Với chủ đề khó, đại diện các quốc gia sẽ có những trao đổi để bảo vệ quan điểm chung thay vì đưa ý kiến riêng rẽ - Ảnh: DANH KHANG
Hội nghị mô phỏng Liên Hiệp Quốc Hà Nội (Hanoi Model United Nations - HMUN) lần thứ 8 diễn ra từ ngày 22 đến 24-7 với 110 đại biểu và 30 quan sát viên có độ tuổi từ 12-22 trên cả nước.
Năm nay, HMUN mang chủ đề "Glitch in the Matrix - lỗi ma trận trong một thế giới tưởng chừng vô cùng hoàn hảo". Các đại biểu sẽ tham gia tranh luận về những vấn đề lớn mang tính toàn cầu, từ đó đưa ra các giải pháp tối ưu.
Hội nghị HMUN có 5 hội đồng với các chủ đề gồm: Thực thể Liên Hiệp Quốc vì bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ (UN WOMEN), Ủy ban kinh tế Mỹ Latin và vùng Caribê Liên Hiệp Quốc (ECLAC), Hội đồng hòa bình thế giới (WPC), Hội nghị thượng đỉnh giữa các quốc gia châu Âu (IES) và Hội đồng khủng hoảng giả tưởng (FCC).
Qua các hội đồng, các bạn trẻ sẽ thảo luận, đưa giải pháp chống xâm hại phụ nữ dân tộc thiểu số, giải quyết trở ngại trong tiếp cận sức khỏe sinh sản của phụ nữ, chống bất bình đẳng thu nhập và thất nghiệp, ứng dụng công nghệ - nâng cao an ninh công cộng…
Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ bàn luận về Hiệp ước Versailles (1919) - hiệp ước "vẽ lại bản đồ châu Âu" - gây ra nhiều hệ lụy cho tới ngày nay. Với thử thách này, các bạn trẻ sẽ đưa ra các đề xuất chính sách khác với lịch sử, tránh gây thiệt hại cho nhân loại.
Đại diện Việt Nam tham gia nêu ý kiến về bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ (UN Women) trong Hội nghị mô phỏng Liên Hiệp Quốc - Ảnh: DANH KHANG
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bạn Phùng Hà Thu - trưởng ban tổ chức của HMUN 2022 - cho biết: "Hội nghị mô phỏng Liên Hiệp Quốc vẫn khá mới ở Việt Nam. Một phần vì nhiều bạn nghĩ rằng hội nghị chỉ có người lớn tham gia.
Vì vậy, ban tổ chức mong muốn đem đến một hội nghị mô phỏng gần gũi nhất, để tạo cơ hội giao lưu, hiểu biết sâu hơn về chính trị toàn cầu và những sự kiện đang diễn ra trên thế giới hiện tại. Việc các bạn đứng lên và nắm vai trò lãnh đạo các quốc gia sẽ rất áp lực nhưng rèn luyện kỹ năng đàm phán, làm việc nhóm xây dựng chiến thuật cũng như thuyết phục người khác".
Lưu Linh Đan - lớp 12 Trường THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam - háo hức chia sẻ bản thân lựa chọn hội nghị UN WOMEN để đấu tranh cho phái yếu.
"Khi được đóng vai các phe phái khác nhau, mình được hiểu hơn về luật pháp các nước, nâng cao khả năng tranh biện, bảo vệ quan điểm có căn cứ, lý lẽ rõ ràng. Dù đối mặt với các anh chị rất giỏi hay những bạn nhỏ tuổi hơn nhưng mình nắm rõ tinh thần hội nghị là mọi người đều có những quan điểm và góc nhìn riêng.
Qua hội nghị, mình nghĩ mọi người đều được trau dồi ngoại ngữ, kỹ năng tranh biện, làm việc nhóm và kết nối những người cùng đam mê, xa hơn là trở thành nhà ngoại giao, chính trị gia trong tương lai", Linh Đan bày tỏ.
Đại biểu tham gia sẽ viết bài luận nhỏ về đất nước đại diện và gửi lại ban tổ chức Hội nghị mô phỏng Liên Hiệp Quốc Hà Nội và nhận chứng nhận, quà lưu niệm vào ngày 24-7.
TTO - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định) vừa phối hợp Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tổ chức Hội nghị mô phỏng Liên Hiệp Quốc năm 2020 (LQDOMUN).