới đã đồng loạt tăng lãi suất để ứng phó. Không thể phủ nhận áp lực gia tăng lạm phát là rất lớn và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn có trong tay các công cụ kiểm soát lạm phát hiệu quả và thể hiện quyết tâm ổn định mặt bằng giá.

Áp lực lạm phát gia tăng

Mặt bằng giá cả hàng hóa có dấu hiệu hạ nhiệt trong các tháng gần đây ở các mặt hàng kim loại, nhưng vẫn duy trì ở mức cao đối với mặt hàng nhiên liệu và lương thực.

Trong báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa của Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 4, giá năng lượng được dự báo tăng 50% trong năm 2022 và sau đó duy trì mặt bằng giá trong năm 2023 và 2024. Trong khi đó, các mặt hàng như nông nghiệp hay kim loại được dự báo tăng 20% trong năm 2022 và sau đó tăng nhẹ năm 2023 và 2024.

Như vậy, các tín hiệu đang khẳng định lạm phát không còn là diễn biến tạm thời ngắn hạn như các đánh giá năm 2021 và theo đó các ngân hàng Trung ương đã bắt đầu có thay đổi đặc biệt trong chính sách ứng phó lạm phát.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong kỳ họp cuối tháng 7 với mức tăng 75 điểm và có thể tiếp tục tăng trong tháng 9. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng vừa khiến các thị trường bất ngờ với việc nâng lãi suất mạnh hơn dự kiến nhằm kiểm soát lạm phát. ECB nâng lãi suất tiền gửi 50 điểm cơ bản lên 0%, vượt mức dự kiến trước đó là 25 điểm cơ bản, khi cùng với các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu tăng chi phí đi vay.

"Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB trong 11 năm. Động thái này khiến đồng euro lên giá so với đồng USD sau một đợt tăng giá mạnh của đồng bạc xanh, làm xói mòn kết quả kinh doanh của một số tập đoàn đa quốc gia của Mỹ. Như vậy, xu hướng đồng USD lên giá so với ngoại tệ mạnh khác tiếp tục duy trì", Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định.

Thực tế này tạo áp lực lớn đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Điều này cho thấy, bài toán khó đối với các ngân hàng trung ương khi đảm bảo mục tiêu liên quan đến lạm phát và sự cân đối trong tương quan về chính sách tiền tệ so với các quốc gia khác trên thế giới, khi nhiều ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất nhằm ứng phó với lạm phát. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

VCBS đánh giá trong giai đoạn này ưu tiên hàng đầu về chính sách của Việt Nam là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô khi các yếu tố bất định gia tăng. Nửa đầu năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt 6,42%. VCBS dự báo cả năm 2022, tăng trưởng GDP sẽ đạt từ 6,49 - 7,6%.

Tuy nền kinh tế Việt Nam ghi nhận tín hiệu hồi phục, tăng trưởng tích cực nhưng bài toán về điều hành các biến số về ổn định kinh tế vĩ mô gặp nhiều thách thức, đặc biệt về áp lực tỷ giá, lãi suất trong bối cảnh lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa hạ nhiệt.

Nền kinh tế phục hồi sau dịch với mức tăng cao dựa trên nền thấp của các năm trước do tác động của dịch bệnh. Nhóm dịch vụ dự báo có đóng góp lớn trong giai đoạn kinh tế phục hồi. VCBS cũng kỳ vọng điểm sáng về các chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa tiếp tục được duy trì trong bối cảnh các diễn biến không thuận lợi có thể kéo dài sang năm 2023, đặc biệt liên quan đến lạm phát và xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.

CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021; bình quân nửa đầu năm 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2021. Áp lực tăng chủ yếu do giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển.

Ngoài ra, VCBS cũng nhận thấy áp lực lạm phát chủ yếu đến từ bên ngoài khi giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng trong bối cảnh đứt gẫy chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị. Theo đó, các quốc gia trên thế giới cũng chịu áp lực lạm phát tăng nhanh và mạnh như Mỹ hay các quốc gia châu Âu.

Công cụ kiểm soát

VCBS quan sát thấy, Chính phủ vẫn có trong tay các công cụ và thể hiện quyết tâm ổn định mặt bằng giá. Cụ thể, đối với nhóm lương thực, thực phẩm, nhìn chung Việt Nam với thế mạnh nông nghiệp, hoàn toàn có thể chủ động và kiểm soát nguồn cung, đi kèm với các chương trình bán hàng bình ổn giá.

Chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm đảm bảo các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Giá các dịch vụ công vẫn nằm trong kiểm soát của Chính phủ. Dù vậy, áp lực lạm phát và lạm phát có thể sẽ tiếp diễn chủ yếu do thiếu hụt nguồn cung, giá cả hàng hóa leo thang và chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Chúng tôi cho rằng trong năm nay, giá dầu có thể duy trì quanh ngưỡng từ 90 - 110 USD trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine cùng với các biện pháp trừng phạt kinh tế đẩy giá năng lượng toàn cầu lên mức cao kỷ lục”, chuyên gia từ VCBS nhận định.

Cùng đó, giá than đầu vào sản xuất điện leo thang tạo áp lực lên giá điện, trong khi đó, cầu tiêu dùng nội địa sẽ hồi phục đáng kể sau đại dịch. Lương tối thiểu tháng theo 4 vùng cũng được điều chỉnh tăng từ ngày 1/7.

VCBS cho rằng, áp lực lạm phát thậm chí có thể kéo dài đến nửa đầu năm 2023 khi giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới ở mức cao và phản ánh nhiều hơn vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Ngoài ra, VCBS cũng không loại trừ áp lực lạm phát vòng hai do giá xăng dầu tăng cao.

VCBS dự báo lạm phát năm 2022 có khả năng vượt mục tiêu 4% của Quốc hội. Tuy nhiên, VCBS cho rằng áp lực mức tăng lạm phát như vậy vẫn ở mức tương đối thấp so với các quốc gia trong khu vực.

Trong khi đó, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) kỳ vọng, lạm phát Việt Nam vẫn được kiểm soát dưới mức 4% trong 2022.

CPI Việt Nam tăng vọt trong tháng 6/2022, tăng gần 3,37% so với cùng kỳ năm ngoái, khi giá xăng dầu trong nước liên tục tăng mạnh theo giá dầu thế giới. Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển và nhu cầu hồi phục trở lại sau dịch.

Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, rủi ro lạm phát ngày càng gia tăng trong năm 2022, do các yếu tố giá cả lương thực đang gia tăng do thời tiết xấu, giá cả vận chuyển tăng, chịu ảnh hưởng căng thẳng Nga - Ukraine. Sự tăng giá hàng hóa và nguyên vật liệu đầu vào có khả năng kéo dài do nhu cầu tiêu dùng hồi phục trong khi nguồn cung bị đứt gãy. Tác động của gói hỗ trợ lớn của Chính phủ, kèm theo tăng trưởng tín dụng cao.

Tuy vậy, các chính sách đảm bảo cân đối cung cầu và ổn định thị trường của Chính phủ, đi kèm chính sách rút ròng qua thị trường mở của ngân hàng nhà nước sẽ góp phần kiềm chế lạm phát.

“Chúng tôi vẫn giữ quan điểm lạm phát sẽ được kiểm soát ổn định dưới mức mục tiêu 4% trong năm 2022, với dự phóng của chúng tôi là 3,9%, cao hơn mức đồng thuận chung của các tổ chức dự phóng là 3,6%”, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nêu quan điểm.

Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, lạm phát các nước được kỳ vọng sẽ tạo đỉnh trong năm 2022 và hạ nhiệt sau đó, khi chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, kèm theo kỳ vọng giá năng lượng và thực phẩm hạ nhiệt và nguồn cung hồi phục.

Tuy nhiên, nếu tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc giá hàng hóa gia tăng tiếp tục kéo dài, lạm phát ở nhiều nước có thể sẽ tăng trên mức mục tiêu; trong đó có Việt Nam.

Một thông tin tích cực và có sức mạnh trong việc kiềm chế lạm phát đó là giá xăng, dầu gần đây giảm mạnh. Giá xăng dầu thế giới giảm cùng với việc giảm thuế bảo vệ môi trường đã giúp giá xăng dầu trong nước giảm mạnh trong kỳ điều hành ngày 21/7. Theo đó, hàng loạt các mặt hàng xăng dầu đều được điều chỉnh giảm mạnh với mức giảm từ 1.000 - 3.600 đồng/lít.

Sau điều chỉnh, giá xăng E5 giảm còn 25.073 đồng/lít, A95 còn 26.070 đồng/lít, dầu diesel còn 24.858 đồng/lít, dầu hoả còn 25.246 đồng/lít và dầu mazut còn 16.548 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, xăng dầu tăng giá sẽ khiến các mặt hàng tăng giá ngay lập tức. Nhưng khi xăng dầu xuống giá, có thể các mặt hàng sẽ không xuống tương ứng. Do vậy, giảm giá xăng dầu càng nhanh thì càng có hiệu quả sớm trong việc kiểm soát lạm phát.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định, việc giá xăng, dầu giảm mạnh như hiện tại sẽ làm giảm lạm phát rất nhiều, có tác động tích cực đến tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Theo ông Thịnh, hiện tại nguồn cung và cầu dầu khá ổn định, không có những biến động lớn. Yếu tố tác động lớn nhất đến nguồn cầu đó là Trung Quốc bỏ chính sách "Zero COVID" nhằm tăng trưởng sản xuất thì nước này sẽ nhập dầu nhiều hơn. Nhưng thực ra trong thời gian vừa qua, khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine diễn ra, dầu của Nga vẫn bán rất nhiều vào Trung Quốc.

Thực tế, nguồn cung dầu của Nga cho Trung Quốc rất lớn. Do đó, nếu Trung Quốc có trở lại sản xuất bình thường thì nguồn cầu vẫn không có khả năng tăng đột biến.

Trong khi đó, Nga vẫn đảm bảo bán dầu vào Trung Quốc và Ấn Độ và đây là 2 quốc gia hàng đầu về tiêu thụ dầu. Như vậy, nguồn cung vẫn ổn định. Do vậy, từ nay đến cuối năm, giá dầu có lẽ cũng sẽ ổn định không có biến động lớn.

“Tôi tin tưởng với giá xăng dầu ở mức như hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể kiềm chế lạm phát ở mức dưới 4% như mục tiêu đặt ra”, ông Thịnh nói.

Theo Văn Giáp

Theo Báo Tin Tức

Xem thêm: nhc.90144508122702202-aohk-iat-av-et-neit-hcas-hnihc-cac-tahc-taht-ohn-4-ioud-tahp-mal-ehc-meik/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kiềm chế lạm phát dưới 4% nhờ thắt chặt các chính sách tiền tệ và tài khóa”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools