Chiều ngày 19/7, VĐV trượt băng Yuzuru Hanyu tuyên bố giải nghệ ở tuổi 27 trong sự tiếc nuối của hàng triệu người hâm mộ. Anh là người châu Á đầu tiên 2 lần liên tiếp giành HCV Olympic mùa đông vào năm 2014 và 2018. Hanyu cũng là VĐV đơn nam đầu tiên trong lịch sử đạt được Siêu Slam - tức vô địch thế giới ở mọi lứa tuổi anh tham dự từ thuở thiếu niên đến lúc trưởng thành.
Trong suốt sự nghiệp, 'quốc bảo Nhật Bản' 19 lần phá kỷ lục thế giới, trong đó hầu hết là những cột mốc do chính anh thiết lập. Với những thành tích xuất sắc, Yuzuru Hanyu từng được Thủ tướng Nhật Bản trao tặng Huân chương danh dự Quốc gia và là người trẻ nhất nhận vinh dự này. Tuy nhiên, thứ khiến anh nhận được sự hâm mộ trên toàn thế giới là ý chí kiên cường vượt qua bệnh tật và khát khao chinh phục những đỉnh cao.
Giấc mơ Olympic của cậu bé hen suyễn
Hanyu sinh ra và lớn lên tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagii, Nhật Bản trong một gia đình có bố là giáo viên, mẹ là nhân viên bán hàng. Anh được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn vào năm 2 tuổi và phải uống thuốc hằng ngày. Căn bệnh này khiến Hanyu gặp rất nhiều khó khăn khi theo đuổi môn trượt băng nghệ thuật. Anh phải học cách phân phối sức để hoàn thành tốt nhất bài thi.
Trong giai đoạn đầu sự nghiệp, gia đình là chỗ dựa lớn nhất của Hanyu. Mẹ ruột Hanyu là bà Yumi Hanyu đã nghỉ việc để cùng anh sang tập huấn thời gian dài ở Canada. Trong khi đó, cha anh và chị gái Saya ở lại Nhật Bản. Vì Hanyu, gia đình nhỏ phải chịu cảnh xa cách nhưng tất thảy đều cảm thấy hạnh phúc và tin tưởng vào khả năng tỏa sáng của thành viên bé nhất trong nhà.
Sự tự tin ấy cũng được Hanyu bộc lộ từ nhỏ: "Em muốn giành huy chương vàng Olympic" - Hanyu trả lời phỏng vấn năm 11 tuổi, với gương mặt nghiêm nghị đầy vẻ quyết tâm. Thời điểm đó, Hanyu để kiểu tóc hình nấm giống thần tượng của mình là "Sa hoàng băng giá" Plushenko và không hề giấu giếm khát khao lên đỉnh thế giới. 8 năm sau, Hanyu giành huy chương vàng Olympic Sochi năm 2014, trở thành nhà vô địch trượt băng nghệ thuật nam đầu tiên của châu Á.
Năm 2018, Hanyu đi vào lịch sử ở Pyeongchang với tư cách VĐV trượt băng nghệ thuật đầu tiên trong kỷ nguyên hiện đại hai lần liên tiếp giành huy chương vàng Thế vận hội. Càng nể phục hơn khi anh làm nên kỳ tích trong bối cảnh dính những chấn thương nghiêm trọng ở mắt cá chân và lưng ngay trước giải đấu.
Trượt băng nghệ thuật là môn thể thao kết hợp giữa khả năng biểu cảm, kỹ thuật cá nhân, trang phục và âm nhạc. Yuzuru Hanyu đạt đến trình độ hoàn hảo ở mọi yếu tố kể trên. Anh thường lựa chọn các loại hình âm nhạc gắn liền với Nhật Bản hoặc với những nhân vật mình yêu quý.
Yuzuru Hanyu có rất nhiều người hâm mộ ở Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều đất nước khác, trong đó có Việt Nam. Họ đến vì vẻ đẹp ngoại hình của Yuzuru Hanyu rồi quyết định hâm mộ chàng trai này bởi tinh thần không bỏ cuộc và không hài lòng với những lựa chọn an toàn.
Cú nhảy Đế Vương đi vào huyền thoại
Yuzuru Hanyu hội tụ đủ mọi yếu tố để trở thành huyền thoại môn trượt băng nghệ thuật. Tuy nhiên, điều khiến anh thêm vĩ đại chính là quyết định táo bạo ở Olympic mùa đông Bắc Kinh vừa diễn ra. Cú nhảy 4 vòng rưỡi (Quad Axel - 4A) là động tác kỹ thuật khó nhất mà chưa từng có VĐV nào làm được trong một cuộc thi chính thức. Mục tiêu lớn nhất của Hanyu là thực hiện thành công cú nhảy 4A tại một kỳ Thế vận hội.
Hanyu tuyên bố trước thềm NHK Trophy là sẽ sử dụng cú 4A ở đầu bài thi tự do của mình. Tuy nhiên, anh bị chấn thương dây chằng mắt cá chân phải (tương tự chấn thương trước thềm Olympics 2018) và phải rút khỏi hai giải đấu Grand Prix.
Yuzuru Hanyu trong một lần gặp chấn thương
Cuối năm 2021, Hanyu trở lại để tham dự giải vô địch quốc gia Nhật Bản, qua đó giành tấm vé đến Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022. Tại đây, Hanyu cố gắng thực hiện cú nhảy 4A huyền thoại mà anh mơ ước từ nhỏ. Tuy nhiên, cú nhảy 4A của Hanyu chưa hoàn hảo nên chưa được xem là thực hiện thành công. Màn trình diễn còn lại vẫn đủ để anh đại diện Nhật Bản đến Bắc Kinh.
Trong buổi luyện tập trước ngày thi chính thức ở Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022, Hanyu bị bong gân và tái chấn thương khi luyện tập cú nhảy 4A. Thay vì rút lui hoặc không thực hiện động tác khó, Hanyu chọn cách tiêm thuốc giảm đau để thi đấu. Ngày 10/2 ở phần thi tự do, Hanyu bị ngã khi thực hiện cú 4A và chỉ xếp thứ 4 chung cuộc với số điểm tổng là 283,21.
Hanyu thất bại nhưng với người hâm mộ và giới chuyên môn, quyết định thử thách giới hạn bản thân của Hanyu là một vẻ đẹp rất Olympic: Nhanh hơn, cao hơn và xa hơn. Anh không lựa chọn cách thi đấu an toàn để hướng đến những tấm huy chương mà đặt cược vào một kỹ thuật khó đến không tưởng.
Hanyu không phải mẫu VĐV no nê danh hiệu nên từ chối vinh quang. Đơn giản, anh là người muốn đi đến cùng vẻ đẹp của môn thể thao mình theo đuổi. Hanyu không còn xuất hiện ở các cuộc thi chính thức nhưng người hâm mộ vẫn chờ đợi Hanyu thực hiện thành công cú nhảy 4A trên một sân khấu chuyên nghiệp.
Theo Mạnh Tùng
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.67092808032702202-ioig-eht-oaht-eht-auc-ueim-ym-ped-ev-uynah-uruzuy-gnab-nas-ut-gnaoh/nv.zibefac